Bài 2: Việt Nam có thể phát triển nền công nghiệp chăm sóc sức khỏe?
(Tiếp theo số 126)
Ở các nước phát triển trên thế giới, công nghiệp CSSK đã hình thành và phát triển trong thời gian dài với các lĩnh vực được quy định cụ thể nhằm quản lý và đầu tư nguồn lực tài chính hiệu quả cũng như chăm sóc tốt sức khỏe cho người dân. Vậy ở nước ta đã sẵn sàng và có cơ sở cho một nền công nghiệp chăm sóc sóc khỏe không?
Các lĩnh vực quản lý và đầu tư của nền công nghiệp CSSK
Nhằm mục đích quản lý và đầu tư nguồn lực tài chính, công nghiệp CSSK thường được phân ra các lĩnh vực khác nhau. Hệ thống chuẩn phân ngành công nghiệp quốc tế của Liên hợp (ISIC) chia công nghiệp CSSK thành 3 lĩnh vực: Hoạt động của các bệnh viện; Hoạt động thực hành y học và nha khoa; Các hoạt động khác CSSK cho người bao gồm các hoạt động của các điều dưỡng, nữ hộ sinh, các nhà vật lý trị liệu, các phòng xét nghiệm/chẩn đoán, các phòng khám, kể cả các thực hành liên quan đến y tế như thủy liệu pháp, dịch vụ xoa bóp y học, điều trị bằng yoga, điều trị bằng âm nhạc, đo khám mắt, điều trị bệnh nghề nghiệp, trị liệu ngôn ngữ, điều trị các bệnh về chân (chiropody), châm cứu, nắn cột sống (chiropractics)...
Tiêu chuẩn phân loại công nghiệp toàn cầu và Tiêu chuẩn phân loại công nghiệp chia công nghiệp CSSK thành hai nhóm chính: Dịch vụ y tế và thiết bị y tế; Công nghiệp dược phẩm, công nghệ sinh học và các ngành khoa học liên quan. Bên cạnh đó, có một cách tiếp cận rộng hơn khi định nghĩa về công nghiệp CSSK là bao gồm cả các hoạt động quan trọng khác liên quan đến sức khỏe như: Các tổ chức đào tạo, huấn luyện cán bộ y tế, các nhà quản lý cung cấp dịch vụ y tế, các nhà cung cấp dịch vụ y học cổ truyền và y học bổ sung (traditional and complementary medicine) và quản lý bảo hiểm y tế.
Sử dụng thiết bị y tế hiện đại là điều kiện để Việt Nam phát triển công nghiệp CSSK.
Thực tế nền công nghiệp CSSK ở một số quốc gia
Công nghiệp CSSK Thái Lan
Với dân số khoảng 67,96 triệu người (2015), theo số liệu nghiên cứu của Đại học Srinakharinwirol (Ấn Độ, 2016) thị trường công nghiệp CSSK Thái Lan đạt 24 tỷ US$ (2015) với tỷ lệ tăng trường bình quân hàng năm 15%.
Công nghiệp CSSK Singapore
Frost & Sullivan dự đoán thị trường công nghiệp sức khỏe Singapore giai đoạn 2012-2018 tăng trưởng bình quân hàng năm 11,4% và đạt giá trị 22,3 tỷ US$ vào năm 2018. Đây là một con số đầy ấn tượng khi dân số Singapore khoảng 5,5 triệu người (2015), chỉ bằng khoảng 1/20 dân số Việt Nam. Cũng cần chú ý là Singapore đã đầu tư mạnh mẽ vào khoa học - công nghệ và quản lý chất lượng để có một nền công nghiệp CSSK thông qua du lịch. Một nghiên cứu tiến hành năm 2011 cho thấy, hàng năm có khoảng 200.000 khách du lịch đến Singapore sử dụng các dịch vụ CSSK và chữa bệnh. Du lịch CSSK và chữa bệnh đã đem lại cho Singapore một doanh thu khoảng 3 tỷ SGD/năm.
