1. Công dụng của diếp cá
Cây diếp cá tên khoa học là Houttuynia Cordata Thunb (H. cordata), là một loại cây thân thảo được tìm thấy ở Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Tây Nam Á.
Trong diếp cá có thành phần hóa học đa dạng với đặc tính chữa bệnh đặc trưng, thuộc các nhóm hóa học khác nhau như alkaloid, tinh dầu, flavonoid và các acid hữu cơ và acid béo.
Mùi tanh của lá được tạo bởi decanoyl acetaldehyde giúp chống vi khuẩn và dễ dàng chuyển hóa thành 2-undecanone khi ở nhiệt độ cao.
Nhờ có những thành phần hóa học trên mà diếp cá có rất nhiều công dụng trong dự phòng và điều trị bệnh, cụ thể như:
- Chống viêm, dị ứng và điều hòa miễn dịch: Tác dụng này dựa trên cơ chế chặn hầu hết tất cả các con đường truyền tín hiệu đáp ứng viêm, dẫn đến giảm sản xuất các chất trung gian gây viêm như prostagladin và interleukin. Hơn nữa, nó còn ngăn chặn tình trạng viêm thông qua việc điều chỉnh giảm tín hiệu NF-κB và các con đường COX2, INOS, CCL-20 và TNF-α tiếp theo.
- Chống khối u, chống bệnh bạch cầu thông qua việc ngăn chặn đường truyền tín hiệu NRF2/Bcl1, Bcl-xl và dẫn đến quá trình chết theo chương trình của các tế bào ung thư.
- Tác dụng trên các cơ quan khác nhau: Các hoạt chất polysaccharides, flavonoid và natri houttuyfonate có trong diếp cá giúp chống viêm phổi, tăng cường hệ vi sinh đường ruột, từ đó giảm viêm ruột do Salmonella typhimurium, Vibrio và Bacillus gây ra.
Ngoài ra, nó cũng ngăn ngừa và hỗ trợ điều trị các bệnh về gan (xơ gan, ứ mật,...), bảo vệ chống lại viêm cầu thận, giảm xơ hóa tim, giảm tổn thương tế bào cơ tim do có chứa các thành phần như terpenoid, glycoside, coumarin, alkaloid, quercetin, rutin,...
- Kháng khuẩn, kháng virus như: SARS-CoV-2, Herpes simplex, tụ cầu vàng, trực khuẩn mủ xanh, E. Coli...
- Điều trị sốt, lỵ, cảm lạnh và quai bị dựa trên cơ chế giảm sự giải phóng các chất trung gian gây viêm, tăng cường, hàng rào miễn dịch của âm đạo, ruột và các cơ quan khác.
2. Uống nước diếp cá tươi hay khô tốt hơn?
Gần đây, người ta đã chứng minh rằng tác dụng chống viêm của chiết xuất nước tốt hơn so với chiết xuất khác. Chiết xuất diếp cá tươi cho thấy hoạt động dược lý tốt hơn so với chiết xuất diếp cá khô.
Tuy nhiên, không phải tất cả các tác dụng dược lý của dạng tươi đều tốt hơn dạng khô. Vì vậy, cần tham khảo ý kiến của các bác sĩ chuyên khoa Y học cổ truyền uy tín trước khi sử dụng để phù hợp với mục đích điều trị.
3. Cách làm nước lá diếp cá
Có rất nhiều cách làm nước diếp cá uống, dưới đây là cách làm nước lá diếp cá ở hai dạng tươi và khô:
3.1. Nước lá diếp cá tươi
Bước 1: Sơ chế nguyên liệu: Chuẩn bị 200g - 500g diếp cá, cắt rễ, bỏ bớt các lá dập úng, đem ngâm với nước muối pha loãng 5 phút, rồi rửa lại vài lần với nước sạch, để ráo.
Bước 2: Ép nước diếp cá: Dùng máy ép trái cây rồi lần lượt cho toàn bộ phần rau diếp cá vào cùng 500ml – 1.000ml nước đun sôi để nguội, tiến hành ép lấy phần nước cốt diếp cá.
Bước 3: Cho vào chai/bình bảo quản lạnh và uống hết trong vòng 24h.
3.2. Nước diếp cá khô
Bước 1: Dùng 20g - 50g lá diếp cá khô có thể rửa lại để ráo (lượng cho 1 người dùng).
Bước 2: Cho tất cả lá diếp cá vào nồi/bình, chế một ít nước sôi vào đậy nắp lại và lắc nhẹ như để rửa lá rồi đổ đi.
Bước 3: Sau đó, cho khoảng 500ml - 700ml nước đun sôi vào bình và đậy nắp lại chờ sau khoảng 5- 7 phút, có thể chắt ra để uống.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Rước họa do điều trị bệnh trĩ bằng các bài thuốc 'truyền miệng' theo bác sĩ "mạng".