Bảo hiểm y tế (BHYT) - một trong những chính sách mang tính an sinh xã hội đã và đang giúp người bệnh yên tâm khi không may mắc trọng bệnh. Một số địa phương, việc triển khai chính sách BHYT theo Luật BHYT sửa đổi đã bước đầu phát huy hiệu quả, thu hút người dân tham gia BHYT... Tuy nhiên, tại một số địa phương, tỷ lệ tham gia hiện vẫn đang ở mức trên 55%, thực tế này làm ảnh hưởng không nhỏ đến lộ trình thực hiện BHYT toàn dân đã đề ra...
Tăng tỷ lệ bao phủ BHYT ở một số đối tượng. Ảnh: TM
Theo Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam, tính đến 31/5, cả nước đã có 64,6 triệu người tham gia BHYT (tăng 2,7 triệu người, tương đương 4,4%, so với cùng kỳ năm 2014), đạt tỷ lệ bao phủ 71,4% dân số. Tuy nhiên, tỷ lệ này không đồng đều giữa các địa phương. Đặc biệt, 8 tỉnh gồm An Giang, Bạc Liêu, Đồng Tháp, Hậu Giang, Tiền Giang, Kiên Giang, Tây Ninh, Vĩnh Long mới chỉ đạt độ bao phủ BHYT trên 55% dân số. Lo ngại trước mục tiêu 75% dân số tham gia BHYT trong năm 2015 sẽ gặp khó khăn, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thị Minh cho rằng, ở những nơi chính quyền địa phương chưa quan tâm đúng mức thì tỷ lệ người dân tham gia BHYT rất thấp. Việc tuân thủ pháp luật trong tham gia BHYT của nhiều doanh nghiệp, người sử dụng lao động chưa cao.
Theo Bộ Y tế, đến nay việc thực hiện chính sách BHYT vẫn tồn tại nhiều bất cập; một số tỉnh, thành phố, công tác bao phủ BHYT toàn dân vẫn chưa được quan tâm đúng mức và thiếu sự chỉ đạo triển khai quyết liệt. Các địa phương chưa giao chỉ tiêu cụ thể cho từng đơn vị, chưa hướng dẫn đầy đủ việc kê khai lập danh sách đối tượng tham gia BHYT theo hộ gia đình. Công tác tuyên truyền chưa thường xuyên, hiệu quả chưa cao; người dân ít thông tin về BHYT, chưa thấy hết lợi ích, ý nghĩa, tầm quan trọng và trách nhiệm tham gia BHYT. Một số nhóm đối tượng chưa đạt tỷ lệ tham gia BHYT như nhóm tham gia theo hộ gia đình; người thuộc hộ cận nghèo; người vừa thoát khỏi diện cận nghèo; người lao động trong các doanh nghiệp; học sinh, sinh viên trong hệ thống các trường học.
Mặt khác, theo Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thị Minh, trong kế hoạch thực hiện BHYT toàn dân của các địa phương, hầu hết chưa xây dựng chỉ tiêu phát triển BHYT theo từng nhóm đối tượng tiềm năng để có lộ trình và giải pháp phù hợp, hiệu quả. Việc thực hiện BHYT đối với người thuộc hộ gia đình nông, lâm, ngư, diêm nghiệp có mức sống trung bình theo Quyết định số 32/2014/QĐ-TTg ngày 27/05/2014 của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư số 22/2014/TT-BLĐTB&XH ngày 29/08/2014 đến nay các địa phương vẫn chưa triển khai... Tất cả những yếu tố này cho thấy việc mở rộng 4% (tương ứng với gần 5 triệu người) tham gia BHYT vào cuối năm 2015 theo Nghị quyết của Quốc hội thực sự là một thách thức rất lớn.
Để triển khai các giải pháp có hiệu quả, tăng tỷ lệ bao phủ BHYT toàn dân theo đúng lộ trình, theo Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn, điều kiện cấp thiết là Chính phủ nên giao chỉ tiêu cụ thể thực hiện bao phủ BHYT toàn dân cho các địa phương. Các cấp ủy đảng, chính quyền cần tăng cường chỉ đạo các đơn vị cấp dưới thực hiện nghiêm các quy định pháp luật về BHYT. Các địa phương cần huy động nguồn lực để hỗ trợ 30% mức đóng BHYT còn lại theo chỉ đạo của Chính phủ cho người thuộc hộ gia đình cận nghèo; tăng cường công tác tuyên truyền để người dân hiểu về lợi ích và các quy định tham gia BHYT.
Trong thời gian tới, Bộ Y tế sẽ phối hợp với Bộ Tài chính và BHXH Việt Nam nghiên cứu đề xuất phương thức đóng BHYT cho người thuộc hộ cận nghèo, người thuộc hộ gia đình nông, lâm, ngư, diêm nghiệp theo hướng được hỗ trợ mức đóng và được giảm mức đóng khi toàn bộ thành viên trong hộ gia đình tham gia BHYT. Đối với người lao động trong các doanh nghiệp, Bộ Y tế sẽ phối hợp với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, BHXH Việt Nam tăng cường công tác tuyên truyền, công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành chính sách, pháp luật về BHYT tại các doanh nghiệp, bảo đảm mỗi lao động trong các nhà máy, xí nghiệp đều được tham gia BHYT và được chăm sóc, bảo vệ sức khỏe.
Để đạt mục tiêu bao phủ 75% dân số tham gia BHYT trong năm 2015, trong 6 tháng cuối năm, Bộ Y tế và BHXH Việt Nam tập trung triển khai các giải pháp để mở rộng đối tượng, tăng tỷ lệ bao phủ BHYT, tập trung chỉ đạo, kiểm tra các tỉnh có tỷ lệ tham gia BHYT thấp dưới 60%, đồng thời phối hợp với các bộ, ngành liên quan, UBND các địa phương để cùng chung tay tháo gỡ tồn tại, làm gia tăng tỷ lệ bao phủ BHYT đối với một số nhóm đối tượng...
Nguyễn Hoàng
- Sai số khó lý giải trên thẻ bảo hiểm y tế
- “Gỡ vướng” cho bảo hiểm y tế hộ gia đình
- Bảo hiểm y tế hộ gia đình: Dân có chịu thiệt?
- Bảo hiểm y tế cắt giảm chi trả một số thuốc điều trị ung thư
- 1.064 thuốc tân dược được Quỹ bảo hiểm y tế thanh toán
- Mức đóng bảo hiểm y tế bằng 4,5% mức lương từ 1/1/2015
- Đơn giản hóa nhập hộ khẩu, làm thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ dưới 6 tuổi
- Bộ Y tế không thờ ơ với “Hàng trăm bệnh nhân không được khám bảo hiểm y tế vào ngày nghỉ”
- Kiên quyết ngăn chặn gian lận, trục lợi quỹ bảo hiểm y tế
- Kiểm tra thông tin “hàng loạt bệnh viện bị xuất toán bảo hiểm y tế”
- Thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật bảo hiểm y tế với tỉ lệ cao
- Tăng cường giám định, chống trục lợi Quỹ bảo hiểm y tế
- Xử lý nhân viên “rút ruột” bảo hiểm y tế
- Không còn “lựa chọn ngược” khi bắt buộc tham gia Bảo hiểm Y tế
- Nhiều điểm mới trong dự thảo Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi
- Thẻ bảo hiểm y tế điện tử, tại sao không?
- Người dân được hưởng quyền lợi gì từ sửa luật bảo hiểm y tế ?
- Bảo hiểm y tế có bắt buộc với mọi đối tượng?