Mặc dù phần lớn người đã từng nhiễm COVID-19 sẽ hồi phục sau vài tuần nhưng vẫn có một số người nhiễm COVID-19 có thể gặp những biến chứng kéo dài một thời gian sau khi đã khỏi bệnh. Hiện tượng này gọi là biến chứng của nhiễm COVID-19 hay Hội chứng COVID-19 kéo dài.
1. Hội chứng COVID-19 kéo dài là gì?
Hội chứng COVID-19 kéo dài được tổ chức Y tế Thế giới (WHO) định nghĩa là "Tình trạng xảy ra ở người có tiền sử mắc nhiễm virus SARS-COV2, xuất hiện sau 3 tháng sau khi khởi phát COVID-19 với các triệu chứng kéo dài ít nhất 2 tháng và không thể giải thích bằng chẩn đoán. Theo ước tính của CDC Mỹ có khoảng 35% số ca bệnh COVID-19 có thể gặp phải Hội chứng COVID-19 kéo dài. Hội chứng có thể biểu hiện thành nhiều triệu chứng khác nhau với thời gian hồi phục khác nhau.
Theo WHO, trong bối cảnh ngày càng có nhiều người phơi nhiễm và mắc COVID-19, con số ghi nhận về các trường hợp gặp phải các triệu chứng dai dẳng hoặc rối loạn chức năng cơ thể sau khi mắc COVID-19 cũng theo đó gia tăng. Các triệu chứng này thường được gọi chung là Hội chứng COVID-19 kéo dài, ảnh hưởng đến nhiều hệ cơ quan trong cơ thể, với các dấu hiệu tác động tới tim mạch, phổi, máu, thận, nội tiết, tiêu hóa, cơ, xương, khớp, thần kinh và tâm thần.
Gần đây nhất, CDC Mỹ đưa ra kết luận là cứ trong 5 người khỏi bệnh COVID-19 (trong độ tuổi từ 18-64) sẽ có 1 người chịu ít nhất 1 triệu chứng COVID kéo dài, trong khi ở những người trên 65 tuổi, tỷ lệ này là 1/4. Đặc biệt, những người khỏi bệnh COVID-19 có nguy cơ mắc bệnh đường hô hấp cao gấp đôi so với những người không mắc bệnh này.
2. Một số triệu chứng gặp trong Hội chứng COVID-19 kéo dài
Một số người mắc Hội chứng COVID-19 kéo dài có thể có những triệu chứng mới hoặc tiếp diễn các triệu chứng kéo dài nhiều tháng. Các triệu chứng phổ biến là mệt mỏi, giảm sức bền khi vận động, ho, đau cơ, khớp, khó thở, đau tức ngực, nhịp tim nhanh, nhịp tim nhanh kèm tụt huyết áp tư thế, khó tập trung, lo lắng, hồi hộp, thay đổi chu kỳ kinh nguyệt (phụ nữ), rụng tóc, trầm cảm, rối loạn giấc ngủ, thậm chí có người bị lú lẫn, mất vị giác, khứu giác…
Bên cạnh đó, theo nghiên cứu từ Imperial College London cho thấy người mắc "Hội chứng COVID-19 kéo dài" được chia làm 2 nhóm, nhóm nhỏ gồm những người mắc triệu chứng về hô hấp là những người mắc COVID-19 thể nặng và nhóm lớn hơn với các triệu chứng chung như mệt mỏi là những người mắc COVID-19 thể nhẹ hoặc không triệu chứng. Những người mắc COVID-19 nặng có xu hướng gặp "Hội chứng COVID-19 kéo dài" nhiều hơn. Hội chứng cũng phổ biến hơn ở nữ giới, đặc biệt là nhóm trong khoảng từ 35-49 tuổi. Vì vậy, các nhà khoa học kết luận rằng Hội chứng COVID-19 kéo dài làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống.
3. Những ai có thể mắc Hội chứng COVID-19 kéo dài?
Hội chứng COVID-19 kéo dài có thể bao gồm một loạt các vấn đề sức khỏe tiếp diễn; hội chứng này có thể kéo dài hàng tuần, hàng tháng hoặc hàng năm. Hội chứng hậu COVID-19 thường được thấy ở những người mắc bệnh COVID-19 nghiêm trọng, nhưng bất kỳ ai đã bị nhiễm vi rút Corona (nCoV) đều có thể gặp phải hội chứng hậu COVID-19, ngay cả những người bị bệnh nhẹ hoặc không có triệu chứng do nCoV gây ra. Ngoài ra, những người không được tiêm chủng phòng COVID-19 và bị nhiễm bệnh cũng có thể có nguy cơ gặp phải hội chứng COVID-19 kéo dài cao hơn so với những người đã được tiêm chủng và bị lây nhiễm đột phá.
4. Nên làm gì khi bị Hội chứng COVID-19 kéo dài?
Cho đến nay chưa có một biện pháp điều trị đặc hiệu nào cho Hội chứng COVID-19 kéo dài. Về cơ bản theo thời gian, các triệu chứng sẽ tự biến mất. Vì vậy, nếu mắc phải Hội chứng COVID-19 kéo dài, người bệnh không nên quá lo lắng làm trầm trọng hơn tình trạng bệnh.
Theo CDC Mỹ, việc thực hiện các chiến lược phòng chống COVID-19, cũng như đánh giá thường xuyên mức độ ảnh hưởng của tình trạng Hội chứng COVID-19 kéo dài ở những người đã khỏi bệnh là rất quan trọng, giúp hoạch định biện pháp giảm thiểu các ca lây nhiễm và hạn chế các ảnh hưởng trong thời kỳ hậu COVID-19, đặc biệt là ở những người trên 65 tuổi.
Trong đó cần lưu ý là nếu người bệnh thực hiện được một số biện pháp sau đây sẽ giúp cho cải thiện đáng kế phòng chống Hội chứng COVID-19 kéo dài, đó là:
-Nên tập thở hàng ngày như hít sâu, thở chậm và tăng dần khi vận động.
-Nếu bị ho kéo dài có thể tập thở bằng bụng, uống đủ nước (nước ấm),
-Nên uống thêm nước trái cây (nếu có điều kiện) để giúp cho việc không bị khô họng gây kích thích.
-Nên vận động cơ thể hàng ngày bằng các động tác nhẹ nhàng, dễ thực hiện như đi lại trong nhà, trong sân hoặc tập thể dục buổi sáng…
-Cần được theo dõi huyết áp, nhịp tim (tự theo dõi hay có người hỗ trợ).
-Có chế độ dinh dưỡng hợp lý như ăn đủ chất, lỏng, dễ tiêu hóa.
-Nên kích thích não bằng cách đọc sách, báo để tránh lú lẫn, chóng quên
-Không nên uống cà phê, trà đặc, cần phải kiêng rượu, bia, thuốc lá.
-Cần lưu ý giấc ngủ là rất quan trọng cho nên cần tăng cường giấc ngủ ngay cả ngủ trưa.
Một điều hết sức cần lưu ý, đó là, nếu người bệnh sau khi khỏi bệnh, có nghi ngờ bị Hội chứng COVID-19 kéo dài nên đi khám bệnh hậu COVID-19 ngay để được thăm khám, theo dõi sức khỏe. Việc khám sớm có thể phát hiện sớm và trên cơ sở đó sẽ được điều trị sớm tránh được di chứng khiến người bệnh trở nặng.
Mời xem video được nhiều người quan tâm:
Hậu covid- Phục hồi chức năng cho người mắc COVID-19 nhẹ và không triệu chứng