Nên đổi mới và cải tiến Tết Nguyên Đán

24-02-2015 09:19 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Bàn về việc cải tiến, đổi mới Tết Nguyên đán, chắc sẽ có nhiều người e ngại- vì “đụng chạm” đến vấn đề nếp sống và “truyền thống”!

Tết Ất Mùi- 2015 năm nay, cán bộ- công nhân- viên chức được nghỉ những 9 ngày; cũng như Tết Giáp Ngọ- 2014! Hai cái Tết được nghỉ tới mức kỷ lục, xưa nay chưa từng có. Đây là niềm vui, hay nỗi lo? Bàn về việc cải tiến, đổi mới Tết Nguyên đán, chắc sẽ có nhiều người e ngại- vì “đụng chạm” đến vấn đề nếp sống và “truyền thống”! Song, xuất phát từ thực tế cuộc sống những ngày trước, trong và sau Tết Nguyên đán và để có một cái Tết đẹp, tiết kiệm, an toàn, lành mạnh, văn minh, với tư cách một trí thức quốc gia, tôi xin đề xuất ý kiến: Nên cải tiến và đổi mới Tết Nguyên đán!

Tết Nguyên đán là Tết cổ truyền, hàm chứa bao ý nghĩa tốt đẹp và là niềm mong đợi hằng năm của người Việt Nam ta. Thế nhưng, do quan niệm về Tết của nhiều người chưa đúng, những ngày Tết cổ truyền đã diễn ra nhiều chuyện cổ hủ, lạc hậu, xảy ra rất nhiều hiện tượng tiêu cực, bức xúc trên mọi mặt của đời sống. Thiết nghĩ, nên đổi mới và cải tiến Tết Nguyên đán của ta cho phù hợp với tình hình kinh tế- xã hội, công cuộc đổi mới đất nước và hội nhập quốc tế hiện nay.

Nhiều người nói: “Vui như Tết”. Tết đến, cảnh trí thiên nhiên thật tươi đẹp. Muôn hoa đua sắc, cây cối nở lộc đâm chồi, lòng người xốn xang, phơi phới. Trẻ con có những trang phục mới, được mừng tuổi (lì xì) và đi chơi nhiều nơi cùng cha mẹ, bạn bè. Người già thì được sum vầy cùng con cháu, đi lễ chùa chiền. Những người công tác, làm ăn, học tập xa quê thì được vài ngày về thăm cha mẹ, anh em. Tết đến, là dịp thuận tiện nhất để bà con Việt kiều về thăm họ hàng, quê hương, chiêm ngưỡng phong cảnh đất nước. Cán bộ, công nhân viên các cơ quan, đơn vị được mấy ngày nghỉ để sửa sang nhà cửa, thăm hỏi người thân, nhiều người còn được thưởng Tết. Tết đến, những người buôn bán và làm các dịch vụ thêm cơ hội làm giầu. Đường sá càng trở nên nhộn nhịp, tàu xe như nước, áo quần như nêm! Những lễ hội và các trò chơi dân gian ngày Tết cuốn hút bao người. Tết còn là dịp nảy nở tình yêu, tình bạn, xóa đi những điều chưa tốt, chưa đẹp, chưa hay trong quan hệ giữa người này với người kia. Tết bây giờ không còn ao ước được “no xôi chán chè”, mà người ta sắm Tết và trang trí nhà cửa đầy đủ, hiện đại và đẹp đẽ hơn Tết xưa bội phần, để “Vui là chính” ! Cái ăn cái uống bây giờ không còn là nỗi khao khát đối với nhiều gia đình, mà người ta lại ham “chơi Tết” hơn “ăn Tết”; nhiều người còn đi chơi Tết ở nước ngoài. Và, những lời chúc Tết, bao giờ cũng là những “lời có cánh”!

