Nét đẹp văn hóa tâm linh của người dân làng biển Diêm Phố

12-02-2024 09:15 | Văn hóa – Giải trí

SKĐS - Lễ hội cầu ngư, xã Ngư Lộc, huyện Hậu Lộc (Thanh Hóa) được tổ chức vào các ngày từ 22-24 tháng 2 âm lịch hằng năm. Lễ hội này thường được lồng ghép cùng lễ tế cá Voi và ra quân đánh bắt vụ cá trong năm mới.

Văn hóa người dân vùng biển

Hơn nửa thế kỷ hình thành và phát triển làng Diêm Phố, nay là xã Ngư Lộc cũng là chừng ấy năm người dân nơi đây ra khơi, bám biển để mưu sinh. Với quan niệm cá voi là "chúa tể" của biển cả, người dân xã Ngư Lộc đã lập đền thờ ngư Ông để tỏ lòng thành kính. Song song đó là lễ hội cầu ngư được tổ chức hằng năm để cầu cho mưa thuận, gió hòa, trời yên bể lặng.

Diêm Phố - tên gọi xưa, nay thuộc xã Ngư Lộc, một trong 5 xã vùng biển Hậu Lộc (Thanh Hóa). Tên Diêm Phố bắt nguồn từ nét đặc trưng, "diêm" là muối, "phố" là sự trù phú, mang tính chất thành thị, nơi dân cư làm nghề muối với đời sống khá sung túc. Diêm Phố có chùa Hoa Liên, nghè Cả, đền thờ Nẹ Sơn, đền thờ cá Voi…

Nét đẹp văn hóa tâm linh của người dân làng biển Diêm Phố- Ảnh 1.

Niềm vui lễ hội của người dân.

Hằng năm, vào dịp cuối tháng Chạp, khi bến cảng, luồng lạch nơi cửa biển Hậu Lộc đầy ắp tàu thuyền về neo đậu, cũng là thời điểm ngư dân kết thúc một năm lênh đênh giữa trùng khơi để chuẩn bị cho mùa lễ hội cầu ngư đầu năm mới. 

Người dân làng biển Diêm Phố gìn giữ truyền thống như một báu vật vô hình và phát triển lễ hội sinh hoạt văn hóa mang màu sắc tâm linh do chính họ đóng vai trò chủ thể chuẩn bị, thực hiện từ cảnh quan lễ hội đến hình thức tế lễ. Theo đó, lễ hội cầu ngư, xã Ngư Lộc được tổ chức vào các ngày từ 22-24 tháng 2 âm lịch hằng năm.

Lễ hội này thường được lồng ghép cùng lễ tế cá Voi và ra quân đánh bắt vụ cá trong năm mới. Phần lễ được tổ chức trang nghiêm với việc khai trống, khai chiêng, biểu diễn trống hội, nhạc lưu thủy, lễ yên vị, lễ cầu an, rước cỗ, rước kiệu, đặc biệt là nghi lễ rước thuyền Long Châu - biểu tượng linh thiêng nhất của lễ hội cầu ngư. Về phần hội, sẽ có nhiều hoạt động văn hóa, trò diễn dân gian sôi nổi, khắc họa những giá trị văn hóa vùng biển như thi câu mực, đan lưới, hát hò đối...

Nét đẹp văn hóa tâm linh của người dân làng biển Diêm Phố- Ảnh 2.

Nghi lễ rước thuyền Long Châu - biểu tượng linh thiêng nhất của lễ hội cầu ngư.

Những người vinh dự được dân làng tín cử tham gia vào phần việc này cần chuẩn bị tâm hồn sạch sẽ, trong năm mọi người trong gia đình không vướng "bụi". Bởi Long Châu có ý nghĩa vô cùng thiêng liêng, dùng để tế chính trong suốt thời gian diễn ra lễ hội, mô phỏng chức năng và quyền lực của các vị thần linh vùng sông biển; nơi người dân gửi gắm niềm tin, mong nhận được sự phù hộ cho họ luôn đảm bảo an toàn trong cuộc sống giữa biển khơi.

Rạng sáng ngày 21 tháng 2 âm lịch, đúng giờ hoàng đạo, vị chủ tế nổi ba hồi chín tiếng trống đại ở nghè Cả, sau đó 24 trống lớn nhỏ nổi lên rộn rã. Ông chủ tế bắt đầu khấn mời chư vị thần linh giáng lâm chứng giám, sau đó là nghi thức rước thần linh về đàn lễ. Tại khu vực đàn lễ, vào thời điểm chuyển sang ngày mới, ban hành lễ, tế lễ sang canh.

