Nét đẹp trong phong tục cưới hỏi của dân tộc Nùng
Cũng như các dân tộc anh em khác, lễ cưới của người dân tộc Nùng, lấy vợ, lấy chồng là một sự kiện hệ trọng, vô cùng thiêng liêng của đời người.
Để tiến tới hôn nhân, người Nùng phải thực hiện các nghi lễ như: "lễ so tuổi", "dạm hỏi", "dẫn cưới" và "lễ đón dâu", "lễ lại mặt" và một số tục lệ khác. Trong đó "lễ cưới" là một nghi lễ đặc biệt đã lưu truyền trong đời sống người Nùng qua nhiều thế hệ. Đám cưới thường được tổ chức trong 2 ngày và nhiều thủ tục của lễ cưới truyền thống vẫn được duy trì.
Theo phong tục, họ nhà trai phải chọn một "ông đón" và họ nhà gái phải chọn"ông đưa". Ông đón và ông đưa đều phải là người có gia đình hạnh phúc, đủ cả hai vợ chồng, có đầy đủ con trai, con gái. Khi tới trước cổng nhà gái, thì người dẫn đầu đoàn nhà trai thường hát một điệu Sli để đánh tiếng cho họ nhà gái biết. Nhà gái cử một người đại diện ra xem đã đầy đủ các lễ vật theo yêu cầu của của nhà gái chưa rồi mới mời vào. Nhà gái nhận lễ xong thì tiến hành lễ trình báo Tổ tiên.
Mở đầu lễ cưới của người dân tộc Nùng, đoàn nhà trai đến nhà gái thực hiện lễ đón dâu. Đoàn nhà trai sang nhà gái gồm có ông mối, cô đón rồi đến chú rể và các bạn chú rể, hai chàng trai khiêng một con lợn quay vàng óng, một cậu con trai gánh xôi, một cô gái gánh tám con gà sống thiến, một con gà luộc, một dải lụa hồng và một mảnh vải đẹp.
Khi đến nhà gái, ông mối - cũng là người am hiểu phong tục nghi lễ cúng bái của dân tộc Nùng trong lễ cưới - sẽ làm nghi lễ cúng ma trước sân. Chú rể thực hiện việc đá chân vào mâm lễ và lật úp chiếc mâm với ý nghĩa bảo vệ sự bình an cho gia đình.
Thầy cúng bên nhà gái viết tên tuổi cô dâu, chú rể lên một lá bùa rồi lấy băng giấy hồng buộc lại, tượng trưng cho ông Tơ bà Nguyệt đã se duyên đôi lứa. Thầy cúng cầu khấn ông bà Tổ tiên phù hộ cho đôi bạn trẻ hạnh phúc. Chú rể giữ được gia phong còn cô dâu giữ được nét nết na, hiền thục ở nhà chồng.
Lễ cưới của người Nùng đặc sắc hơn bởi những câu hát Sli giữa phù dâu và phù rể. Họ hát những bài hát về cuộc sống hàng ngày, về tình yêu thương, về hạnh phúc của cô dâu chú rể. Cuộc hát thường kéo dài thâu đêm suốt sáng. Những buổi hát tình tứ trong đám cưới cũng là cái duyên, cái cớ để những đôi phù dâu phù rể chưa vợ chưa chồng có cơ hội quen biết, tìm hiểu lẫn nhau và có thể đi đến hôn nhân nếu hai bên cùng ưng thuận.
Sau màn thi tài đối xướng tưng bừng, ông đón làm thủ tục giao lễ cho nhà gái để đưa lên bàn thờ gia tiên và xin được đưa rể ra trình diện họ hàng, quan khách bên nhà gái. Chú rể tay cầm hương thành kính lễ bái, dâng rượu lên bàn thờ gia tiên nhà gái.
Đến giờ lành, ông mối xin cô dâu ra cửa. Lúc này ông mối tiến hành nghi lễ bổ cau, quả cau chính là vật phẩm dâng cúng cho Tổ tiên cũng là biểu tượng cho hạnh phúc lứa đôi trong lễ cưới của dân tộc Nùng. Ông mối bổ quả cau làm đôi để tượng trưng cho đôi lứa đã được Tổ tiên chứng giám, hai bên gia đình và họ hàng chấp thuận, hạnh phúc viên mãn. Đáp lại nghi lễ bổ cau, ông đưa (bên nhà gái) sẽ giao tờ giấy đã ghi số mệnh của cô dâu cho ông mối, hai ông vui vẻ đáp từ bằng những câu chúc hạnh phúc.
Tiễn cô dâu về nhà chồng, đoàn đưa dâu trong lễ cưới gồm một bà đưa dâu, một cô phù dâu, một cô mang theo tặng phẩm. Trước khi về nhà chồng cô dâu phải mặc những bộ trang phục mới và đẹp. Cô dâu được trang điểm rất kỹ càng, phải chọn người biết chải tóc và đội khăn.
Khi đến nhà trai, cô dâu phải đứng ngoài sân làm một số thủ tục rồi mới được vào nhà, theo phong tục của người Nùng. Sau khi làm lễ xong, cô đón sẽ đưa cô dâu vào nhà lạy gia tiên. Cô dâu chú rể được ông mối, bà đón trải chiếu lạy gia tiên. Cô đâu được đưa vào buồng tân hôn, thực hiện nghi lễ đốt bốn que diêm rải bốn góc tường, với ý nghĩa tẩy uế và cầu cho sự ấm áp tràn đầy yêu thương. Kế đó, nhà trai sẽ thắp một ngọn đèn trong phòng tân nương trong lễ cưới.
Phong tục cưới hỏi của người Nùng rất quan trọng. Người Nùng quan niệm, chuẩn bị tốt, chu đáo mọi việc trước hôn nhân thì đám cưới của cô dâu, chú rể mới thật sự hạnh phúc. Dân tộc Nùng thường chọn thời điểm cưới vào tháng 8 cho đến tháng 10 âm lịch. Ngày nay, do cuộc sống phát triển, một số bước trong tục cưới hỏi của người Nùng được giảm bớt, ngày cưới có thể tổ chức bất cứ tháng nào trong năm nhưng về cơ bản vẫn giữ được nét đẹp truyền thống của dân tộc Nùng.
Kết thúc nghi lễ truyền thống, mọi người trong họ và khách mời cùng thưởng thức sản vật núi rừng, mừng hạnh phúc cô dâu chú rể, mừng gia tộc thêm một gia đình mới. Lễ cưới của dân tộc Nùng là phong tục đặc sắc, truyền thống văn hóa lâu đời, không chỉ thể hiện lòng biết ơn, sự mong muốn mà ở đó còn thể hiện tinh thần đoàn kết và sức mạnh của cộng đồng.