Hà Nội

Nên và không nên làm gì khi bị sốt xuất huyết Dengue?

24-06-2017 14:02 | Đời sống
google news

SKĐS - Sốt xuất huyết Dengue (SXHD) là loại bệnh truyền nhiễm cấp tính phổ biến do muỗi đốt. Tuy bệnh không “dọa người” như tên gọi của nó nhưng nếu điều trị sai cách, bệnh nhân rất dễ gặp phải những biến chứng nguy hiểm như sốc Dengue, xuất huyết nặng, suy phủ tạng đe dọa nghiêm trọng tới tính mạng của họ.

SXHD có hai thể bệnh chính, trong đó số ca mắc thể nhẹ chiếm tỷ lệ khá cao. Người bệnh chỉ biểu hiện những triệu chứng ở mức độ nhẹ như sốt cao đột ngột, đau đầu, mệt mỏi, nhức mắt… có thể điều trị ngoại trú. Trong khi bệnh nhân ở thể nặng hơn được khuyến cáo phải nhanh chóng nhập viện điều trị đề phòng biến chứng xảy ra.

Song điểm chung là dù mắc sốt xuất huyết dạng nào, bạn cũng cần tới các cơ sở y tế tin cậy để khám và phân loại bệnh, tránh nhầm lẫn sang những căn bệnh khác có triệu chứng tương tự, đồng thời tìm được phác đồ điều trị đúng người, đúng bệnh.

Việc điều trị SXHD hiện nay chủ yếu điều trị triệu chứng, cụ thể là:


- Hạ nhiệt bằng cách:

Sử dụng thuốc hạ nhiệt: Các bác sĩ chỉ định bệnh nhân sốt cao từ 39 độ C trở lên được phép dùng Paracetamol đơn chất với liều lượng 10 – 15mg/kg cân nặng/lần, mỗi lần cách nhau 4 – 6 giờ. Tổng liều lượng Paracetamol không được vượt quá 60mg/kg cân nặng trong vòng 24 giờ. Đặc biệt lưu ý, tuyệt đối không sử dụng các loại thuốc hạ sốt khác như aspirin, analgin, ibuprofen… vì có thể gây xuất huyết, toan máu.

Kết hợp các biện pháp hạ nhiệt khác: Dùng khăn ấm đắp vào trán, lau nách, bẹn phòng sốt cao, co giật. Tuyệt đối không dùng nước đá hoặc đá lạnh để chườm.

- Bù nước cho cơ thể bằng cách:

Khuyến khích người bệnh uống nhiều Oresol, nước trái cây (cam, quýt, chanh, dừa…), nước đun sôi để nguội. Trẻ em dưới 5 tuổi bị sốt nên uống khoảng 0,5 – 1 lít nước/ngày, trẻ trên 5 tuổi uống khoảng 1,5 – 2,5 lít nước/ngày, riêng người lớn cần uống từ 2,5 – 3 lít nước/ngày.

Cho bệnh nhân ăn một số đồ ăn nhẹ, dễ nuốt, dễ tiêu như súp, sữa, nước cháo loãng nêm chút muối…

Quan trọng nhất vẫn là theo dõi sát người bệnh nhằm phát hiện sớm những dấu hiệu nặng như sốt cao liên tục, lả người, buồn nôn, tiểu ít, xuất huyết… để đưa đi cấp cứu kịp thời vì thời điểm nguy hiểm nhất của bệnh là khi hết sốt (thường từ ngày thứ 3 – 6), bệnh có thể trở nặng và sốc dẫn tới tử vong chỉ sau 5 – 6 tiếng đồng hồ nếu không kịp cứu chữa.

Những điều cần tránh khi điều trị SXHD tại nhà:


- Không sử dụng quá liều lượng Paracetamol quy định để tránh gây tổn thương cho gan

- Không dùng thuốc kháng sinh trừ trường hợp có biểu hiện hoặc nguy cơ nhiễm trùng và nếu dùng cũng phải xin tư vấn của bác sĩ

- Không tự ý truyền dịch tại nhà nhằm phòng ngừa các biến chứng nặng do thừa dịch như phù phổi cấp, suy tim do quá tải tuần hoàn...

- Không cạo gió, xông hơi hoặc áp dụng những phương pháp dân gian, truyền miệng khi hiệu quả của chúng đối với SXHD chưa được chứng minh trong thực tiễn

- Không tắm dù là bằng nước lạnh hay nước nóng mà chỉ nên lau người bằng khăn ấm

- Hạn chế ăn các thực phẩm nhiều dầu mỡ, cay nóng, ngừng hút thuốc, uống rượu bia trong quá trình điều trị.


Ý kiến của bạn