Ngày Hiến chương các nhà giáo 20/11/2014 đang đến gần, cũng là ngày Trường đại học Y tế cộng đồng Hải Dương tổ chức khánh thành tượng Ðại danh y Tuệ Tĩnh - ông tổ ngành y Việt Nam, được làm bằng đá granit, cao 3,4m, trong tôi lại rộn lên những ký ức không thể nào quên về quá trình xây dựng đền Bia - ngôi đền khang trang, tôn nghiêm thờ sư tổ nghề y nước nhà tại Hải Dương.
Trước hết, cần phải nói rằng, việc khánh thành bức tượng Danh y Tuệ Tĩnh vào đúng dịp 20/11 năm nay của thầy trò Trường đại học Y tế cộng đồng Hải Dương là một hành động thiết thực, có ý nghĩa sâu sắc đối với Nhà trường nói riêng và các thế hệ sinh viên nói chung. Riêng tôi, sau khi nhận được tin báo từ PGS.TS. Nguyễn Đình Chính - Hiệu trưởng nhà trường, người có công đầu đối với dự án này, đã vô cùng phấn khích và thực sự đánh giá cao nỗ lực cùng sự tâm huyết, tôn kính của ông đối với Danh y Tuệ Tĩnh. Sự kiện này đưa tôi trở lại khoảng thời gian cách đây gần 15 năm, đó là vào năm 2001, lúc đó tôi đang là Phó Chủ tịch tỉnh Hải Dương. Một buổi sáng, tôi đang ngồi làm việc tại phòng, qua cửa sổ nhìn ra đường phố, tôi thấy rất nhiều em học sinh quần áo chỉnh tề, ôm những bó hoa tươi thắm đến tặng thầy cô. Ngày 20/11. Bất chợt, tôi thấy chạnh lòng khi nhớ tới Tuệ Tĩnh - một người thầy, một người con ưu tú của Hải Dương đang gửi thân nơi đất khách quê người. Ngày này, có ai mang hoa tới viếng trên phần mộ của ông, giúp ông nguôi ngoai phần nào mặc cảm tha hương hay không? Nghĩ tới đây, tôi liền điện thoại cho anh Nguyễn Đình Chính - Hiệu trưởng Trường Y Hải Dương, cùng mang hương hoa tới thắp hương tại đền Xưa (làng Nghĩa Phú) - quê hương của đại danh y và đền Bia - nơi bia mộ của Tuệ Tĩnh đang được nhân dân trông coi. Sau khi cùng anh Nguyễn Đình Chính thực hiện xong mọi thủ tục lễ nghi, tôi cảm thấy tâm trí nhẹ nhõm vì đã thỏa nguyện thắp cho Đại danh y một nén hương vào đúng ngày 20/11. Tuy nhiên, tôi không khỏi bùi ngùi trước sự xuống cấp nghiêm trọng của ngôi đền Bia. Nhớ lại lời nhắn gửi thống thiết của Đại danh y: “Đời sau, nước Nam ta có ai sang đây nhớ mang hài cốt tôi về với”, tôi lại càng thấy chạnh lòng. Đến nay, sau gần 700 năm, ý nguyện của Đại danh y vẫn chưa thành hiện thực. Và đến chừng nào ý nguyện ấy còn chưa thực hiện được, chúng ta còn có lỗi với ông.
