Hà Nội

Nên đưa giám định pháp y về ngành y tế

30-05-2012 21:31 | Thời sự
google news

Sáng 29/5, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự thảo Luật Giám định tư pháp (GĐTP). Nhiều ý kiến tập trung thảo luận về tổ chức GĐTP công lập, đặc biệt là tổ chức giám định pháp y (GĐPY) cấp tỉnh.

Sáng 29/5, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự thảo Luật Giám định tư pháp (GĐTP). Nhiều ý kiến tập trung thảo luận về tổ chức GĐTP công lập, đặc biệt là tổ chức giám định pháp y (GĐPY) cấp tỉnh.

Theo báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật GĐTP do Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện trình bày, hiện còn hai luồng ý kiến khác nhau về mô hình tổ chức GĐPY cấp tỉnh. Tuy nhiên nhiều ý kiến nhất trí với Tờ trình và dự thảo Luật Chính phủ trình QH, theo đó, tổ chức GĐPY gồm: Viện pháp y quốc gia thuộc Bộ Y tế; Trung tâm GĐPY tỉnh, thành phố (thuộc ngành y tế); Viện Pháp y quân đội thuộc Bộ Quốc phòng; Trung tâm GĐPY thuộc Viện Khoa học hình sự - Bộ Công an. Như vậy, riêng ở tỉnh, thành phố sẽ không còn giám định viên pháp y tại Phòng kỹ thuật hình sự Công an cấp tỉnh, mà tập trung hoạt động GĐPY vào tổ chức giám GĐPY thuộc ngành y tế để bảo đảm tính khách quan, chuyên nghiệp.

Thảo luận về vấn đề này, ĐB Nguyễn Thu Anh (Lâm Đồng) cho rằng, việc tập trung hoạt động GĐPY vào tổ chức GĐPY thuộc ngành y tế sẽ khắc phục hiện tượng phân tán của giám định viên; tạo điều kiện để Chính phủ tập trung đầu tư phát triển ngành GĐPY theo hướng chuyên trách đạt hiệu quả và nâng cao chất lượng giám định. Theo ĐB Thu Anh, hoạt động GĐPY là hoạt động chuyên môn của ngành y tế, để có kết luận giám định chính xác, giám định viên cần có sự hỗ của cơ sở vật chất, máy móc chuyên ngành. Giám định viên ngành y tế đã có thời gian phát triển, được thành lập từ TW đến cấp tỉnh và cơ bản được kiện toàn. Bên cạnh đó, số lượng giám định viên ngành y tế nhiều hơn ngành công an, thực hiện nhiều vụ việc hơn. Mặt khác, hoạt động GĐPY trong ngành công an cũng có giới hạn và hạn chế nhất định, không bảo đảm sự khách quan trong công tác điều tra, đặc biệt là những vụ việc người bị thương, bị chết trong quá trình điều tra, tạm giam hoặc giam giữ. Trên thực tế, nhiều khi lực lượng công an chưa có sự tách bạch giữa hoạt động GĐPY với khám nghiệm hiện trường. Tuy nhiên, để GĐPY trong ngành y tế đảm đương được nhiệm vụ GĐPY, ĐB Thu Anh đề nghị QH nên quy định lộ trình thực hiện việc này, có thể là 3 năm sau khi luật được ban hành.

Cùng quan điểm này, ĐB Trương Thị Yến Linh (Cà Mau) cho rằng, thực trạng tổ chức và hoạt động GĐPY nhiều năm qua còn thiếu thống nhất và manh mún. Quy định tổ chức GĐPY công lập theo phương án 1 sẽ làm cho ngành GĐPY quy về một mối, thống nhất từ TW đến địa phương... ĐB Linh cũng cho hay, ở các nước, công việc GĐTP đều do ngành tư pháp và y tế làm. Công an làm dù khách quan đến đâu thì cũng cảm giác thiếu khách quan trọn vẹn. Đơn cử, trường hợp phạm nhân chết trong trại tạm giam mà lực lượng giám định của công an đưa ra kết luận thì rất khó thuyết phục.

PV


Ý kiến của bạn