“Vui như Tết” đấy, nhưng nhìn cho cận cảnh, nhìn thẳng, nhìn rộng và nhìn cho sâu, với tinh thần trung thực, thì nhận ra rất nhiều điều “buồn như Tết”! Đấy là tâm trạng có thật của rất nhiều người dân, của một số nhà báo trung thực và nhiều người nổi tiếng mỗi dịp Tết đến xuân về. Báo chí những ngày giáp Tết có nhiều bài nóng hổi với các nhan đề: “Những người dị ứng với Tết”, “Những người không biết Tết”, “Ở nơi không có Tết”, “Sao cho Tết đến mọi nhà?” “Mong sao cho mọi người, mọi nhà đều có Tết”, v .v ... Trước Tết nhiều ngày, Chính phủ quan tâm nhắc nhở lãnh đạo các địa phương phải chăm lo Tết cho nhân dân, đặc biệt là các đối tượng chính sách, làm xúc động lòng người. Tuy nhiên, nhiều đồng bào miền núi, vùng sâu, vùng xa còn thiếu cái ăn, cái mặc, thiếu quần áo rét, nhà cửa quá đỗi tuềnh toàng và những người nông dân còn cặm cụi làm ruộng cho vụ đông xuân, với nhiều cánh đồng còn trắng nước, khiến những người có lương tri phải trầm tư và buồn sâu xa! Nhiều cán bộ, chiến sĩ các lực lượng vũ trang nhân dân, đặc biệt là ở các vùng hải đảo, biên giới và những kỹ sự, người thợ các công trình trọng điểm vì những nhiệm vụ đặc biệt, đã phải làm việc liên tục và vất vả, thậm chí phải hy sinh cả tính mạng trong những ngày Tết. Rất nhiều người về hưu, lương thấp, chỉ triệu rưởi, đến hai triệu đồng bạc, mà thời buổi giá cả leo thang từng ngày, làm sao họ lo được cái Tết đơn sơ thôi, nói gì đến cái Tết tàm tạm và xa vời là cái Tết sung túc ?! Thế thì họ làm sao thích Tết? Ngay cả với không ít người nổi tiếng, mức sống khá giả, cũng không thích Tết. Giáp Tết Nguyên đán năm kia, tôi có đọc bài phỏng vấn NSND Lê Khanh, chị nói thích Tết (có lẽ chị muốn “làm đẹp lòng mọi người”), nhưng chị cho biết: người mẹ của chị (NSƯT Lê Mai, diễn viên điện ảnh) và nhiều người khác lại không thích Tết! Tôi có mấy ông bạn nhà văn, nhà thơ, Tết đến chỉ ...nằm khoèo!

Nỗi nhọc nhằn của người trồng đào cho dịp Tết. Ảnh minh họa: internet

Nỗi nhọc nhằn của người trồng đào cho dịp Tết. Ảnh minh họa: internet

Giáp Tết, vợ chồng tôi đi mua hoa ở chợ Đằng Lâm, Đằng Hải, quận Hải An, Hải Phòng. Hoa Đằng Lâm, Đằng Hải đẹp nổi tiếng. Cô bán hoa khoảng 27, 28 cứ chép miệng: “Cháu sợ Tết lắm, cô chú ạ”. Tôi bảo: “Bán được nhiều hoa thì Tết càng vui chứ, sao lại sợ Tết?”. Cô nói: “Trồng hoa công phu, mất nhiều công sức. Chẳng biết người khác thế nào, chứ nhà cháu bán rẻ thế này thì chẳng được mấy đâu. Tết đến, không có tiền, vợ chồng cháu chẳng dám đi thăm họ hàng. Về quê chồng, không có quà Tết và tiền mừng tuổi, họ hàng chê cười, khinh rẻ. Mà không về, thì các cụ và họ hàng lại trách mắng là “bất hiếu”, “bất đễ”. Khổ lắm!”! Tôi cũng thấy nhiều vợ chồng trẻ, lo xốn vó việc mua quà Tết về thăm quê. Đồng lương quá eo hẹp, thưởng Tết vài trăm nghìn đồng, có người chẳng biết tiền thưởng là gì, nhưng phải mang về quê đủ thứ: Nào rượu Tết (loại tàm tạm, phổ thông thôi), vài gói bánh, cân giò, ... cho đến cả cân miến, cân bánh đa cuộn, chục gói mì ăn liền, gói mì chính, lại đèo hai đứa con nhỏ về quê cách gần trăm cây số, vất vả quá chừng. Còn rất nhiều người công tác, làm ăn xa vài trăm hoặc hàng nghìn cây số, mua vé tàu xe thì khốn khổ khốn nạn vì cảnh chen chúc, vì bọn cò mồi, lừa lọc, giá vé xe khách quá cao. Tết năm nào, các tỉnh, thành cũng đều cấm xe khách “chặt chém” hành khách; nhưng các nhà xe cứ phớt lờ, tăng giá và nhồi nhét chật cứng người trên các chuyến xe. Lại còn xảy ra bao điều trớ trêu, đau khổ: Ví như, Tết năm kia: Hai cô sinh viên ở Đà Nẵng đi nhờ xe tải về quê ăn Tết ở một tỉnh giữa miền Trung, bị hai tên lái xe hiếp dâm! Đôi vợ chồng trẻ ở Hà Nội mâu thuẫn ngày Tết, chồng đâm vợ rồi tự tử. Một thanh niên nhảy cầu Chương Dương (Hà Nội ) tự tử. Bức xúc vì các công việc và chi tiêu ngày Tết, chồng đâm vợ chết (ở thành phố Đông Hà, tỉnh Quảng Trị); v. v… Tết năm nay cũng xảy ra những chuyện tương tự.