Đúng lúc đó, trong tôi nảy ra suy nghĩ, Đại danh y là Sư Tổ nghề thuốc của nước Nam ta thì ngành y tế phải có trách nhiệm đứng ra tổ chức lễ giỗ Sư Tổ ngành y hàng năm. Liền sau đó, tôi lên gặp Bộ trưởng Bộ Y - tế khi ấy là GS. Đỗ Nguyên Phương và trình bày quan điểm của mình. Ngay ngày hôm sau, ông cùng toàn bộ lãnh đạo ngành y tế Việt Nam về thắp hương cho vị Sư Tổ. Từ đó đến nay, đã thành thông lệ, cứ vào những năm lẻ, ngành y tế lại tổ chức giỗ tổ. Tôi vẫn nhớ năm đầu tiên sự kiện được tổ chức đúng ngày 15/2 âm lịch, hầu hết Giám đốc Sở Y tế các tỉnh thành trong cả nước đã về tham dự. Khi chuẩn bị hành lễ, trời tự nhiên đổ mưa như trút nước. Buổi lễ tưởng như không thể tiến hành nổi. Song, trước sự thành tâm cúng lễ của tất cả những người có mặt, trời lại tạnh ráo, quang mây như thể chưa từng có trận mưa ào ạt trước đó. Hàng nghìn người dân chứng kiến buổi lễ cũng phải giật mình. Dường như, Đại danh y đã độ lượng, bao dung, đồng ý xá tội cho con cháu sau bao nhiêu năm lãng quên quá khứ.
Cùng với việc tổ chức giỗ tổ, tôi đề xuất với lãnh đạo tỉnh Hải Dương xây dựng một ngôi đền mới thờ Đại danh y, thay thế cho ngôi đền Bia đã và đang bị xuống cấp. Liền sau đó, một cuộc hội thảo về vấn đề này đã được tổ chức tại Hà Nội. Trong hội thảo, mọi người đều đồng ý với dự án nhưng có một ý kiến khẳng định, không thể sử dụng tiền ngân sách của ngành y để làm việc này. Vấn đề tưởng như rơi vào bế tắc. Về phần mình, tôi suy nghĩ rất nhiều và quyết định cùng với GS.TS. Trần Thị Trung Chiến - Bộ trưởng Bộ Y tế đến đề đạt tâm nguyện với Thủ tướng Phan Văn Khải. Là người tâm - đức, tâm huyết với truyền thống, Thủ tướng thấu hiểu tâm nguyện của chúng tôi cùng nhân dân Hải Dương, đồng ý chuyển 18 tỷ đồng từ nguồn vốn chống xuống cấp di sản văn hóa để đầu tư xây dựng đền thờ Đại danh y Tuệ Tĩnh. Nhờ đó, trên nền cũ của đền Bia, một ngôi đền mới khang trang và tôn nghiêm đã được hình thành. Đến nay, sau 8 năm, ngôi đền được hoàn thành, mỗi lần về thăm quê hương, đến thắp hương cho Đại danh y Tuệ Tĩnh, tôi luôn cảm thấy bồi hồi, xúc động và phấn chấn lạ thường.
Đền Bia tại xã Cẩm Văn, huyện Cẩm Giàng, Hải Dương.
Còn một chuyện tôi không thể không nói ra ở đây. Trong hậu cung đền thờ Tuệ Tĩnh, tôi bàn với lãnh đạo UBND tỉnh, đặt một ngai thờ cụ Nguyễn Danh Nho ngay ở gian Tiền tế - là người cùng làng với Đại danh y, từng đảm nhiệm chức Phó Tổng đốc Hải Dương, dù sinh sống cách nhau 200 năm. Riêng cụ Nguyễn Danh Nho, sau đó được bổ nhiệm vào phủ Chúa, đảm nhận vai trò Trưởng đoàn Sứ bộ, sang Trung Quốc. Trên đường đi, ông đã phát hiện ra mộ của Tuệ Tĩnh, trên bia mộ có dòng chữ nhắn nhủ của tiền nhân. Ông đã chép lại thông điệp này, về nước đục lại nguyên văn lời của Tuệ Tĩnh trên một tấm bia để truyền lại cho người đời sau. Tôi thực sự ngưỡng mộ ý thức, công sức và sự trân trọng của cụ Nguyễn Danh Nho đối với Đại danh y Tuệ Tĩnh. Và việc thờ Nguyễn Danh Nho sẽ trở thành lời nhắc nhở đời sau, hãy tiếp tục công việc dang dở mà cụ đã làm với một người tài yêu nước, yêu quê hương vô bờ bến như Đại danh y Tuệ Tĩnh.
