Trong trường hợp nặng, bệnh nhân có thể bị tổn thương xương chậu và các cơ quan trong bụng như ruột, bàng quang.... Riêng với hai tinh hoàn, nguyên tắc cứu chữa là làm sao để duy trì được chức năng sinh sản, nội tiết, thẩm mỹ của tinh hoàn, đồng thời vẫn bảo đảm chức năng của dương vật (tình dục và đi tiểu).
Nếu chỉ bị đứt một tinh hoàn, tinh hoàn kia vẫn còn thì không nên tốn công mổ nối tinh hoàn làm gì mà cần tập trung lo giữ tinh hoàn còn lại: làm sạch vết thương, khâu da bìu che phủ, chống nhiễm trùng. Tinh hoàn bị đứt có thể chuyển tới bệnh viện chuyên thụ tinh trong ống nghiệm để trữ lạnh mô tinh hoàn.
Nếu chẳng may cả hai tinh hoàn đều bị đứt thì:
- Cho ngay tinh hoàn vào bao sạch, phủ đá lạnh ở bên ngoài. Tinh hoàn đã lìa khỏi cơ thể vẫn có thể hồi phục được sau 4-6 giờ, thời gian này sẽ càng lâu hơn nếu tinh hoàn được giữ lạnh.
- Không nên chuyển cả hai tinh hoàn đến một bệnh viện chuyên Tiết niệu - Nam khoa mà cần chuyển ngay một tinh hoàn đến một Trung tâm Thụ tinh trong ống nghiệm như bệnh viện Từ Dũ, bệnh viện Hùng Vương. Các trung tâm này có khả năng lưu trữ mô tinh hoàn. Khi bệnh nhân cần có con, mô tinh hoàn sẽ được rã đông, trích tinh trùng trong đó để làm thụ tinh trong ống nghiệm. Tinh hoàn còn lại và bệnh nhân cần được chuyển đến một bệnh viện có khoa Vi phẫu tạo hình như bệnh viện Chấn thương chỉnh hình (nếu bệnh nhân không bị chấn thương bụng). Phẫu thuật nối tinh hoàn thực chất là vi phẫu thuật nối động mạch, tĩnh mạch tinh hoàn, và cần được thực hiện bởi các chuyên gia về vi phẫu thuật mạch máu.
Nếu bệnh nhân có chấn thương bụng, cần phẫu thuật thì bệnh nhân nên được chuyển tới một bệnh viện chuyên về phẫu thuật bụng và bác sĩ chuyên về vi phẫu thuật mạch máu sẽ được mời tới điều trị.
Trong trường hợp tai nạn giao thông mà người sơ cứu không biết bệnh nhân có bị chấn thương bụng hay không thì nên chuyển bệnh nhân tới một bệnh viện chuyên về chấn thương. Khi đó, nếu cần nối tinh hoàn thì các chuyên gia giỏi về vi phẫu thuật mạch máu sẽ được mời tới.
Về mặt thẩm mỹ và tâm lý, thiếu một (và nhất là thiếu cả hai bên) tinh hoàn trong bìu có thể gây mặc cảm cho bệnh nhân. Khi đó, phẫu thuật gắn tinh hoàn nhân tạo là giải pháp tối ưu với điều kiện bệnh nhân phải còn ổ da bìu. Vì vậy, cần bảo tồn tối đa ổ da bìu cho bệnh nhân. Không nên dùng da bìu để đắp cho dương vật vì dương vật có thể được che phủ bằng ghép da mỏng. Phẫu thuật gắn tinh hoàn nhân tạo chỉ nên thực hiện sau khi mọi chuyện đã êm xuôi, vài tháng sau tai nạn.