Nên khám để có kết quả chính xác

18-12-2014 16:51 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Chuyện này là một chuyện buồn hơn là một chuyện lạ. Năm 1999, lần đầu tôi mổ cho một trường hợp vô sinh với chẩn đoán tắc ống dẫn tinh...

Trong nam khoa, có nhiều điều không ngờ tới...

1001 lý do

Chuyện này là một chuyện buồn hơn là một chuyện lạ. Năm 1999, lần đầu tôi mổ cho một trường hợp vô sinh với chẩn đoán tắc ống dẫn tinh (hai tinh hoàn vẫn sản sinh ra tinh trùng bình thường nhưng ống dẫn tinh bị tắc nên tinh trùng không ra ngoài được) với ý định tìm cách nối lại ống dẫn tinh. Không may bệnh nhân bị bệnh bất sản ống dẫn tinh hai bên, tức là bẩm sinh không có ống dẫn tinh. Y học hiện nay không có biện pháp gì để tạo ra ống dẫn tinh mới cho bệnh nhân cũng như không thể ghép ống dẫn tinh như kiểu ghép thận. Cách duy nhất để bệnh nhân có con của chính mình là thụ tinh trong ống nghiệm. Khi tôi thông báo cho bệnh nhân là không có ống dẫn tinh, anh cứ theo tôi như bóng với hình chỉ để gặng hỏi một chuyện: “Bác sĩ có chắc không?”.

Hôm sau, khi bệnh nhân ra viện, có một người phụ nữ đến tìm tôi, chị khóc từ ngoài cửa phòng khám. Chị là vợ của anh bệnh nhân trên. Anh chị đã có với nhau 1 con gái… Anh chị ở miền Trung, cưới nhau sau nhiều năm chưa có con nên mọi điều tiếng đổ hết lên đầu chị. Mẹ chồng cứ đi ra đi vào nói xa nói gần, về chuyện chị “không biết đẻ”. Cực chẳng đã, chị lẳng lặng đi khám, bác sĩ nói chị bình thường. Về nhà, thử nhắc đến chuyện khám bệnh thì chồng gạt phăng, anh bảo anh to khỏe, sinh lý tốt vậy thì làm gì có chuyện vô sinh.

Chị đành âm thầm, đi xin bơm tinh trùng tại bệnh viện. Chuyện đã hơn 10 năm. Nay vì mong muốn có con trai nên anh mới chịu đi khám.

Tôi tin chị. Tôi cũng có người bạn từng chọn biện pháp này chỉ vì không thể thuyết phục người chồng đi khám vô sinh.

To khỏe thì “giống tốt”?

Rất nhiều người tin rằng những người cao to là “giống” tốt. Tuy nhiên, trong quá trình khám nam khoa, tôi lại thấy rất nhiều bệnh nhân vô sinh lại có dáng vẻ “đồ sộ” hơn những người khác.

Xét ở góc độ khoa học, chẳng có mối “quan hệ họ hàng” gì ở giữa vóc dáng và khả năng có con. Vóc dáng cơ thể nam giới, ngoài yếu tố di truyền, dinh dưỡng, có thể có liên quan tới testosteron. Testosteron và tinh trùng đều do tinh hoàn sản xuất ra nhưng thuộc hai tế bào khác nhau. Testosteron do tế bào Leydig của tinh hoàn sản xuất, còn tinh trùng thì do tế bào sinh tinh tạo thành. Tế bào sinh tinh chiếm 90% thể tích tinh hoàn, dễ bị hư hại, trong khi tế bào Leydig chỉ chiếm không tới 10% thể tích tinh hoàn lại rất bền vững. Những người có tinh hoàn teo, thường chỉ teo phần tế bào sinh tinh, nên không sản xuất được tinh trùng dẫn tới vô sinh. Trong khi đó, tế bào Leydig vẫn khỏe mạnh tiết ra chất testosteron rất dồi dào. Do đó, những người vô sinh vẫn có thể là những người “to con”, còn những người “thấp bé” vẫn cứ có con đều đều.

Các ông chồng nên lưu ý rằng, khoảng 30% trường hợp hiếm muộn - vô sinh là có nguyên nhân trục trặc từ phía nam giới. Các ông nên chứng tỏ rõ bản lĩnh trượng phu của mình bằng việc xung phong đi khám nếu hai vợ chồng “sinh hoạt” đều đặn trong 1 năm mà vẫn chưa có thai.

TS. Như Thành

 

Tư vấn nam học. Ảnh: TM


Ý kiến của bạn