'Nền văn hóa đậm đà bản sắc của dân tộc là bệ đỡ, tạo sức mạnh nội sinh'

17-12-2022 17:43 | Thời sự
google news

SKĐS - Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo Văn hóa 2022 và cho biết, nền văn hóa đậm đà bản sắc của dân tộc là bệ đỡ, tạo sức mạnh nội sinh để đất nước vượt qua muôn vàn thử thách, gian nan, tiến lên theo dòng chảy của lịch sử.

"Cần tiếp tục quán triệt sâu sắc, đầy đủ chủ trương, đường lối của Đảng về xây dựng và phát triển văn hóa"'Cần tiếp tục quán triệt sâu sắc, đầy đủ chủ trương, đường lối của Đảng về xây dựng và phát triển văn hóa'

SKĐS - Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa cho rằng, cần tiếp tục quán triệt sâu sắc, đầy đủ chủ trương, đường lối của Đảng về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam.

Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội

Phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo Văn hóa 2022 với chủ đề "Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa", Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng nêu rõ, Hội thảo là hoạt động thiết thực triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII, chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa Toàn quốc năm 2021.

Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng khẳng định, trải qua hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, nhân dân ta đã tạo dựng nên nền văn hóa đặc sắc, kết tinh quá trình lao động, đấu tranh chống thiên tai, địch họa, được kế thừa, bổ sung, phát triển qua nhiều thế hệ, thể hiện sâu sắc trình độ, nghệ thuật ứng xử với tự nhiên và xã hội. Nền văn hóa giàu bản sắc của dân tộc đã là bệ đỡ, tạo sức mạnh nội sinh để đất nước ta vượt qua muôn vàn thử thách, gian nan, tiến lên theo dòng chảy của lịch sử.

'Nền văn hóa đậm đà bản sắc của dân tộc là bệ đỡ, tạo sức mạnh nội sinh' - Ảnh 2.

Toàn cảnh Hội thảo Văn hóa 2022 với chủ đề "Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa" chiều 17/12.

Theo Thường trực Ban Bí thư, những năm qua, đặc biệt kể từ thời kỳ đổi mới, với sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, tổ chức Đảng và các cơ quan nhà nước, tham gia tích cực của MTTQ, Đoàn thể các cấp, sự chủ động nỗ lực của ngành văn hóa, nhiệm vụ xây dựng, phát triển văn hóa con người Việt Nam đã có chuyển biến tích cực. Nhiều giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc được kế thừa, phát huy, tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái được phát huy cao độ.

Thường trực Ban Bí thư cũng nhấn mạnh, chủ trương của Đảng trên các lĩnh vực quan trọng của văn hóa đã được thể chế hóa, tạo hành lang pháp lý, thúc đẩy văn hóa phát triển. Việt Nam đã phê chuẩn, tham gia và nội luật hóa hầu hết các công ước quốc tế về quyền con người, trong đó có các quyền về văn hóa, thúc đẩy bảo vệ các quyền về văn hóa, phù hợp các nguyên tắc, chuẩn mực quốc tế.

'Nền văn hóa đậm đà bản sắc của dân tộc là bệ đỡ, tạo sức mạnh nội sinh' - Ảnh 3.

Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng phát biểu chỉ đạo.

Thường trực Ban Bí thư cho rằng, để khơi thông và phát huy giá trị nguồn lực quan trọng này, trong quá trình xây dựng thể chế, chính sách về văn hóa, cần quán triệt, nhận thức sâu sắc về vị trí, vai trò của văn hóa, phải hiểu đúng, đầy đủ, toàn diện về văn hóa, văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển bền vững của đất nước.

Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội. Thể chế, chính sách về văn hóa vừa phải có cái riêng, vừa phải được lồng ghép trong thể chế, chính sách về kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, xây dựng Đảng.

Tập trung khắc phục, tháo gỡ điểm "nghẽn"

Tại Hội thảo, các đại biểu đã lắng nghe Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) Nguyễn Văn Hùng trình bày báo cáo với chủ đề "Xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách và huy động nguồn lực cho phát triển văn hóa".

