Hà Nội

Nên uống bao nhiêu nước trong thai kỳ?

18-04-2023 09:47 | Sức khỏe sinh sản
google news

SKĐS - Các loại thực phẩm mà mẹ bầu ăn trong khi mang thai giúp hình thành, phát triển thai nhi và nước uống cũng vậy. Lượng nước của mẹ bầu cần tăng lên để hỗ trợ quá trình mang thai và thai nhi. Không uống đủ nước trong khi mang thai có thể ảnh hưởng đến cả mẹ và bé.

1. Lợi ích sức khỏe của việc uống đủ nước khi mang thai

Theo ThS. BS. Lê Quang Dương - Giám đốc Trung tâm Phát triển Sức khỏe Bền vững, không uống đủ nước, cơ thể có thể bị mất nước. Trong thai kỳ, nếu bị ốm hoặc đổ mồ hôi nhiều cơ thể càng dễ bị mất nước nhanh chóng. Uống đủ nước có thể giúp thai phụ cảm thấy khỏe mạnh. Do vậy, trong thời kỳ mang thai nên giữ đủ nước bằng cách uống nước thường xuyên. Giữ nước cho cơ thể mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe:

Hỗ trợ cơ thể: Khoảng 3/4 cơ thể được tạo thành từ nước , nước giúp hỗ trợ tiêu hóa, điều chỉnh nhiệt độ cơ thể và tạo ra hormone, cùng nhiều chức năng thiết yếu khác.

Hỗ trợ phụ nữ mang thai: Cơ thể cần nhiều nước hơn trong khi mang thai vì một số lý do, bao gồm sự trao đổi chất tăng lên do cần nước để vận động và lượng máu cao hơn đáng kể để cung cấp oxychất dinh dưỡng cần thiết cho thai nhi phát triển.

Nên uống bao nhiêu nước trong thai kỳ? - Ảnh 2.

Uống đủ nước có thể giúp thai phụ cảm thấy khỏe mạnh

Giảm sưng tấy, phù nề: Phù nề thường là do sự tích tụ của các độc tố khi không được loại bỏ hết. Nếu bàn chân và mắt cá chân bị sưng tấy, phù nề, hãy uống nhiều nước hơn để giúp hệ thống bài tiết hoạt động trơn tru hơn, loại bỏ natri thừa, giảm thiểu phù nề tay chân. Nếu sưng quá nhiều hoặc xuất hiện đột ngột, đặc biệt là ở tay, chân hoặc mặt, hãy đi khám hoặc liên hệ với bác sĩ ngay vì đây có thể là dấu hiệu của tiền sản giật.

Giảm nguy cơ nhiễm trùng tiểu: Uống nước làm loãng nước tiểu và giúp tống vi khuẩn ra ngoài khi đi tiểu thường xuyên hơn, giúp giảm nguy cơ nhiễm trùng đường tiết niệu và bàng quang. Giúp giải quyết ngăn ngừa một số vấn đề phổ biến khi mang thai, như táo bón, bệnh trĩ bằng cách giữ cho ruột dễ chuyển động và phân mềm hơn.

2. Dấu hiệu mất nước

Bác sĩ Lê Quang Dương cũng thông tin, nếu thai phụ có bất kỳ triệu chứng bị mất nước như hay cảm thấy khát nước, nước tiểu có màu vàng đậm hoặc có mùi nồng, cảm thấy chóng mặt hoặc lâng lâng, cảm thấy mệt, mất phương hướng hoặc rất buồn ngủ, bị khô miệng, môi và mắt, không đi tiểu thường xuyên, ít hơn 4 lần một ngày, thai phụ cần đi khám để được bác sĩ khám và tư vấn uống nước. Thai phụ cũng nên liên hệ với bác sĩ nếu đã uống nhiều nước hơn hoặc vẫn còn dấu hiệu mất nước.

Nếu đang hoạt động, hoặc nếu thời tiết nóng sẽ có nguy cơ mất nước cao hơn. Để giữ nước, thai phụ nên đảm bảo uống nhiều nước hơn.

Nếu bị đái tháo đường thai kỳ, tình trạng mất nước có thể xảy ra và nên hỏi bác sĩ về cách đảm bảo cơ thể luôn đủ nước.

Nếu đang bị ốm hoặc bị tiêu chảy, cơ thể cũng dễ bị mất nước, bác sĩ có thể hướng dẫn sử dụng bù nước. Bù nước có thể giúp thay thế đường, muối và khoáng chất mà cơ thể bạn đã mất.

3. Cần uống bao nhiêu nước khi mang thai?

Nên uống bao nhiêu nước trong thai kỳ? - Ảnh 4.

