Nếp sống Hồ Chí Minh mục tiêu của văn hóa tương lai

05-10-2017 15:49 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Ghi hình ảnh tư liệu và di vật của Bác Hồ để lại trong suốt những năm làm phim về Bác, tôi càng hiểu thêm nhiều ý nghĩa sâu sắc trong phong cách sinh hoạt - nếp sống của Người, một cuộc sống đẹp mang những giá trị văn hóa của cuộc đời đạt tới đạo lý thanh cao.

Ngôi nhà sàn bé nhỏ, vài bộ quần áo vải, đôi dép cao su, chiếc giường, tủ quần áo, giá sách... những thứ cần cho công việc và nghỉ ngơi để lấy lại sức làm việc, chỉ có thế thôi, không gì hơn nữa, gắn bó với sinh hoạt, nếp sống làm nên hình ảnh của Bác, một người ở giữa mọi người, bình thường như nhân quần, thống nhất một cảm nhận của bạn bè quốc tế đến thăm nhà sàn của Bác giữa Thủ đô: “Không hề có dấu vết uy lực đè nén của chức quyền, của địa vị, tài sản, cả của tài năng, trí tuệ, nhưng vẫn chứa đựng một lòng thương yêu rộng rãi bao la, một tình cảm thiêng liêng còn mãi”.

Mỗi dịp tháng 5, nhìn những cây phượng la đà bên hồ cá nở hoa rực rỡ lại nhớ đến chiếc quạt giản dị Bác dùng 15 năm cuối đời với mùa hè Hà Nội. Những năm đầu Bác còn ở trong căn buồng nhỏ của người thợ điện ở Phủ Toàn quyền cũ. Thấy cái buồng rất nóng, BS. Phạm Ngọc Thạch (1909-1968) trông nom sức khỏe cho Bác mấy lần đề nghị Bác cho lắp cái máy điều hòa nhiệt độ, Bác đều không bằng lòng.

Trong nhà sàn của Bác có chiếc quạt máy Thượng Hải của nước bạn Trung Quốc biếu Bác dùng thử để giới thiệu một số cải tiến tính năng rất hay. Bác bảo dùng vài lần để xem nó hay thế nào, khi biết rồi, Bác rất ít dùng. Trong sinh hoạt, Bác không muốn tạo thành thói quen, lệ thuộc vào bất cứ cái gì, trước sau vẫn giữ nếp sống đơn giản, tự nhiên như bản tính vốn có. Xem lại phim tư liệu những khi Bác làm việc, nghỉ ngơi hay đi thăm các nơi, chúng ta thấy Bác thường dùng cái quạt giấy - loại quạt mà các cụ ở nông thôn và các nhà bình dân ngoài phố hay dùng. Khi ghi lại hình ảnh chiếc quạt này của Bác trong Bảo tàng, nhìn đến đoạn nan gãy được quấn lại bằng băng dính, tôi lại tưởng tượng thấy hình dáng của Bác ngồi cặm cụi chữa quạt một mình, thấy thương Bác vô cùng!

Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đại biểu dân tộc ít người tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ III, tháng 9/1960.  Ảnh: TL

Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đại biểu dân tộc ít người tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ III, tháng 9/1960.  Ảnh: TL

Khu vườn Bác có vài cây cọ. Một hôm, mấy tàu cọ già rơi xuống, Bác bảo anh em cắt lấy mỗi người một mảnh làm quạt. Để khỏi lẫn, Bác lấy que diêm cháy dở châm thủng 3 lỗ ở chỗ tay cầm làm dấu bảo đây là quạt của Bác Hồ. Bác đã dùng chiếc quạt đó cho đến ngày cuối cùng nằm trên giường bệnh. Mỗi khi làm phim, ghi lại hình ảnh những di vật này, tôi lại nhớ đến Bác, lâu dần thấm vào trong lòng một suy nghĩ về nếp sống và sinh hoạt của Bác đạt tới một ý niệm về Tâm lập. Cái Tâm làm chủ và hòa đồng với mọi biến đổi của tự nhiên. “Thiên Nhân hợp nhất” - con người với thiên nhiên là một.

