Bên cạnh ý nghĩa tiêu diệt sâu bọ phá hoại mùa màng thì người Việt còn cho rằng Tết Đoan Ngọ vào ngày 5/5 âm lịch là dịp để giải trừ bệnh tật trong thời điểm giao mùa.
Tết Đoan Ngọ 2025 vào ngày nào?
Tết Đoan Ngọ (cũng có nơi gọi là Tết Đoan Dương) diễn ra vào ngày 5/5 âm lịch hằng năm. Năm 2025, tết Đoan ngọ sẽ rơi vào thứ Bảy, ngày 31/5 dương lịch.
Đây là ngày lễ truyền thống ở một số quốc gia châu Á như Trung Quốc, Nhật Bản, Việt Nam. Ngày lễ này ở các nước có nhiều điểm khác biệt, mang ý nghĩa khác nhau. Người dân ở mỗi quốc gia lại tổ chức các hoạt động khác nhau trong ngày này.

Mâm lễ cúng Tết Đoan ngọ với rượu nếp, bánh tro và các loại quả.
Tết Đoan ngọ xuất phát từ điển tích trong dân gian. Điển tích này có nhiều dị bản khác nhau. Theo đó, vào một năm, những người nông dân đang ăn mừng vì được mùa thì sâu bọ bất ngờ kéo đến.
Dân làng đau đầu không biết làm cách nào để có thể giải quyết được nạn sâu bọ này, bỗng nhiên có một ông lão từ xa đi tới tự xưng là Đôi Truân.
Ông lão Đôi Truân chỉ cách cho dân chúng, mỗi nhà lập một đàn cúng đơn giản gồm bánh gio, trái cây. Người dân làm theo, chỉ một lúc sau, sâu bọ bay đi.
Ông lão bảo thêm: "Sâu bọ hằng năm vào ngày này rất hung hăng. Mỗi năm vào đúng ngày này, cứ làm theo những gì ta đã dặn thì sẽ trị được chúng".
Dân chúng biết ơn định cảm tạ nhưng ông lão đã đi đâu mất. Để tưởng nhớ sự việc trên, dân chúng đặt tên cho ngày này là tết Diệt sâu bọ, có người gọi là tết Đoan ngọ, vì giờ cúng thường vào giữa giờ Ngọ (từ 11-13h).
Nên làm gì vào ngày Tết Đoan Ngọ - mùng 5/5 Âm lịch?
Ngày nay, các hoạt động truyền thống trong ngày Tết Đoan Ngọ hay Tết diệt sâu bọ vẫn được lưu truyền và được người dân ở nhiều nơi thực hiện.
"Diệt sâu bọ" buổi sáng sớm
Đây là phong tục phổ biến nhất và diễn ra ngay khi thức dậy. Người dân quan niệm rằng, việc ăn những món nhất định vào sáng sớm khi bụng đói sẽ giúp "diệt trừ" các loại "sâu bọ" (tức là bệnh tật) trong cơ thể.
Các món thường ăn bao gồm:
Cơm rượu nếp/rượu nếp cẩm: Vị cay nồng, hơi men được cho là có tác dụng làm say "sâu bọ".
Hoa quả có vị chua, chát: Mận, vải, đào, dưa hấu... là những loại trái cây vào mùa này, được tin là giúp "tiêu diệt" sâu bọ.

Bánh tro được bày bán nhiều dịp Tết Đoan Ngọ.
Bánh tro hay còn gọi là bánh gio (miền Bắc), Bánh ú (miền Nam): Loại bánh làm từ gạo nếp ngâm nước tro, có tính mát, giúp thanh lọc cơ thể.
(Với trẻ nhỏ, ở một số nơi còn có tục bôi hồng hoàng lên thóp đầu, ngực, rốn để xua đuổi côn trùng và bệnh tật).
Cúng gia tiên và thần linh
Mâm cúng Tết Đoan Ngọ là cách con cháu thể hiện lòng hiếu thảo và biết ơn. Tùy theo phong tục từng vùng miền mà mâm cúng có thể khác nhau, nhưng thường bao gồm:
Hương, hoa tươi, vàng mã, nước sạch.
Cơm rượu nếp/rượu nếp cẩm.
Các loại hoa quả mùa hè (mận, vải, dưa hấu...).
Bánh tro (miền Bắc), Bánh ú bá trạng (miền Nam).
Xôi, chè (chè trôi nước ở miền Nam, chè kê ở miền Trung, chè đậu xanh/sen ở miền Bắc...).
(Ở một số nơi, có thể có thêm thịt vịt - món ăn giải nhiệt theo quan niệm dân gian).
Mâm cúng thường được chuẩn bị tươm tất và dâng lên bàn thờ vào giờ Ngọ (khoảng 11h-1h chiều). Đây cũng là lúc mặt trời và trái đất ở gần nhau nhất. Người xưa cho rằng giờ Ngọ chính là thời điểm nóng bức nhất trong một ngày. Lúc này, mầm bệnh trong tự nhiên cũng như trong cơ thể bắt đầu sinh sôi. Cơ thể con người cũng như mùa màng đều có thể chịu thiệt hại. Vì vậy, con người cần thực hiện các hoạt động thanh lọc và điều hòa cơ thể.
Hái lá thuốc và tắm lá thơm
Nhiều nơi còn giữ tục hái lá thuốc vào đúng giờ Ngọ (12 giờ trưa).
Người xưa tin rằng vào thời điểm dương khí mạnh nhất, các loại lá cây có dược tính cao nhất thường được hái như lá kinh giới, tía tô, ngải cứu, lá mùi, lá bưởi... Sau đó, lá thuốc có thể được phơi khô dùng dần hoặc đun nước để tắm, xông hơi, giúp phòng và trị bệnh ngoài da, cảm cúm, xua đuổi tà khí.
Khảo cây (Đánh cây)
Một phong tục độc đáo mà ít người biết trong ngày Tết Đoan Ngọ ở vùng nông thôn là "khảo cây" hay "đánh cây". Người ta dùng dao gõ nhẹ vào gốc các cây ăn quả ít ra quả hoặc bị sâu bệnh, đồng thời trò chuyện như hỏi xem cây có muốn ra quả không. Phong tục này thể hiện mong muốn cây cối sai quả, mùa màng bội thu.