Hà Nội

Nếu bị huyết áp cao hãy cẩn thận với những loại thuốc sau

19-08-2021 18:45 | An toàn dùng thuốc

Một số thuốc thường dùng có thể gây tăng huyết áp. Vì vậy, đối với những người bị huyết áp cao cần thận trọng khi dùng những loại thuốc này.

Cao huyết áp, hay tăng huyết áp, là một trong những tình trạng y tế phổ biến nhất hiện nay. Những người có huyết áp cao không được kiểm soát có nguy cơ bị các biến chứng nghiêm trọng, chẳng hạn như đột quỵ, đau tim, suy tim, thận, thậm chí tử vong. 

Tại Mỹ, cứ 4 ca tử vong thì có một ca tử vong do bệnh tim, khiến cao huyết áp trở thành kẻ giết người thầm lặng số một.

Nếu bị huyết áp cao hãy cẩn thận với những loại thuốc sau - Ảnh 1.

Một số loại thuốc không kê đơn có thể làm tăng huyết áp.

Chúng ta biết rằng huyết áp cao dẫn đến bệnh tim mạch, đột quỵ và tử vong và ngay cả sự gia tăng huyết áp nhỏ cũng có thể có những tác động có ý nghĩa đối với bệnh nhân, đặc biệt những người lớn tuổi, những người cũng có gánh nặng huyết áp cao nhất. 

Tuy nhiên, theo nghiên cứu mới được trình bày tại phiên họp khoa học thường niên lần thứ 70 của Đại học Tim mạch Hoa Kỳ, gần 1/5 người bị huyết áp cao là do dùng thuốc.

Những loại thuốc có thể làm tăng huyết áp

Một số thuốc không kê đơn (OTC) dùng để tri các chứng bênh thông thường như: Cảm lạnh, ho, tiêu chảy, đau nhẹ hoặc khó chịu ở dạ dày. 

Tuy nhiên, một số loại thuốc không kê đơn này có thể làm tăng huyết áp hoặc khiến cho thuốc huyết áp hoạt động không hiệu quả. Vì vậy, nếu bị huyết áp cao hoặc các vấn đề về tim hoặc mạch máu khác, người bệnh cần cẩn thận với các loại thuốc này. Đó là: 

Thuốc thông mũi chứa pseudoephedrine.

Thuốc giảm đau (NSAIDS) như ibuprofen và naproxen.

Thuốc cảm cúm, thường chứa thuốc thông mũi và NSAID.

Một số thuốc kháng axit và các loại thuốc dạ dày khác. Nhiều loại trong số này có hàm lượng natri cao, có thể làm tăng huyết áp. Vì vậy, hãy nhớ đọc nhãn cẩn thận để kiểm tra hàm lượng natri.

Các loại thuốc khác liên quan đến tăng huyết áp cũng được báo cáo, bao gồm thuốc chống loạn thần, thuốc trầm cảm, và một số loại thuốc tránh thai.

Ngoài ra, một số chất bổ sung cũng có thể làm tăng huyết áp và nhịp tim, bao gồm chondroitin, đương quy, ma hoàng, bạch quả, nhân sâm, glucosamine, mao lương hoa vàng hay hải cẩu vàng, cam thảo, saw palmetto, St. John's wort và yohimbe... Các chất bổ sung này, có thể được bán riêng lẻ hoặc kết hợp, được bán trên thị trường để giảm cân, tăng cường năng lượng, giảm đau và các bệnh khác.

Các chất khác có thể làm tăng huyết áp

Tất nhiên, thuốc và thực phẩm chức năng không phải là thứ duy nhất có thể làm tăng huyết áp. Caffeine, rượu và nicotine cũng là những nguyên nhân phổ biến gây ra huyết áp cao.

Caffeine: Cà phê với hoạt chất caffeine giúp đầu óc tỉnh táo, nhưng cà phê cũng làm tăng huyết áp. Do đó, trước khi đi kiểm tra huyết áp, người bệnh thường được khuyên không uống cà phê 30 phút trước khi đo. Mức độ tăng huyết áp này chỉ khoảng 10 mm Hg đối với người không quen uống và khoảng 5 mm Hg với những người nghiện cà phê. Tác dụng tăng huyết áp này cũng không kéo dài.

Rượu bia: Mặc dù một lượng nhỏ rượu mỗi ngày có thể tốt cho tim mạch, nhưng khi uống quá nhiều sẽ gây ra huyết áp cao mãn tính, tăng huyết áp và thậm chí là các bệnh lý tim mạch. Đảm bảo duy trì khẩu phần rượu hàng ngày ở mức 1 ly mỗi ngày đối với phụ nữ và 2 ly mỗi ngày đối với nam giới. 

Nếu bị huyết áp cao hãy cẩn thận với những loại thuốc sau - Ảnh 3.

Hút thuốc làm mất tác dụng của thuốc điều trị tăng huyết áp.

Thuốc lá: Khi hít khói thuốc vào sẽ gây ra một số tác động ngay lập tức lên tim và mạch máu. Nicotine trong khói thuốc sẽ kích thích hệ thống thần kinh của tim làm tăng nhịp tim và huyết áp. 

Trong phút đầu của quá trình hút thuốc, nhịp tim bắt đầu tăng lên, có thể tăng tới 30% trong 10 phút đầu hút thuốc. Ngoài ra nicotine còn làm giảm tác dụng điều trị tăng huyết áp. Một số nghiên cứu chỉ ra rằng hút thuốc làm mất tác dụng của thuốc điều trị tăng huyết áp.

Trên đây, không phải là tất cả mọi loại thuốc hoặc chất gây ra huyết áp cao. Nếu nhận thấy huyết áp của bạn tăng hoặc đột ngột tăng cao hơn bình thường, hãy trao đổi với bác sĩ điều trị và cung cấp danh sách tất cả những hợp chất mà bạn đang sử dụng, cho dù đó là thuốc được kê đơn, không kê đơn hay các loại thảo dược và thực phẩm chức năng bất kỳ.

Mời xem thêm video đang được quan tâm:

Trung tâm hồi sức Cấp cứu COVID-19 “Nối yêu thương” nơi cận kề cửa tử.


Ds. Chu Thị Hằng
Ý kiến của bạn