Hà Nội

Nếu biết cách, cha mẹ sẽ giúp con phát triển kỹ năng chức năng điều hành trước 2 tuổi

28-10-2022 07:06 | Y học 360
google news

Não trẻ phát triển nhanh vào những năm đầu đời. Khi trẻ 2 tuổi, não đạt kích thước bằng 80% não bộ người trưởng thành, vì vậy cha mẹ tận dụng thời điểm vàng này để phát triển kỹ năng chức năng điều hành.

Có kỹ năng chức năng điều hành, trẻ hưởng lợi suốt đời

Kỹ năng chức năng điều hành (EFS - executive function skill) là một tập hợp các kỹ năng được mô tả là "giám đốc điều hành của não bộ".  Các kỹ năng này bao gồm quá trình tư duy, nhận thức để lập kế hoạch, sắp xếp thứ tự ưu tiên, tổ chức, giải quyết vấn đề, khởi xướng nhiệm vụ, tự điều chỉnh hành vi và cảm xúc, thích nghi, ứng biến với các tình huống mới và bất ngờ và tích cực theo đuổi mục tiêu.

Nếu biết cách, cha mẹ sẽ giúp con phát triển kỹ năng chức năng điều hành trước 2 tuổi - Ảnh 1.

Các nhà nghiên cứu tại Đại học Trieste, Trieste, Ý cho rằng: Chức năng điều hành thể hiện sự linh hoạt trong các chiến lược và ý tưởng. Các nghiên cứu của Đại học British Columbia cũng cho thấy EFS rất quan trọng để thành công trong công việc, tình bạn, hôn nhân, sức khỏe tinh thần và thể chất.

Ở trẻ em, kỹ năng EFS đóng một vai trò quan trọng ảnh hưởng đến thành tích học tập, sức khỏe và chất lượng cuộc sống. Theo nghiên cứu của Cameron và cộng sự năm 2012; Roebers và cộng sự năm 2014; Mulder và cộng sự năm 2017 đã chứng minh kỹ năng EFS có thể dự đoán kết quả học tập sớm ở trẻ mẫu giáo. Đồng thời, kỹ năng này liên quan tích cực đến tương lai của trẻ như tương tác xã hội, thành công trong công việc và sự hòa hợp trong hôn nhân. Ngược lại, nếu kỹ năng EFS kém, trẻ gặp các vấn đề về hành vi như thiếu tập trung hoặc lạm dụng chất gây nghiện.

Giống như các kỹ năng đi, nói, đọc… EFS phát triển ở mỗi thời điểm khác nhau ở mỗi trẻ, nếu trẻ em trau dồi các kỹ năng chức năng điều hành mạnh mẽ ngay từ sớm, chúng sẽ được hưởng lợi trong suốt cuộc đời.

Chuyên gia nói gì để phát triển EFS

Nếu một đứa trẻ có kỹ năng EFS kém sẽ gặp phải những khó khăn như: Kỹ năng độc lập kém, tính tự giác kém, gặp khó khăn khi giải quyết các vấn đề phát sinh trong các tình huống khi chơi; dễ bốc đồng, dễ bị phân tâm hoặc mất hứng thú, tự điều chỉnh kiểm soát cảm xúc kém và không tích cực theo đuổi mục tiêu đến cùng.

Nếu biết cách, cha mẹ sẽ giúp con phát triển kỹ năng chức năng điều hành trước 2 tuổi - Ảnh 2.

Theo TS Adele Diamond - Khoa Tâm thần, Đại học British Columbia, Mỹ, các biện pháp can thiệp để phát triển kỹ năng điều hành EFS cho trẻ hiệu quả bao gồm vận động thể chất, đào tạo nhận thức và phát triển não bộ.

Vận động thể chất: Vận động thể chất làm tăng nguồn cung cấp máu cho não, chống lại sự suy giảm tinh thần và các bệnh thoái hóa thần kinh và khuyến khích sự tăng trưởng và phát triển của các tế bào thần kinh mới.

Rất nhiều môn thể thao trẻ có thể tham gia như bóng đá, bóng rổ, đạp xe; kéo co, leo núi…

Đào tạo nhận thức: Phương pháp giáo dục này tập trung vào việc dạy các kỹ năng tự điều chỉnh và giao tiếp xã hội hoặc tương tác của cha mẹ với con, tương tác của trẻ và những người xung quanh.

Phát triển não bộ: Chất béo chiếm 60% phần vật chất não bộ trong đó chủ yếu là omega, bổ sung từ sớm có thể giúp trẻ phát triển kỹ năng, thông minh hơn. Các nhà khoa học khuyên dùng omega thực vật bởi không tanh, chứa ALA (khi vào cơ thể chuyển hóa thành DHA và EPA) và chứa vitamin E tự nhiên.

Trẻ có vấn đề về chức năng điều hành thể hiện qua nhiều dấu hiệu và triệu chứng. Phụ huynh lưu tâm đến con nhiều hơn để có thể nhận thấy bất thường. Dưới đây là các dấu hiệu phổ biến sau:

- Trẻ thường phải loay hoay để tìm cách bắt đầu thực hiện một việc nào đó.

- Không xác định được lượng thời gian cần thiết để hoàn thành công việc, kỹ năng quản lý thời gian kém.

- Làm mọi việc một cách nhanh chóng và cẩu thả hoặc chậm chạp và không hoàn chỉnh.

- Gặp khó khăn trong việc áp dụng những góp ý vào một việc làm nào đó.

- Gặp khó khăn trong việc tập trung chú ý, dễ bị xao lãng.

- Cần được hướng dẫn nhiều lần.

- Thường xuyên không tìm được từ ngữ để giải thích chi tiết cho điều gì đó.


 


Quỳnh Nga
Ý kiến của bạn