Rửa mặt sạch là bước quan trọng nhất trong bất kỳ quy trình chăm sóc da nào. Rửa mặt không sạch, không đúng cách có thể dẫn đến tắc nghẽn lỗ chân lông, nổi mụn và thúc đẩy nhanh quá trình lão hóa.
Bụi bẩn tích tụ trên da suốt cả ngày sẽ phá vỡ độ đàn hồi và collagen tự nhiên của da, tạo ra nếp nhăn. Tuy nhiên nhiệt độ nước rửa mặt khác nhau cũng tác động đến làn da.
1. Rửa mặt bằng nước lạnh
Rửa mặt bằng nước lạnh có một số tác dụng tích cực nhất định với một số tình trạng da. Nước lạnh làm co mạch máu, giúp giảm viêm, ngăn ngừa mụn và loại bỏ bọng mắt. Một mẹo hay vào buổi sáng nếu bạn thức dậy với khuôn mặt sưng húp, nhiệt độ lạnh của nước có thể giúp làm giảm bọng mắt, đặc biệt là quanh vùng mắt.
Nước lạnh còn được biết là có tác dụng như cải thiện tuần hoàn máu, tăng endorphin và kích hoạt quá trình trao đổi chất. Nước lạnh cũng có tác dụng làm dịu làn da. Điều này đặc biệt hữu ích nếu bạn có làn da nhạy cảm hoặc mẩn đỏ do kích ứng. Ngoài ra, nước lạnh cũng có thể làm chậm quá trình lão hóa bằng cách kích thích sản xuất collagen.
Rửa mặt bằng nước lạnh cũng giảm thiểu sự xuất hiện của lỗ chân lông vì chúng tạm thời co lại và se khít. Tuy nhiên, điều này cũng có nhược điểm vì nó sẽ tích tụ bụi bẩn và các tạp chất khác trong lỗ chân lông, dẫn đến tắc nghẽn và nổi mụn.
Hạn chế nữa của việc rửa mặt bằng nước lạnh là sẽ có tác dụng như một chất kích thích bên ngoài. Rửa mặt bằng nước lạnh giúp bạn tỉnh táo hơn, nhưng sẽ ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ ngay trước khi đi ngủ. Thêm vào đó, nước lạnh không mang lại cảm giác dễ chịu bằng nhiệt độ nước ấm hơn.
2. Rửa mặt bằng nước nóng
Có một số lợi ích khi sử dụng nước nóng để rửa mặt. Đầu tiên, nước nóng giúp giãn nở lỗ chân lông, giúp da dễ dàng loại bỏ độc tố hơn. Hơi nóng sẽ giúp hút các tạp chất từ sâu bên trong lỗ chân lông. Nước nóng cũng tốt hơn để tẩy trang vì nó giúp hòa tan vào sữa rửa mặt dễ dàng hơn nước lạnh.
Tuy nhiên, hạn chế chính của việc sử dụng nước nóng để rửa mặt là làm mất đi lớp dầu tự nhiên trên da. Thực tế là nước quá nóng sẽ làm mất đi lớp dầu tự nhiên trên da, khiến da bị khô. Nếu thường xuyên sử dụng nước quá nóng da sẽ mất nước nhiều hơn. Kết cấu bề mặt da sẽ thô ráp, tạo cảm giác khô và khó chịu. Ngoài ra, có rất nhiều mao mạch nhỏ dưới bề mặt da. Sử dụng nước nóng sẽ làm giãn các mạch máu đó, gây viêm và mẩn đỏ.
Rửa mặt bằng nước nóng (trên 42 độ C / 107 độ F) đã được chứng minh trong một số nghiên cứu là gây khô da, bài tiết dầu trên da và lão hóa da. Nếu da dầu, sử dụng nước ấm hoặc nóng trên mặt có thể khiến dầu tiết ra nhiều hơn. Quá nhiều dầu có thể dẫn đến nổi mụn hoặc lỗ chân lông bị bít tắc.
3. Rửa mặt bằng nước ấm
Cả nước nóng và nước lạnh đều có một số lợi ích nhưng cũng có một số nhược điểm. Vậy nhiệt độ nước rửa mặt tốt nhất là bao nhiêu?
Lựa chọn tốt nhất để rửa mặt là rửa mặt bằng nước ấm. Học viện Da liễu Hoa Kỳ khuyến nghị nên rửa mặt bằng nước ấm. Phạm vi nhiệt độ của nước ấm là 98 đến 105 độ F tương đương 38 độ C.
Rửa mặt bằng nước ấm cũng có tác dụng loại bỏ bụi bẩn và dầu trên da, đồng thời rửa sạch kỹ lưỡng để mang lại cảm giác sảng khoái cho làn da. Ngoài ra, nước ấm còn có ưu điểm là giúp các sản phẩm chăm sóc da được hấp thụ tốt hơn.
4. Lưu ý khi rửa mặt
Ngoài việc tìm ra nhiệt độ lý tưởng và điều chỉnh nhiệt độ khi cần thiết, việc rửa mặt đúng cách và sử dụng các sản phẩm sữa rửa mặt phù hợp cũng có thể giúp ích rất nhiều. Làm sạch da mặt đúng cách không chỉ cải thiện sức khỏe làn da mà còn khuyến khích quá trình tái tạo tế bào da hiệu quả, giảm thiểu khả năng nổi mụn và thậm chí có thể làm giảm tình trạng viêm nhiễm.
Dưới đây là một số quy tắc cần thực hiện để rửa mặt đúng cách:
- Quy tắc số một là rửa tay trước khi rửa mặt. Rửa tay sạch và dùng khăn lau mặt sạch là bước đầu tiên để có quy trình làm sạch hiệu quả.
- Kiểm tra nhiệt độ nước, nên rửa mặt bằng nước ấm.
- Sử dụng chất tẩy rửa nhẹ nhàng, không mài mòn, không chứa cồn. Nên sử dụng sữa rửa mặt dạng lỏng dành riêng cho da mặt và tránh xà phòng. Xà phòng sẽ làm bong tróc da và có thể gây ra nhiều mụn hơn.
- Làm ướt mặt bằng nước ấm rồi dùng đầu ngón tay thoa sữa rửa mặt. Tránh sử dụng bọt biển dạng lưới hoặc bàn chải chà xát da mạnh vì việc chà xát sẽ gây kích ứng da.
- Thoa kem dưỡng ẩm nếu da bị khô hoặc ngứa. Hãy nhẹ nhàng khi thoa bất kỳ loại kem nào quanh mắt để không kéo quá mạnh vào vùng da mỏng manh này.
- Rửa mặt hai lần một ngày (một lần vào buổi sáng và một lần vào buổi tối). Sau khi đổ mồ hôi nhiều cũng nên rửa mặt. Đổ mồ hôi, đặc biệt là khi đội mũ hoặc đội mũ bảo hiểm, gây kích ứng da, nên rửa mặt càng sớm càng tốt sau khi đổ mồ hôi.
Mời xem thêm video được quan tâm:
Mẹo chăm sóc da khi thời tiết trở lạnh