Có chăng một nền công nghiệp CSSK Việt Nam?
Hiện nay chưa có một đánh giá chính thức về thị trường công nghiệp CSSK ở Việt Nam. Theo một nghiên cứu của Austrade và Australia Unlimited (2016), thị trường công nghiệp sức khỏe của Việt Nam ước tính là 13 tỷ US$ (2015) và dự đoán sẽ đạt 24 tỷ US$ vào năm 2020. Tuy nhiên cũng cần thấy rằng, số liệu về thị trường công nghiệp CSSK của Việt Nam trên thực tế có thể lớn hơn các số liệu nói trên vì Việt Nam chưa áp dụng hệ thống Tiêu chuẩn phân loại công nghiệp toàn cầu và việc thu thập số liệu vẫn còn manh mún, thiếu tập trung vừa không đầy đủ vừa bị trùng lặp.
Hiện nay, trên thực tế, theo Tiêu chuẩn phân loại công nghiệp toàn cầu và Tiêu chuẩn phân loại công nghiệp có thể thấy Việt Nam hội đủ các bộ phận cấu thành một nền công nghiệp CSSK bao gồm: Thị trường dịch vụ y tế (công và tư nhân), công nghiệp thiết bị y tế và công nghiệp dược phẩm, vắc-xin và các công nghiệp phụ trợ khác liên quan đến hệ thống CSSK (xây dựng bệnh viện, nhà máy dược phẩm, xử lý nước thải y tế và công nghiệp dược/vắc-xin...).
Trong những năm sắp tới, trong xu thế của toàn cầu cũng như khu vực, công nghiệp CSSK của Việt Nam chắc chắn sẽ có những bước phát triển vượt bậc vì những lý do sau đây:
Dân số Việt Nam ngày càng già: Các thế hệ sinh ra sau 1955 và 1975 bước vào tuổi già và cận già, là những nhóm người cần có sự CSSK nhiều nhất. Tuổi thọ trung bình của người Việt Nam ngày càng tăng. Nhờ có thuốc men và chăm sóc y tế, con người có thể sống lâu hơn, nhưng đồng thời cũng cần đến CSSK nhiều hơn.
Tăng dân số: Ngành y tế phải đáp ứng nhu cầu CSSK cho cả tầng lớp dân số trẻ, trung niên và người già với những yêu cầu riêng cho từng nhóm tuổi.
Sự tiến bộ của công nghiệp dược phẩm/vắc-xin/thuốc sinh học, công nghiệp trang thiết bị y tế công nghệ cao đang phát triển bền vững với tốc độ tăng trưởng cao.
Nền y tế đang trong tiến trình cải cách đảm bảo cho người dân ngày càng dễ dàng tiếp cận các dịch vụ CSSK. Tính sẵn có của dịch vụ CSSK ngày càng cao.
Ngày càng có nhiều phương pháp mới chữa bệnh (HIV, ung thư, tim mạch, các bệnh liên quan đến chuyển hóa...) và các thiết bị y tế hiện đại được áp dụng ở Việt Nam.
Trình độ giáo dục và trình độ dân trí ngày càng cao: Công nghiệp CSSK ngày càng phát triển đòi hỏi lực lượng lao động phải thông qua trình độ cao đẳng hoặc đại học với thời gian đào tạo từ 4-6 năm trở lên.
Trước thực tế nêu trên, có lẽ đã đến lúc cần nghiên cứu kỹ các khái niệm, các đặc điểm, các bộ phận cấu thành của nền công nghiệp CSSK ở Việt Nam, nghiên cứu các quy luật kinh tế đang được vận hành trên thực tế trong lĩnh vực này để có định hướng xây dựng các chính sách và quy định quản lý Nhà nước thích hợp cho từng bộ phận cấu thành của nền công nghiệp CSSK của Việt Nam trong mối quan hệ tương hỗ, tác động qua lại lẫn nhau để tạo nên sự phát triển hài hòa của cả hệ thống, phục vụ có hiệu quả sự nghiệp CSSK nhân dân.