Nên “nhập gia tùy tục”?

14-05-2013 14:40 | Văn hóa – Giải trí
google news

Nếu tiếp tục “bàn lùi” về những chương trình giải trí, những cuộc thi tài năng ngoại nhập đang phủ sóng khắp các kênh truyền hình hiện nay thì có lẽ chẳng có gì thú vị bởi vấn đề này ai cũng nói rồi, nhưng tại sao các sân chơi đáng giá tiền tỉ khi được mang về Việt Nam lại thất bại quá sớm thì có lẽ khán giả vẫn chưa tìm ra sự phân tích thỏa đáng.

Nếu tiếp tục “bàn lùi” về những chương trình giải trí, những cuộc thi tài năng ngoại nhập đang phủ sóng khắp các kênh truyền hình hiện nay thì có lẽ chẳng có gì thú vị bởi vấn đề này ai cũng nói rồi, nhưng tại sao các sân chơi đáng giá tiền tỉ khi được mang về Việt Nam lại thất bại quá sớm thì có lẽ khán giả vẫn chưa tìm ra sự phân tích thỏa đáng.

Thật lạ lùng, khi những cuộc thi tìm kiếm tài năng xuất hiện ở Mỹ và một số nước châu Âu thì ngay lập tức tạo nên cơn sốt. Ví như cuộc thi tìm kiếm tài năng âm nhạc nước Mỹ, khán giả xem truyền hình đã được tận hưởng những phút giây giải trí thực sự chất lượng. Nhiều gương mặt nổi bật bước ra từ cuộc thi này còn có sức ảnh hưởng tích cực và lan tỏa khắp thế giới.

Khi du nhập Việt Nam, quả nhiên những thương hiệu đã quá thành công ở nước ngoài được khán giả đón nhận nhiệt tình, dù sao cũng được gắn mác ngoại. Về phía đơn vị chịu trách nhiệm mua bản quyền thì việc đưa các sân chơi nước ngoài đến Việt Nam là một sự toan tính có nhiều mặt tích cực cho người chơi, cho khán giả và tạo nên lợi nhuận cho chính bản thân họ. Tuy nhiên, nếu xét về chiều sâu thì những sân chơi thương hiệu ngoại khi vào Việt Nam đã để lộ nhiều điểm yếu. Đây cũng là thiếu sót của đơn vị mua bản quyền, chỉ vì quá vồ vập, quá vội vàng mà họ quên mất một điều: Nhập gia thì phải tùy tục. Một câu chuyện hài hước tại Mỹ có thể làm người đọc cười té ghế nhưng khi mang về Việt Nam, nếu bị dịch ẩu, lại không được biên tập một cách hợp lý thì độc giả Việt sẽ không thấy buồn cười. Sự khác biệt về văn hóa, thói quen và bản sắc chính là rào cản để các sân chơi thương hiệu ngoại tiếp cận với khán giả Việt. Vì thế, các đơn vị chịu trách nhiệm mua bản quyền các sân chơi này chưa thực sự làm được công việc quan trọng của họ: Thay đổi gia vị sao cho phù hợp với “gu” của người Việt.

Có thể nói, nếu như làng giải trí thế giới có Simon nổi tiếng khó tính và gay gắt thì ở Việt Nam cũng có Lê Hoàng “cay nghiệt”. Nhờ các sân chơi tìm kiếm tài năng mà Lê Hoàng được nhiều khán giả biết đến và yêu mến anh. Nhưng khi ngồi ghế nóng, anh cũng bị đánh giá là “ác”. Dù sao thì đó cũng là format của chương trình rồi, Lê Hoàng khó mà “hiền” được, vả lại đó cũng là cá tính của anh. Cố gắng theo dõi những sân chơi gần đây thì có thể thấy phát triển về lượng và hao hụt về chất. Các sân chơi của ta đang cố gồng mình sao cho thật giống với phiên bản của nước ngoài nhưng lại quên rằng, sự nỗ lực đó sẽ không bao giờ mang lại hiệu ứng tích cực. Khán giả cần sự gần gũi, chân thực thì dường như các sân chơi hiện nay không đáp ứng được.

Nên “nhập gia tùy tục”? 1
 Khán giả Việt háo hức kéo đến xem Running Man.

Nhắc đến yếu tố chân thực của gameshow thì có lẽ Hàn Quốc là một trong những “chuyên gia”. Không có ý cổ xúy hay hô hào, nhưng hiệu ứng tốt của họ thì không thể phủ định. Mới đây, chương trình Running Man của đài SBS đưa cả ê-kíp sang Việt Nam ghi hình và đã tạo nên một sức lan tỏa mạnh mẽ. Trước đây Running Man đã rất nổi tiếng ở Hàn Quốc và nhiều nước châu Á, nét hấp dẫn của sân chơi này chính là sự chân thực đến mức đáng khâm phục. Và điều quan trọng hơn cả, đây là một chương trình mang thương hiệu của xứ Kim Chi chứ không phải là một thương hiệu ngoại, từ kịch bản cho đến cách dàn dựng rất chuyên nghiệp nhưng lại cực kỳ gần gũi và đậm bản sắc Hàn Quốc. Chính vì gần gũi và chân thực nên Running Man không chỉ hấp dẫn khán giả “chủ nhà” mà còn lan tỏa đến nhiều nơi. Khi chương trình đến Việt Nam, khán giả kéo đến còn gây tắc đường hàng tiếng đồng hồ, thậm chí nhiều người sẵn sàng đu cây, leo lên nóc nhà để xem. Tất nhiên, không ai cổ vũ những hành động thiếu tính thẩm mỹ này nhưng xét ở phương diện mức độ hấp dẫn của chương trình thì rõ ràng, yếu tố chân thực đã tạo nên sức lôi cuốn mãnh liệt.

Không biết đến bao giờ ta mới có những sân chơi hấp dẫn như thế. Tiếc là sân chơi mang thương hiệu Việt còn quá ít vì ta chỉ mải chạy theo những thương hiệu ngoại hào nhoáng. Sự tụt dốc của các sân chơi trên truyền hình hiện nay khiến chúng ta phải ngẫm lại, người Việt dùng hàng Việt vẫn tốt hơn.     

Khánh An


Ý kiến của bạn