Nước trái cây cũng có tác dụng cung cấp nước cho thai phụ.

Nhu cầu nước của bà bầu có thể thay đổi dựa trên mức độ hoạt động, cơ thể và thời tiết. Cách tốt nhất để biết có uống đủ nước hay không là xem nước tiểu. Nếu có màu vàng nhạt hoặc không màu và chỉ thỉnh thoảng cảm thấy khát nước là cơ thể đủ nước, nếu nước tiểu vàng đậm cơ thể thiếu nước.

Do đó, thai phụ cần uống ít nhất 8 cốc nước tương đương với 2lít mỗi ngày, và có thể tăng từ 2,5- 3lít nước/ ngày, tùy theo vào từng giai đoạn của thai kỳ. Không chỉ nước lọc là thức uống mà tất cả đồ uống trong ngày đều được tính như sữa, nước trái cây, cà phê và trà hay nước canh đều có tác dụng cung cấp nước và được tính vào lượng nước uống.

Trái cây và rau có hàm lượng nước cao - như dưa hấu, dưa chuột, và thậm chí cả rau diếp cũng hỗ trợ lượng nước tổng thể. Tuy nhiên, cần hạn chế các loại nước trái cây chứa nhiều đường. Sác sĩ Lê Quang Dương cũng khuyến cáo, thai phụ nên hạn chế caffein trong cà phê, vì có thể ảnh hưởng đến thai nhi, cần tránh cả trà và nước ngọt có gas, nước tăng lực. Phụ nữ mang thai không nên uống quá 200mg caffein tương đương một tách cà phê mỗi ngày.

4. Giữ đủ nước trong thời gian mang thai

Ba tháng đầu của thai kỳ

Nhu cầu nước tăng lên khi mang thai, nếu vẫn có thói quen uống nước đủ từ trước khi mang thai thì không lo mất nước. Nhưng cần theo dõi cẩn thận lượng nước uống nếu bị ốm nghén, cơ thể sẽ mất cả nước và chất điện giải khi bị nôn. Vì vậy hãy uống nhiều nước hơn bình thường trong suốt cả ngày.

Hãy cho bác sĩ biết cơ thể mất nước do buồn nôn và nôn, hoặc nếu cơ thể giảm hơn 5% trọng lượng trước khi mang thai. Thai phụ có thể phải nhập viện để truyền nước và chất điện giải.

Ba tháng giữa thai kỳ

Đến tam cá nguyệt thứ hai, buồn nôn và nôn có thể sẽ không còn nữa. Thời điểm này, thể tích máu tăng lên thì nhu cầu về nước cũng tăng theo, trong máu ¾ là nước.

Mặc dù 8-10 cốc nước có vẻ là nhiều, nhưng hoàn toàn có thể uống được nếu uống từng ngụm suốt cả ngày thay vì uống nhiều một lúc khi khát. Nếu khó uống nước, hãy thử thêm một lát chanh hoặc một ít nước trái cây để tạo hương vị dễ uống.

Ba tháng cuối thai kỳ

Lượng máu của bà bầu đạt đến đỉnh điểm vào tuần thứ 32 đến 34 của thai kỳ, tăng 50 đến 60% so với mức trước khi thụ thai. Điều đó khiến việc giữ nước trong tam cá nguyệt cuối cùng trở nên quan trọng, đặc biệt là vì tình trạng mất nước có thể gây thiếu nước ối hay gây ra các cơn co thắt Braxton Hicks (cơn gò sinh lý, chuyển dạ giả) rất dễ nhầm lẫn với các cơn co thắt chuyển dạ thực sự.

Nếu bà bầu bị ốm thường xuyên, bạn có thể có nguy cơ mất nước cao hơn do đó cần cố gắng uống từng ngụm nhỏ thường xuyên thay vì uống từng ngụm lớn cùng một lúc.

Nếu không thể giữ bất kỳ thức ăn hoặc đồ uống nào trong cơ thể, hoặc bạn lo lắng về việc bị ốm khi mang thai, hãy đi khám để được có phương pháp khắc phục và điều trị.

Độ tuổi sinh sản của phụ nữ ảnh hưởng thế nào đến sự an toàn cho mẹ và con?Độ tuổi sinh sản của phụ nữ ảnh hưởng thế nào đến sự an toàn cho mẹ và con?

SKĐS - Phụ nữ sinh con ở độ tuổi nào làm tăng nguy cơ mắc một số vấn đề sức khỏe ở cả mẹ và con?

Xem thêm video đang được quan tâm:

Ca mắc COVID-19 tăng trở lại, người dân cần lưu ý những dấu hiệu nhận biết nào? | SKĐS




Bảo Hưng
Ý kiến của bạn