Chưa hết những cái “buồn như Tết”. Theo báo cáo của Bộ Công an, những ngày giáp Tết, trong và sau Tết mỗi năm, tội phạm kinh tế và hình sự tăng cao so với Tết năm trước. Hải quan các địa phương phát hiện vài trăm vụ buôn lậu, sản xuất hàng giả, buôn bán hàng cấm, trốn thuế. Tội phạm hình sự dịp Tết tăng cao, nhiều vụ giết người chỉ vì mâu thuẫn nhỏ nhặt hoặc để cướp của, tội cố ý gây thương tích, chống người thi hành công vụ, trộm cắp tài sản gia tăng. CA các tỉnh, thành phố phá nhanh vài trăm vụ án, bắt hàng trăm đối tượng phạm tội.

Ngày Tết xảy ra hàng trăm vụ TNGT, hàng trăm người chết; số người chết và bị thương vì TNGT trong dịp Tết mỗi năm tăng đột biến, thật kinh sợ, thảm thương. Mới chỉ 5 ngày nghỉ Tết Ất Mùi- 2015, từ 15/2 đến 19/2 (mùng 1 Tết), cả nước đã xảy ra 275 vụ tai nạn giao thông, làm chết 164 người, làm bị thương 237 người. Có nơi xảy ra tai nạn do sản xuất và đốt pháo. Nạn cháy cũng xảy ra: như vụ hỏa hoạn kinh hoàng ở phường Trường Thọ, quận Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh vào ngày 1 Tết, nguyên nhân là do…thắp nhang. Nạn cờ bạc công khai nhan nhản, lôi cuốn cả nhiều cán bộ, đảng viên. Tết đến, các loại rác thải, nước thải, khí thải bẩn thỉu, độc hại càng gia tăng bội phần, càng thêm ô nhiễm và mất mĩ quan môi trường sinh thái. Các con trẻ phải nghỉ lớp mẫu giáo hoặc các trường học, cha mẹ không biết gửi con ở đâu; để chúng chơi bời, sinh ra tệ nạn và rất nhiều tai nạn. Chao ôi!... Còn nhiều chuyện, nhiều vụ việc bi hài diễn ra, do ăn Tết, chơi Tết quá đà.

Tết Nguyên đán, CBCC được nghỉ quá dài ngày (do làm bù trước Tết). Trước Tết thì không khí làm việc ở các công sở, cơ quan đã uể oải, chấm chơ, rất nhiều người đi muộn, về sớm, thậm chí bỏ nhiệm sở cả ngày để lo Tết nhà mình; nhưng xét thưởng thi đua, khen thưởng cuối năm thì cơ quan, đơn vị nào cũng hỉ hả. Ấy thế mà những ngày sau kỳ nghỉ Tết tưởng đã quá thỏa thuê, nhưng nhiều công sở, trường học, doanh nghiệp vẫn vắng lạnh, quạnh hiu, rã rời; còn ở các quán nhậu, các nhà hàng, khách sạn, nhà nghỉ, các lễ hội đền chùa, các nơi vui chơi, giải trí sao mà đông đúc, ồn ào, chen chúc, xô đẩy, lộn xộn quá vậy (ví như việc cướp giò tre ở hội đền Gióng, Hà Nội vào Tết năm ngoái; v. v…). Bao nhiêu người dân mong đợi các công sở mở cửa làm việc, để xin cái dấu đỏ, đành ngậm ngùi chờ ... hết Tết! Nhưng biết ngày nào mới hết Tết ? Nhiều người nước ngoài, người ta nói xã giao là người Việt Nam ăn Tết “rất đặc biệt”(?!), thật là “độc đáo”, “thật lạ” (?!), lại ... “đầy bản sắc văn hóa dân tộc” (!?), nhưng đấy chỉ là những lời lẽ ngoại giao. Ta chớ ngộ nhận. Thật ra, họ rất chê, rất sợ hãi cái Tết liên miên, quá kéo dài, trì trệ, lạc hậu và bát nháo của xứ ta !

