Hà Nội

Nên làm gì khi bị khàn tiếng?

05-01-2021 10:07 | Phòng mạch online
google news

SKĐS - Tôi làm công việc phải nói nhiều nên rất hay khàn tiếng. Bác sĩ tư vấn giùm khi bị khàn tiếng thì tôi nên làm gì cho nhanh khỏi?

Lê Lộc Hà (Nam Định)

Khàn tiếng là tình trạng thay đổi âm sắc giọng nói làm cho người bệnh mất tiếng, nói không được, hụt hơi, nhanh mệt, thậm chí mất hẳn giọng nói. Khàn tiếng có thể diễn ra trong khoảng thời gian ngắn (cấp tính) hoặc lâu dài (mạn tính). Khi bị khàn tiếng nên kiên nhẫn bởi vì quá trình chữa bệnh có thể lâu. Nên nghỉ ngơi, không khóc, la hét và nói quá nhiều, hoặc hát to có thể làm cho khàn tiếng nhiều hơn. Hạn chế nói chuyện, trừ khi bạn cần thiết phải nói và tránh thì thầm. Thì thầm có thể làm căng các dây thanh âm nhiều hơn là nói. Tránh dùng thuốc chống sung huyết như để thông mũi, vì thuốc thông mũi làm khô dây thanh âm và kéo dài tình trạng khàn tiếng. Nên giảm bớt hoặc ngừng hút thuốc, giảm dùng caffeine. Làm ẩm không khí với bình phun hơi nước, uống nước đầy đủ có thể giảm khàn tiếng.

Nếu khàn tiếng cấp tính, theo thời gian, tình trạng bệnh giảm dần. Nhưng nếu thấy khan tiếng ngày một nặng hơn và kèm các dấu hiệu sau đây thì cần đi khám ngay: Khó thở hoặc khó nuốt. Khàn giọng kèm theo chảy nước dãi, nước mũi, đặc biệt là ở trẻ nhỏ. Khàn giọng kéo dài hơn 1 tuần đối với trẻ em, hoặc 3 tuần đối với người lớn. Bất kỳ bệnh nhân bị khàn giọng kéo dài trên 3 tuần không rõ nguyên nhân, cần khám và xét nghiệm để loại trừ bệnh ác tính.


BS. Minh Trung
Ý kiến của bạn