Về phần mình, sở dĩ tôi vô cùng ngưỡng mộ và trân trọng Đại danh y Tuệ Tĩnh vì càng đi sâu tìm hiểu, nghiên cứu về ông, tôi càng nhận thấy, dù ở cương vị nào, là học trò, người thầy và làm người, ông đều thể hiện là người có “tiết tháo cao thượng”. Khi là học trò, ông là một học trò nghèo vượt khó. Bởi, ông mồ côi cả cha lẫn mẹ từ năm 6 tuổi, ở với người bác mà đỗ đến Hoàng Giáp Tiến sĩ, chứng tỏ ông là người có trí lớn. Sau khi đỗ đạt, ông lại không ra làm quan, hưởng vinh hoa phú quý mà mượn vườn chùa để trồng thuốc, chọn nghề y chữa bệnh cứu người và theo đạo Phật để tu nhân tích đức. Không những thế, ông còn là một nhà yêu nước vĩ đại, hết lòng vì nước vì dân. Bị đi sứ Trung Quốc, ông đã bỏ công sức viết nên tác phẩm Hồng Nghĩa giác tư y thư - viết lại những bài thuốc Nam hay để chuyển về quê hương, phục vụ cho công việc chữa bệnh cứu người. Ông cũng là người có tư tưởng tiến bộ với chủ trương “Nam dược trị Nam nhân”, thể hiện tinh thần tự lực, tự cường và ông hành động theo “Tôi tiên sư kính đạo tiên sư. Thuốc Nam Việt chữa người Nam Việt”. Tương truyền, sau khi mất, ông đã hiển thánh hai lần. Tôi cho rằng, do nhân dân quá yêu quý, ngưỡng mộ tài năng, đức độ của ông nên đã mong muốn đến khao khát ông “tái hiện” để giúp dân, giúp nước. Sự yêu quý, ngưỡng mộ ông còn thể hiện ở chi tiết: quá bực mình trước việc nhân dân đến hương khói đông đảo tấm bia mộ của Tuệ Tĩnh, vua Thiệu Trị đã gông, cùm lại tấm bia đưa vào nhà giam. Bằng lòng thành kính, người dân vẫn tìm đủ mọi cách để đưa được tấm bia trở về thờ cúng. Thế nên dân gian mới có câu: “Vì dân, dân lập đền thờ. Hại dân, dân đái sụt mồ, thối xương”!
Mới đây, dược sĩ Đào Kim Long và lương y Phùng Tuấn Giang có nguyện vọng xây dựng Hiệp hội Nam y Việt Nam, muốn đặt trụ sở tại đền Bia để phát huy ảnh hưởng của Đại danh y, giúp ngành Nam y ngày càng phát triển, tiếp tục phát huy được sự nghiệp mà Sư Tổ đã để lại cho con cháu đời sau.
Lại nói về ngôi đền Bia thờ Đại danh y. Khi xây mới, tôi đã chủ động dành một khoảng đất đáng kể để tái hiện lại vườn thuốc Nam và xây dựng một khu chẩn trị khang trang. Nhưng tiếc là đến nay vẫn chưa được quan tâm khai thác và phát huy hết công năng. Nhân có nguyện vọng trên, tôi hy vọng, Hiệp hội sẽ nhanh chóng được ra đời để trong thời gian ngắn, những công trình này sẽ được sử dụng một cách hiệu quả, phục vụ đắc lực cho công tác chăm sóc sức khỏe cộng đồng.
Trở lại với sự kiện khánh thành tượng đài Đại danh y Tuệ Tĩnh tại Trường đại học Y tế Cộng đồng Hải Dương. Tượng đài ngoài ý nghĩa tri ân Sư Tổ còn là tấm gương sáng về tinh thần học tập và đức độ để các thế hệ sinh viên hàng ngày đến giảng đường noi theo. Thay lời kết, tôi xin chúc thầy trò Trường đại học Y tế Cộng đồng Hải Dương tiếp nối được sự nghiệp của Sư Tổ, viết nên những trang truyền thống vàng cho nhà trường, cho ngành y Việt Nam trong thời kỳ mới.
NGUYỄN HỮU OANH