Trong Bảo tàng Hồ Chí Minh trưng bày áo bông cũ của Bác có miếng vá ở vai. Đó là chiếc áo bông đồng bào biếu, Bác dùng nhiều năm. Trong đoạn phim ghi lại chuyến về thăm Pắc Bó (Cao Bằng) có hình ảnh Bác mặc chiếc áo bông này, thân thiết bắt tay bà con vui mừng ra đón Bác. Áo dùng lâu phai màu, đứt chỉ ở cổ tay và cổ, lại rách cả vai, Bác bảo mạng vá lại cho Bác mặc. Có đồng chí nhiều năm làm việc với Bác, xin Bác cho thay vỏ ngoài chiếc áo. Bác nói thân tình: “Chủ tịch Đảng, Chủ tịch nước mà còn mặc áo vá thế này là cái phúc của dân đấy chú ạ!”. Bác nói câu này vào một ngày giá rét, tháng 2 năm 1969, sáu tháng trước khi Bác qua đời. Con người giản dị,

khiêm nhường ấy không bao giờ là khắc kỷ. Nhà hiền triết tránh thói xa hoa, thái quá để đưa văn hóa vào đời sống của dân đã tự xác định nếp sống của mình là: “Phải biết ăn ngon mặc đẹp cho đúng thời, phải đúng cảnh. Trong lúc nhân dân còn thiếu thốn mà một người nào đó muốn riêng hưởng ăn ngon mặc đẹp thì không có đạo đức...”. Bác có thể phê bình một đồng chí, một bạn chiến đấu cũ, một cán bộ cấp cao của Nhà nước đến thăm Bác trong thời chiến mà đóng bộ comple, cà vạt (cravate): “Nếu như chú đi tiếp khách quốc tế, chú thắt cà vạt là cần, là đúng. Nhưng đến đây là đến với Bác, chú lại như thế này ư?”. Có lần Bác nói ở một hội nghị: “Rồi đây, chúng ta phải có nhiều loại nước hoa cho chị em phụ nữ được dùng”. Nếp sống văn hóa của Bác là nếp sống ân nghĩa, chân tình đến từng khía cạnh sâu sắc của tâm lý con người. Thăm chỗ ở của một đồng chí bảo vệ đã có gia đình ở quê, thấy đầu giường có dán ảnh một cô văn công xinh đẹp, Bác hỏi: “Có phải ảnh thím ấy đây không?”. Rồi Bác bảo: “Nếu chú định dán ảnh đầu giường sao chú không dán ảnh thím ấy mà lại dán ảnh cô văn công? Nếu bây giờ chú về thăm nhà, chú thấy thím ấy dán ở đầu giường ảnh một anh chàng nào đấy không phải chú cười cười cợt cợt liệu chú có vui không?”. Cách ứng xử và những lời nói giản dị của Bác là những chuyện thường nhật, đều mang xuất xứ của một tri giác sâu sắc về đạo đức các vấn đề con người và xã hội.

Văn hóa trong nếp sống còn thể hiện trong những bữa ăn bình thường của Người. Những thước phim ghi lại hình ảnh bữa ăn của Bác ở Chiến khu Việt Bắc với anh em chiến sĩ, với các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước cùng làm việc hay sau này ở Thủ đô, khi Bác mời cơm thân mật mọi người vẫn giữ một phong cách giản dị ân tình như vậy. Bữa ăn của Bác thường đạm bạc, rất khó tưởng tượng với nhiều người. Trong bữa ăn, Bác lưu ý mọi người ăn món nào thì ăn cho hết, món nào không ăn để lại thì giữ cho tươm tất, nói lên tấm lòng yêu mến, trân trọng của Bác đối với đầu bếp chế biến bữa ăn và sâu xa hơn đối với những người sản xuất ra các thực phẩm làm nên bữa ăn. Thủ tướng Phạm Văn Đồng (1906-2000) lúc sinh thời thường ngày dùng cơm với Bác kể lại: Biết Bác thích ăn đầu cá, nhất là miếng môi con cá, anh em tìm được cá Anh Vũ là loại cá quý thượng nguồn sông Đà có miếng môi thật ngon về làm cơm cho Bác. Bác mời Thủ tướng cùng ăn. Bác khen ngon. Lần thứ hai lại làm đầu cá Anh Vũ dành cho Bác. Bác hỏi cặn kẽ đồng chí làm bếp. Biết chuyện, Bác không bằng lòng. Bác nói: “Nhất định từ nay phải thôi, không được làm như thế nữa. Các chú đừng làm thành một thứ cá tiến Vua như thế, không đúng đâu...!”. Và thế là thôi, không bao giờ Bác ăn cá Anh Vũ nữa dù đấy là loại cá Bác thích.