Tết Nguyên đán của ta bây giờ lãng phí quá nhiều thì giờ vàng ngọc, lãng phí quá nhiều tiền bạc, của cải công và tư, lãng phí quá nhiều sức lực. Bao nhiêu tai nạn đau lòng và tệ nạn xã hội diễn ra. Tết còn vô tình (?) lộ rõ những bất công xã hội, chênh lệch quá mức giàu- nghèo, phô ra cái nghèo của phần đông dân ta- trong đó khổ nhất là những người- nhất là trẻ em - ở nông thôn, miền núi, rồi đến các CB-CC quèn, giáo viên và những người về hưu! Chung quy, Tết vô tình (?) phô ra những cái yếu kém, những cái bệ rạc, thói ăn chơi đua đòi, nhiều điều rất đáng xấu hổ với thế giới văn minh về dân đức và dân trí của rất đông người xứ ta, bao gồm cả không ít CB-CC các cấp, các ngành, các địa phương!

Trong thời đại Đổi mới, CNH, HĐH đất nước và hội nhập quốc tế, có nên kéo dài việc nghỉ Tết như hiện nay? Nước ta còn nghèo, phần đông nhân dân còn túng thiếu, kinh tế đang thời khủng hoảng, đồng lương chân chính còn quá thấp, tiền mặt khan hiếm, các nhà buôn to nhỏ và các dịch vụ thì đua nhau tăng giá bóp hầu bóp cổ “đồng bào” mình, thế mà Tết triền miên, đâu đâu cũng thấy tổ chức chúc Tết rất phô trương hình thức và lãng phí- thật là một điều trớ trêu, nghịch lý, dối trá và kệch cỡm!

Nhà nước cần quy định việc nghỉ Tết hợp lý, hợp xu thế thời đại. Tốt nhất chỉ trong vòng 3 ngày là đủ, thế cũng là dài so với Tết dương lịch ở các nước văn minh, phát triển. Phải quản lý Tết sao cho lành mạnh, an toàn, đảm bảo an sinh xã hội ở mức tốt nhất. Còn nhưng người muốn nghỉ Tết dài ngày để thăm nom người thân hoặc sửa sang nhà cửa thì có thể cho họ nghỉ phép, như thế sẽ giảm nạn thiếu tàu xe và TNGT. Các cơ quan báo chí, các đoàn thể quần chúng và trường học các cấp cần tuyên truyền mạnh mẽ và thường xuyên về Tết tiết kiệm, song song với việc xây dựng một tâm lý mới, một quan niệm mới về Tết, sao cho giản dị mà trong sáng, vui tươi, không câu nệ về những tục lệ cổ hủ. Mỗi người Việt Nam ta cũng nên nhìn nhận Tết một cách đổi mới, phù hợp với hoàn cảnh và điều kiện kinh tế của chính mình, đồng thời tiếp thụ tinh hoa cái Tết ở các nước văn minh, phát triển- như kiểu Tết Dương lịch.

Bác Hồ rất tôn trọng Tết cổ truyền, nhưng Người phê phán sự lãng phí, xa hoa, những điều cổ hủ và sự quá đà trong ngày Tết. Bác viết: “Thói quen và truyền thống lạc hậu cũng là kẻ địch to; nó ngấm ngầm ngăn trở cách mạng tiến bộ. Chúng ta lại không thể trấn áp nó, mà phải cải tạo nó một cách rất cẩn thận, rất chịu khó, rất lâu dài” (Hồ Chí Minh – “Về vấn đề giáo dục”, NXB Giáo dục, Hà Nội, 1990, tr. 173).

ĐÀO NGỌC ĐỆ

 


Ý kiến của bạn