Nét mới trong cai nghiện ma túy

24-08-2015 16:00 | Thời sự

SKĐS - Năm 2013, Chính phủ có Quyết định số 2596/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án Đổi mới công tác cai nghiện ma túy ở Việt Nam đến năm 2020.

Năm 2013, Chính phủ có Quyết định số 2596/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án Đổi mới công tác cai nghiện ma túy ở Việt Nam đến năm 2020. Đề án đã đánh dấu bước ngoặt to lớn trong công cuộc phòng chống ma túy ở Việt Nam, hội nhập với xu thế của thế giới.

Trong 20 năm gần đây, số người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý ở nước ta tăng gần 4 lần. Người nghiện ma túy đã có ở 100% tỉnh thành phố trong cả nước, gần 90% ở quận huyện và 70% số xã phường thị trấn. Nghiện ma túy xuất hiện ở mọi thành phần trong xã hội: học sinh, sinh viên, cán bộ công chức, viên chức, người lao động. Trong đó 96% là nam giới, 4% là nữ giới. 74% người nghiện ở độ tuổi từ 18-35, 1% dưới 18 tuổi. Số người nghiện ma túy ngày càng gia tăng, hình thức buôn bán, vận chuyển, tàng trữ và sử dụng ma túy ngày càng tinh vi, phức tạp, các loại ma túy ngày càng đa dạng, tinh vi... khiến cho bức tranh về ma túy ở Việt Nam ngày càng ảm đạm.

Não của người bình thường (trái), não của người lạm dụng ma túy đá sau 1 tháng ngừng (giữa) và não của người lạm dụng ma túy đá sau 2 năm ngừng (phải).

Trong khi vấn đề này trên thế giới cũng đã có rất nhiều thay đổi từ quan niệm đến cách can thiệp, dự phòng...

Luật Phòng chống ma túy ngày 9/12/2000 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống ma túy ngày 3/6/2008 ở nước ta đã có một số điểm không còn phù hợp với tình hình thực tiễn.

Trước thực trạng này, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 2596/QĐ- TTg về việc phê duyệt Đề án Đổi mới công tác cai nghiện ma túy ở Việt Nam đến năm 2020.

Những điểm mới của Đề án

Thay đổi quan niệm về nghiện ma túy: Nếu như trước đây chúng ta thường coi nghiện ma túy là hư hỏng, chơi bời, là tệ nạn xã hội thì theo những nghiên cứu gần đây trên thế giới người ta hiểu được bản chất của ma túy và nghiện ma túy. Ma túy là các chất gây nghiện, chất hướng thần được quy định trong các danh mục do Chính phủ ban hành. Chất gây nghiện là các chất đi qua được hàng rào máu não và tác động đến thần kinh trung ương, gây ảnh hưởng đến chức năng của não, dẫn đến những thay đổi về quan niệm, nhận thức, trạng thái tâm lý, mức độ tỉnh táo và hành vi. Nghiện ma túy là bệnh của não bộ, là một bệnh mạn tính, có tính chất phức tạp, đòi hỏi việc chữa trị phải lâu dài, tốn kém và phối hợp tổng hòa của nhiều biện pháp khác nhau như dùng thuốc, hỗ trợ về tâm lý - xã hội...

Các yếu tố nguy cơ gây ra nghiện ma túy bao gồm: 50% yếu tố sinh học (gen, bệnh lý tâm thần...) và 50% do môi trường (bất ổn trong gia đình, cha mẹ sử dụng ma túy, ảnh hưởng bạn bè, thái độ của cộng đồng, kết quả học tập yếu, kỹ năng xã hội kém,...).

Thay đổi quan điểm về cai nghiện ma túy: Người ta thường dùng từ “cai nghiện ma túy”, nay dưới ánh sáng của khoa học, các kết quả nghiên cứu trên thế giới đã chứng minh và cho thấy nghiện ma túy làm thay đổi cấu trúc và chức năng của não bộ, vì vậy những tổn thương về não bộ của người nghiện ma túy là khó hồi phục, đòi hỏi phải điều trị lâu dài, kiên trì và liên tục, song những tổn thương này có thể hồi phục trong một thời gian nhất định. Nếu hiểu là cai ma túy thì vô hình chung dễ lầm tưởng là có thể điều trị dứt điểm được nghiện ma túy, người nghiện sẽ không sử dụng ma túy nữa. Thực tế đã chỉ ra rằng cai nghiện ma túy không đơn giản như vậy, nghiện ma túy là một bệnh mạn tính như các bệnh mạn tính khác: tăng huyết áp, đái tháo đường..., do đó việc điều trị khá khó khăn và người nghiện rất dễ tái nghiện. Vì vậy không thể coi là cai ma túy nữa mà thay vào đó phải là điều trị nghiện ma túy.

Thay đổi cách điều trị: Trước đây người nghiện ma túy được đưa vào các trung tâm cai nghiện ma túy bắt buộc thì giờ đây Chính phủ khuyến khích và thành lập các trung tâm, điểm tư vấn và điều trị tự nguyện. Bởi các nghiên cứu khoa học trên thế giới đã chứng minh việc điều trị nghiện bắt buộc không hiệu quả bằng điều trị tự nguyện. Trong môi trường bắt buộc, bị cô lập, người nghiện lại càng dễ tái nghiện hơn và khó dứt bỏ ma túy. Còn khi người nghiện và gia đình tự nguyện điều trị trong một môi trường thân thiện, gần gũi bên gia đình hiệu quả điều trị sẽ cao hơn. Một lý do nữa là điều trị nghiện ma túy là một quá trình lâu dài, nên người nghiện ma túy khó có thể điều trị bắt buộc tại trung tâm cai nghiện mãi được. Mô hình điều trị tự nguyện, dựa vào cộng đồng, vào trạm y tế là hợp lý, ít lãng phí, đỡ tốn kém hơn.

Đề án cũng đưa ra các mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 giảm tỷ lệ điều trị bắt buộc tại các trung tâm cai nghiện từ 20% vào năm 2015 xuống còn 6% vào năm 2020. Song vẫn duy trì việc điều trị bắt buộc cho các đối tượng có hành vi ảnh hưởng nghiêm trọng đến trật tự, an toàn xã hội theo quyết định của tòa án.

Nhiều người vẫn cho rằng người nghiện ma túy chỉ cần điều trị cắt cơn là xong, tuy nhiên việc điều trị nghiện ma túy là một quá trình, trong đó không chỉ đơn thuần cắt cơn mà còn phải điều trị thuốc thay thế lâu dài, phòng chống tái nghiện cũng như kết hợp các trị liệu khác như trị liệu tâm lý, xã hội, hành vi...

Tóm lại, Đề án Đổi mới công tác cai nghiện ma túy tại Việt Nam đến năm 2020 là một đề án có tính đột phá, đánh đấu bước thay đổi cơ bản trong quan điểm về ma túy và nghiện ma túy cũng như các biện pháp dự phòng, điều trị, tái hòa nhập, chống tái nghiện,... của Đảng và Nhà nước ta, bắt kịp với xu thế thế giới, góp phần đưa công cuộc phòng chống ma túy ở nước ta thêm một bước tiến mới.

Mai Hương

 

 

 


Ý kiến của bạn