Tôi đi làm phim nhiều nơi, ghi lại bao kỷ niệm cuộc đời và di vật của Bác, thấy hiện lên ý nghĩa sâu sắc của tư tưởng triết học và đạo lý phương Đông thể hiện qua nếp sống và cách ứng xử của Bác trong suốt cuộc đời, kiểu như Lão Tử thường kêu gọi: “Khử thậm, khử xa, khử thái”. Nghĩa là gạt bỏ cái quá mức, gạt bỏ cái xa hoa, gạt bỏ cái hào nhoáng. Còn Khổng Tử thì nhấn mạnh: “Kiểu thái dĩ thất chi”, nghĩa là kiêu căng và hào nhoáng thì mất lòng người. Học giả Pháp Franḉois Anquier cảm thán: “Đến vinh quang tột đỉnh, cụ Hồ vẫn sống như trước kia, nghĩa là vẫn ghét thói xa hoa, hào nhoáng...”. Phải chăng nếp sống nhất quán trong sự giản dị và khiêm tốn của Bác chính là một trong những tri thức hiện đại của nền văn hóa tương lai: “Khi quy luật và nếp sống điều độ cũng như sự cân bằng và hài hòa giữa con người và tự nhiên là một tất yếu mang tính vĩnh cửu trong các nhu cầu phát triển liên tục của nền văn hóa nhân loại”. Tương lai ấy là tương lai của nhân loại tiến bộ đang phấn đấu phát triển bền vững, bảo vệ, tôn trọng sinh thái, hài hòa với tự nhiên.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đưa nếp sống văn hóa vào tâm hồn của bản thân mình và của cả quần chúng khi vạch ra cho nhân dân “con đường đi tới một đời sống có đủ điều kiện xứng đáng với con người” như Người đã đề ra. Người vốn phản đối việc chia đều sự nghèo khổ trong quần chúng, kêu gọi xây dựng một xã hội công bằng để đất nước và nhân dân mau chóng vượt qua cảnh nghèo nàn đi lên “con đường lớn làm ra của cải” - tư tưởng chứa đựng quan hệ hợp lý giữa con người và trời đất, giữa lãnh đạo và quần chúng như nhu cầu văn hóa không thể bỏ mất trong nếp sống.

Nếp sống Hồ Chí Minh là nếp sống văn hóa cao cả của loài người, là mẫu số chung của văn hóa thế giới. Những di vật còn lại sau 48 năm Người từ trần là tài sản quý báu của dân tộc, chứa đựng tình cảm thiêng liêng đối với hình ảnh và cuộc đời của Bác.

Những ngày chúng tôi làm bộ phim chân dung “Đồng chí Phạm Văn Đồng”, Thủ tướng, nhà ngoại giao xuất sắc, người con lỗi lạc của quê hương Quảng Ngãi thường nhắc lại lời xúc cảm: “Hồ Chí Minh là trí thức cộng sản mẫu mực, làm nảy sinh một ý tưởng thú vị: Người cộng sản đẹp làm chủ nghĩa cộng sản đẹp và chủ nghĩa cộng sản đẹp làm người cộng sản đẹp!”.


Đạo diễn, NSND ĐÀO TRỌNG KHÁNH
Ý kiến của bạn