Lễ hội cầu ngư là dịp để cộng đồng dân cư khẩn nguyện thần linh phù hộ, giúp đỡ, cầu cho khởi đầu năm mới vươn khơi bám biển bình an, may mắn, lộc biển đầy khoang, vượt qua hoạn nạn, đời sống no đủ. Hầu như tất cả người làm nghề biển và ở vùng biển đều coi trọng và tham gia lễ hội này. Đến nay, cho dù đã giản lược một số khâu, song ý nghĩa và các nghi thức diễn tế của lễ hội vẫn được tổ chức rất trang trọng, trở thành một sự kiện văn hóa của người dân nơi đây.

Nét đẹp tâm linh

Nếu như lễ hội cầu ngư, tục thờ cá Voi là một phổ hệ văn hóa rộng khắp trong cộng đồng dân cư thì Tổ đường lại là nơi để các dòng họ tụ hội, tri ân, ngưỡng vọng, tỏ lòng thành kính, thờ cúng tổ tiên, giáo huấn đạo đức, rèn giũa nhân cách con người từ thuở thiếu thời vào mỗi dịp lễ, Tết, khi Xuân về.

Không chỉ phong phú, đa dạng về các loại hình lễ hội, có lẽ hiếm nơi nào lại hiện hữu nhiều từ đường như ở vùng biển Hậu Lộc. Chỉ tính riêng xã Ngư Lộc, địa phương đất chật, người đông đã có tới gần 100 Tổ đường của các dòng họ.

Nét đẹp văn hóa tâm linh của người dân làng biển Diêm Phố- Ảnh 3.

Mùa Xuân, mùa của lễ hội ở vùng biển Hậu Lộc.

Các dòng họ trên địa bàn xã Ngư Lộc nói riêng, vùng ven biển Hậu Lộc nói chung luôn giữ được truyền thống văn hóa, những nét thuần phong, mỹ tục của quê hương Diêm Phố xưa; luôn coi trọng nghĩa tình, tinh tế trong ứng xử, sống giản dị, gần gũi, thủy chung. Nét truyền thống đó như một di sản, tinh hoa của làng nước, họ tộc được lưu truyền và vun đắp theo diễn tiến thời gian.

Dòng họ kiểu mẫu là dòng họ không có việc con cãi lại ông bà, cha mẹ; con dâu không cự cãi mẹ chồng; anh em biết nhường nhịn nhau. Dòng họ kiểu mẫu là nơi không có chuyện cờ bạc, rượu chè bê tha, mượn chén đưa lời, khích bác, làm ảnh hưởng tới an ninh trật tự, phạm vào luân thường đạo lý.

Từ đường là nơi để các dòng họ bày tỏ ước mong được phù hộ độ trì, chở che cho muôn đời con cháu phúc ấm mãi dày. Nhìn lại gốc rễ để hiểu rằng, thế hệ sau thành đạt hơn thế hệ trước là biểu hiện của phúc đức, đảm bảo cho sự tiếp nối, phát triển liên tục, làm vẻ vang, cường thịnh cho mỗi dòng họ.

Nét đẹp văn hóa tâm linh của người dân làng biển Diêm Phố- Ảnh 4.

Nghi thức tế lễ.

Để chuẩn bị các lễ hội diễn ra vào mùa Xuân mới, từ rằm tháng Chạp hầu hết các dòng họ tổ chức họp, làm lễ tạ kính cáo tiên tổ, tổng kết năm cũ, bàn công việc năm mới, chuyển giao đăng cai từ chi này sang chi khác. Tới ngày 30 tháng Chạp, từng dòng họ tập trung về từ đường, tiến hành Tết khuyến học, khuyến tài, vinh danh các cháu học giỏi, chia sẻ với những hoàn cảnh khó khăn, viếng mộ tổ, thượng cờ Tổ quốc, cờ họ, làm lễ tất niên với nghi thức tâm linh.

Với người dân vùng biển Hậu Lộc, ngày rằm tháng Giêng quan trọng không kém gì Tết Nguyên đán, sau khi kết thúc nghi lễ, các gia đình sum vầy, tổ chức liên hoan linh đình, hy vọng một năm mới ngập tràn vượng lộc. Và mùa Xuân, mùa tìm về nguồn cội, mùa sinh sôi, nảy nở, mùa của cỏ cây hoa lá lại đến. Trong sâu thẳm trái tim mỗi con người sẽ luôn nhớ về các bậc khởi sinh, ông bà, cha mẹ, quê hương, bản quán, tình nghĩa xóm làng.

Thủ tướng yêu cầu không để xảy ra hoạt động mê tín dị đoan, trục lợi tâm linh trong dịp Tết và Lễ hội xuânThủ tướng yêu cầu không để xảy ra hoạt động mê tín dị đoan, trục lợi tâm linh trong dịp Tết và Lễ hội xuân

SKĐS - Đó là một phần nội dung trong Công điện về việc bảo đảm nếp sống văn minh, an toàn, tiết kiệm trong các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn và Lễ hội xuân 2024 vừa được Thủ tướng ký ban hành.


Gia Hân
Ý kiến của bạn