Theo Bộ trưởng Bộ VHTT&DL, trong những năm qua, quá trình xây dựng, hoàn thiện pháp luật đã hình thành nền tảng pháp lý toàn diện và hệ thống góp phần tăng cường sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước của văn hóa. Khung chính sách đã tạo môi trường thể chế cho phép các ngành công nghiệp văn hóa khai thác, chuyển hóa các nguồn tài nguyên văn hóa thành sức mạnh mềm văn hóa. Hệ thống các văn bản pháp luật về thuế, khuyến khích xã hội hóa, thu hút nguồn lực từng bước tạo cơ sở pháp lý cho việc huy động mọi nguồn lực trong xã hội đầu tư cho văn hóa.

'Nền văn hóa đậm đà bản sắc của dân tộc là bệ đỡ, tạo sức mạnh nội sinh' - Ảnh 4.

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng trình bày Báo cáo.

Bên cạnh đó, cơ chế, chính sách đang từng bước góp phần cải thiện chất lượng nguồn nhân lực trong lĩnh vực văn hoá, nghệ thuật. Quá trình hoàn thiện thể chế đã góp phần nâng cao hiệu quả công tác bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, di sản, di tích lịch sử - văn hóa. Việc chú trọng triển triển khai chủ đề năm trong ngành văn hóa, thể thao và du lịch đã góp phần nâng cao hiệu quả xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, phát huy giá trị và vai trò của gia đình, cộng đồng, xã hội.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đat được, Bộ trưởng VHTT&DL nêu rõ, vẫn còn có các tồn tại, hạn chế. Cụ thể, hệ thống pháp luật về văn hóa có số lượng lớn nhiều văn bản có hiệu lực pháp lý và tính quy phạm thấp, thiếu những quy tắc xử sự cụ thể để các chủ thể phải thực hiện dẫn đến hiệu lực và hiệu quả quản lý nhà nước về văn hóa vẫn còn hạn chế. Khung thể chế chưa hoàn thiện, chậm điều chỉnh Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa trong bối cảnh mới đang làm giảm vai trò kiến tạo và khả năng nâng cao năng lực cạnh tranh, hội nhập của thị trường văn hóa.

Theo Bộ trưởng Bộ VHTT&DL, cơ chế phối hợp giữa các ban, ngành, cơ quan các cấp, giữa khu vực nhà nước và khu vực tư nhân chưa chặt chẽ. Sự tham gia của các chủ thể cấp cơ sở, đặc biệt là những người chịu tác động trực tiếp của hệ thống thể chế, chính sách, còn mang tính hình thức…

Về định hướng, giải pháp cho thời gian tới, Bộ trưởng VHTT&DL Nguyễn Văn Hùng cho rằng, cần xác định tập trung khắc phục bất cập, tháo gỡ các điểm nghẽn trong thực thi thể chế thông qua xây dựng, hoàn thiện chính sách có khả năng tạo cơ chế để thúc đẩy phát triển văn hóa trong giai đoạn mới; Tiếp tục điều chỉnh, sửa đổi một số Luật chuyên ngành như Luật Đầu tư, Luật PPP, các Luật thuế, đặc biệt là thuế thu nhập doanh nghiệp, Nghị định về khuyến khích xã hội hóa; Tiếp tục triển khai chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa…

Bộ trưởng Bộ VHTT&DL cũng xác định rõ, cần xây dựng Bộ chỉ số quốc gia về phát triển văn hóa; Hoàn thiện các chính sách văn hóa đối ngoại có khả năng phát huy tính chủ động hội nhập, tăng cường hợp tác, giao lưu quốc tế về văn hóa; Phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực văn hoá, nghệ thuật; Xây dựng hoàn thiện thể chế, chính sách, huy động nguồn lực cho nghiên cứu, đẩy mạnh phát triển công nghệ và chuyển đổi số trong lĩnh vực văn hóa.


Lê Bảo
Ý kiến của bạn