Nếu con bị chàm sữa, mẹ “cai” những gì?

30-03-2019 16:06 | Đời sống
google news

SKĐS - Chàm sữa là tình trạng viêm da dị ứng do phản ứng lại với tác nhân gây dị ứng từ bên ngoài. Tác nhân gây ra dị ứng này có thể là sữa mẹ, thực phẩm từ chế độ ăn dặm, hóa chất giặt tẩy hoặc đôi khi không xác định được tên cụ thể.

Chàm sữa dễ gặp ngay từ sớm

Chàm sữa là một trong các phiền toái ngay đầu đời đối với một số em bé. Tỉ lệ gặp chàm sữa là 20% trong tổng số các em bé được sinh ra. Nghĩa là cứ 100 đứa trẻ được sinh ra thì có 20 đứa trẻ bị bệnh. Nó có thể rơi vào bất kỳ bé nào, bé hàng xóm hoặc có thể ngay em bé nhà bạn, bé đầu, bé sau hoặc sau nữa. Nó không là bệnh mang tính chất hệ trọng đe dọa tính mạng nhưng lại gây ra tình trạng khó ở cho bé con. Bình thường cháu sẽ ăn ngủ và rất ngoan. Nhưng nếu chẳng may bị chàm sữa, cháu sẽ khó ăn, khó ngủ, khó ở, ngủ không ngon và không sâu giấc vì ngứa ngáy. Phiền nỗi, ngứa nhưng cháu không biết gãi như thế nào giống các anh chị lớn. Ở độ tuổi cháu, cháu chỉ biết ưỡn mình, gắt gỏng, gào khóc hoặc cùng lắm là dùng tay cào và bấu lên mặt nhưng vẫn không đỡ.

Chàm sữa là tình trạng viêm da dị ứng do phản ứng lại với tác nhân gây dị ứng từ bên ngoài. Tác nhân gây ra dị ứng này có thể là sữa mẹ, thực phẩm từ chế độ ăn dặm, hóa chất giặt tẩy hoặc đôi khi không xác định được tên cụ thể. Người ta chỉ biết tự nhiên thấy bệnh phát ra. Bệnh được biểu hiện bằng các ban nổi ngoài da, xuất hiện ở vùng má, trán, mặt, lan xuống cằm, cổ, ngực. Để nặng sẽ lan ra lưng bụng và tay chân.

Bệnh thường xuất hiện trong độ tuổi từ 1 - 3 tháng tuổi. Dần dần, tỉ lệ mắc chàm sữa giảm dần và gần như không còn sau độ tuổi 12 tháng.

Nếu con bị chàm sữa, mẹ “cai” những gì?Bệnh được biểu hiện bằng các ban nổi ngoài da


Mẹ chịu khó “cai”

Ngoài việc dùng thuốc, sử dụng thực phẩm đúng cách với mẹ cũng là một phương pháp để xử lý chàm sữa. Nếu chẳng may em bé mới được 1 tháng tuổi mà đã mắc chàm sữa, mức độ nhẹ (diện tích nhỏ, chỉ khoảng 1 cái miệng chén hạt mít hoặc nốt chàm sữa thưa, nhỏ) thì bà mẹ có thể chưa phải dùng đến thuốc cho con. Các bà mẹ chỉ cần tạm thời gác lại một số thực phẩm sau thì bệnh chàm sữa của bé có thể sẽ không bùng phát lên. Kết quảcuối cùng bệnh của bé yêu được giảm và trẻ có thể tự khỏi. Các thực phẩm cần hạn chế được liệt kê trong danh sách sau:

Các thức ăn giàu chất tanh: thức ăn giàu chất tanh là tên gọi chung chỉ các thức ăn có nguồn gốc từ nước. Chúng không chỉ là tôm, cá mà là tất cả những thực phẩm có đời sống chủ yếu là nước. Có thể kể cụ thể ra như tôm các loại, kể cả nước ngọt hay nước mặt, cua đồng, cua biển, cá nước ngọt các loại, cá thu, cá hồi, thậm chí cả tảo vốn được nói là rất tốt cũng không nên ăn. Lý do là vì các thực phẩm này có khả năng kích thích phản ứng miễn dịch cao. Nói dễ hiểu là dễ gây ra dị ứng. Nếu mẹ ăn các thực phẩm trên, chất trong chúng sẽ được đi vào sữa mẹ, từ đó đi vào con và gây kích hoạt chuỗi dị ứng, mặc dù mẹ chẳng xi nhê gì. Chất có khả năng gây dị ứng trong các thực phẩm này là các phân tử protein kích thước nhỏ, vốn là một đặc tính đặc trưng của các sản phẩm có chất tanh. Khi ăn vào, chúng dễ “chui” vào sữa mẹ, gây ra dị ứng ngay cả với một người bình thường, chưa kể tới các cá nhân nhạy cảm như những người cơ địa dị ứng và nhóm trẻ bị chàm sữa. Vậy nên: dù thích cũng tạm ngừng ăn.

Các thức ăn giàu chất béo: thức ăn giàu chất béo là các thức ăn có nhiều ipid, hiểu nôm na là có nhiều mỡ, dầu và cholesterol. Điển hình của nhóm này là thịt lợn mỡ, thịt gà mỡ (cổ, bụng, khấu đuôi, đùi trong đó đùi gà rất hay bị hiểu nhầm là phần thịt nạc nhất, ngon nhất nhưng thực ra có nhiều mỡ hơn phần thịt nạc khác). Thịt vịt, ngan, ngỗng, lòng đỏ trứng gà, trứng vịt lộn, trứng cút lộn, các món ăn chiên xù cũng cần loại bỏ... Nhiều bà mẹ trẻ do khẩu vị quen từ thời còn sinh viên, thích ăn món gà rán, chiên xù (vốn chứa nhiều nguy cơ) và vẫn giữ nguyên thói quen đó khi đã xây dựng gia đình. Sinh nở rồi những vẫn thích ăn các món này. Hậu quả, ăn nhiều thực phẩm béo dễ làm khởi phát cơ địa dị ứng, chàm sữa dễ sinh thêm nốt, nốt cũ sinh thêm ngứa, nốt sắp khỏi sinh ra khó khỏi hơn. Vậy nên: không nên ăn nhiều các thực phẩm này.

Các thức ăn giàu chất cay, tê: nếu bà mẹ nào thích ăn chua tê cả răng, cay xé lưỡi hoặc tê đến tê mồm thì nên thay đổi trong giai đoạn này. Nhiều bà mẹ rất thích ăn các gia vị mạnh khi đi ăn bún phở ngoài hàng. Ngay cả khi mới sinh, họ cũng không bỏ được. Tỉ tên chồng đi mua ăn sáng giúp và đi kèm lời dặn: nhớ lấy nhiều miếng ớt, bốcnhiều chanh, xin nhiều tương ớt. Khi ăn, bát bún phở phải đỏ ứng lên vì tương ớt, chua gắt lên vì giấm thì mới chịu cơ. Về cơ bản, nếu chịu được những cung bậc này thì có lợi vì chúng kích thích tiêu hóa mạnh (lưu ý không phù hợp với nhiều người). Nhưng phản ứng bất lợi nhất trong trường hợp này đó là tính sinh ngứa. Những thực phẩm này dễ gây ngứa, kích thích tiết mồ hôi điển hình nên các đám chàm sữa trên mặt bé sẽ sẩn mạnh hơn. Chỉ cần mẹ ăn một lượng nhất định thức ăn nhiều gia vị mạnh, sữa của mẹ sẽ trở nên nóng hơn bình thường và càng bú thì bé con càng lĩnh đủ. Cứ thế, bé oằn mình, cựa quậy liên tục vì ngứa mà hổng biết trong sữa mẹ có cái gì luôn. Vậy nên: bỏ hẳn các thực phẩm này giai đoạn 3 tháng đầu sau sinh.


BS. YÊN LÂM PHÚC
Ý kiến của bạn