Mấy ngày gần đây, dư luận quan tâm và hết sức bức xúc về những gì diễn ra trong phiên tòa xét xử bác sĩ Hoàng Công Lương. Theo đó, bác sĩ Lương bị quy kết phải chịu trách nhiệm trong vụ 9 bệnh nhân chạy thận tử vong cũng như vai trò, trách nhiệm của những người liên quan đến vụ án chưa được đề cập, làm rõ... Sau đây là một số nội dung bất hợp lý cần phải làm rõ để tìm sự thật, bản chất của vụ việc:
Thứ nhất, biên bản họp giao ban bình xét cuối năm có nội dung phân công nhiệm vụ bác sĩ Lương phụ trách chuyên môn và các hoạt động tại đơn nguyên thận nhân tạo. Đây mấu chốt của vấn đề, căn cứ để các cơ quan chức năng buộc tội bác sĩ Lương. Phiên tòa đang làm rõ việc có thêm vào dòng phân công nhiệm vụ này, sau khi xảy ra vụ việc để đổ tội cho bác sĩ Lương hay không?
Trong khi đó, chiều qua 21/5, trả lời câu hỏi của luật sư, ông Đinh Tiến Công, điều dưỡng tại Đơn nguyên thận nhân tạo thuộc Khoa HSTC, BV Đa khoa Hòa Bình trong vai trò là nhân chứng xác nhận sau khi sự cố xảy ra mới viết thêm nội dung phân công nhiệm vụ cho BS Lương vào biên bản này.
Dưới gốc độ pháp lý có thể khẳng định rằng việc phân công nhiệm vụ như vậy là không hợp lý. Việc phân công nhiệm vụ trong hoạt động hành chính là bình thường, có thể phân công bằng miệng, bằng biên bản họp. Tuy nhiên, trước khi phân công phải được họp bàn, ban hành văn bản như biên bản, quyết định theo kiểu “giấy trắng, mực đen”, chứ không thể tự ý ghi vào sổ giao ban như vậy là xong!
Trong trường hợp bác sĩ Lương đang là viên chức của bệnh viện nên nhất thiết phải thể hiện bằng hợp đồng làm việc hoặc quyết định phân công công tác theo đúng trình tự, quy định pháp luật. Do đó, việc chỉ ghi vài dòng vào sổ giao ban của khoa (nếu có thật) và nội dung cuộc họp là bình xét thi đua cuối năm thì không có ý nghĩa pháp lý để buộc tội bác sĩ Lương.
Các bị cáo tại phiên tòa xét xử vụ án chạy thận Hòa Bình.
Thứ hai, việc vắng mặt của các nhân chứng, những người có liên quan rất quan trọng của vụ án khá bất thường. Đặc biệt là sự vắng mặt của ông Trương Quý Dương, nguyên giám đốc bệnh viện khi xảy ra sự cố là khó thể chấp nhận được.
Bởi vì, vụ việc này không chỉ là đang xem xét về lỗi chuyên môn, nghiệp vụ đơn thuần mà rõ ràng là do nhiều nguyên nhân khác nhau như ký kết hợp đồng bảo trì, bảo quản, trách nhiệm quản lý... Việc không triệu tập người đứng đầu nơi xảy ra sự cố phải để đối chất và làm rõ trách nhiệm và những nội dung liên quan là không hợp lý, có dấu hiệu bao che, làm sai lệch hồ sơ vụ án.
Thứ ba, “lời khai sinh đôi”, bác sĩ Lương cho rằng và nhiều nội dung đã chuẩn bị sẵn để khai theo kiểu “mớm cung”, “dụ cung”, đặc biệt là có những đoạn giống như “khuôn đúc”. Không chỉ bác sĩ Lương mà một số y bác sĩ khác cũng cho rằng mình bị “mớm cung” và lời khai của họ cũng có nhiều đoạn, nhiều chổ giống nhau khó tin!
Thiết nghĩ, với nhiều bất thường trong vụ án này, nhất là có nguy cơ sai lệch hồ sơ vụ án, khi không xác định rõ trách nhiệm của những người lẽ ra phải chịu trách nhiệm trước tiên là chưa hợp lý.
Do đó, cơ quan xét xử nên trả hồ sơ vụ án để tiến hành điều tra lại từ đầu. Như vậy, mới đảm bảo việc xét xử công bằng, không bỏ lọt tội phạm nhưng cũng không làm oan người vô tội như ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình.