2 phương án đang được nghiên cứu
Trong dự thảo Luật BHXH sửa đổi trình Quốc hội, Chính phủ tiếp tục đưa ra hai phương án liên quan vấn đề xuất rút bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần. Phương án 1, nhóm tham gia BHXH trước khi Luật BHXH (sửa đổi) có hiệu lực (dự kiến trước ngày 1/7/2025) sẽ được rút BHXH một lần. Nhóm đóng sau thời điểm này không được rút, trừ người đủ tuổi nghỉ hưu mà chưa đủ năm đóng để hưởng lương hưu; ra nước ngoài định cư; mắc bệnh nguy hiểm đến tính mạng.
Phương án 2, sau 12 tháng không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, không tham gia BHXH tự nguyện và có thời gian đóng BHXH chưa đủ 20 năm mà người lao động có yêu cầu thì được giải quyết một phần nhưng tối đa không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất. Thời gian đóng BHXH còn lại được bảo lưu để người lao động tiếp tục tham gia và hưởng các chế độ BHXH.
Chị Nguyễn Thị Dung, công nhân Khu công nghiệp Thăng Long, Hà Nội cho biết, bất cứ ai cũng muốn có đồng lương khi về già. Một công nhân bắt đầu đi làm từ năm 20 tuổi đến năm 41 tuổi họ đủ 20 năm đóng, mà không may lúc đó bị thất nghiệp không kiếm được việc làm vậy họ phải chờ hơn 20 năm nữa họ mới đủ điều kiện nhận lương hưu, có ai kiên nhẫn đến tuổi đó không? Vậy nên họ chọn giải pháp rút là tất nhiên. Do vậy cần có quy định linh hoạt, phù hợp với thực tiễn hơn.
Chị Phùng Thanh Hà, phó chủ tịch công đoàn một công ty may trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc cho biết chị thiên về phương án 2 được rút BHXH một lần 50%. Bởi, người lao động có quyền quyết định rút BHXH một lần khi không còn tham gia thị trường lao động và gặp khó khăn cần tiền trang trải. Chị Thanh Hà cho rằng phương án này sẽ làm cho người lao động bị nới rộng khoảng cách với điều kiện có thể hưởng lương hưu khi về già.
Tuy vậy, chị Thanh Hà vẫn còn băn khoăn nếu họ không quay lại làm việc để tiếp tục tham gia BHXH thì 50% thời gian bảo lưu trên hệ thống BHXH sẽ được giải quyết như thế nào? Người lao động có được nhận phần bảo lưu này không? Trong trường hợp quay lại tiếp tục tham gia BHXH nhưng đến khi nghỉ việc vẫn chưa đủ điều kiện hưởng lương hưu thì như thế nào?
Theo Bộ Lao động Thương bình và Xã hội, phần thời gian đóng BHXH còn lại của người lao động vẫn được ghi nhận trên sổ BHXH, để tiếp tục tham gia và thụ hưởng tối đa các quyền lợi về BHXH. Tức là 1 người lao động có thời gian tham gia BHXH 10 năm đề nghị giải quyết hưởng BHXH một lần cho 5 năm thì sẽ còn 5 năm đóng được bảo lưu trên sổ BHXH. Khi người lao động tiếp tục tham gia BHXH ở một đơn vị mới thì vẫn được ghi nhận đã có 5 năm đóng BHXH. Người lao động phát sinh các chế độ, quyền lợi thì được tính trên tổng thời gian đóng BHXH.
Theo ông Nguyễn Duy Cường, Vụ phó BHXH (Bộ Lao động Thương binh và Xã hội), nếu người lao động tiếp tục đi làm và đóng BHXH thì thời gian bảo lưu sẽ được cộng nối tiếp để hưởng đầy đủ chế độ với quyền lợi cao hơn, như thai sản, ốm đau, tai nạn lao động bệnh nghề nghiệp... Nếu đến tuổi nghỉ hưu mà chưa đóng đủ 15 năm BHXH, người lao động có thể tiếp tục rút BHXH một lần; tham gia tiếp BHXH tự nguyện cho số năm còn thiếu để hưởng lương hưu hoặc nhận trợ cấp hàng tháng.
Cách gì đảm bảo an sinh cho người lao động?
PGS.TS Bùi Thị An, Chủ tịch Hội Nữ trí thức TP Hà Nội, nguyên đại biểu Quốc hội khóa XIII cho rằng phương án cho người lao động rút bảo hiểm một lần tối đa 50% đảm bảo an sinh lâu dài. Từ nhu cầu cấp bách như chữa bệnh, cho con đi học khiến nhiều người rút bảo hiểm xã hội. Do vậy cần rà soát lại những ai cần hỗ trợ để họ có điều kiện giữ lại 50% thời gian đóng bảo hiểm còn lại. Đây là vấn đề quốc gia, nên có một quỹ hỗ trợ người lao động vì khó khăn buộc phải rút một lần.
Theo bà An, với hai phương án Chính phủ trình Quốc hội, phương án 1 số người rút BHXH một lần có thể vẫn gia tăng, trong khi tỉ lệ bao phủ của BHXH tăng chậm, điều này có thể dẫn tới mạng lưới an sinh rất mỏng, không đảm bảo như mong đợi. Trong khi, với phương án 2 cũng có điểm chưa thuyết phục, nên chăng tích hợp cả hai phương án trên theo hướng: Với người tham gia trước thời điểm luật có hiệu lực (dự kiến 1/7/2025) thì được rút 8% đã đóng, còn lại tích lũy để hưởng lương hưu. Người tham gia từ sau năm 2025 không được rút BHXH một lần nữa. Chính sách điều chỉnh từ cho rút có mức độ và hướng tới đóng lại không cho rút, tránh tạo cú sốc làm cho người lao động phản ứng như trước đây.
ThS Nguyễn Vân Trang, Khoa Luật, Trường ĐH Sài Gòn chỉ ra một số vấn đề tồn tại ở các phương án rút BHXH một lần mà dự thảo đề xuất. Đó là cả 2 phương án đều có quy định NLĐ phải đợi sau 12 tháng không đóng BHXH mới được hưởng BHXH một lần, trong khi mục đích của chính sách này nhằm hỗ trợ người lao động vượt qua những khó khăn ngắn hạn trước mắt. Mặt khác, một trong 2 phương án đề xuất chỉ cho phép NLĐ rút BHXH một lần tối đa 50%, phần còn lại bảo lưu thì quy định phải chờ 12 tháng liệu có cần thiết? Đồng thời, tuy giảm mức hưởng (tối đa 50%), nhưng dự thảo không quy định về số lần được rút BHXH một lần, dẫn đến khả năng người lao động rút nhiều lần khiến mục tiêu bảo đảm an sinh cho người lao động khi về già khó đạt như kỳ vọng.
Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, giảng viên cao cấp, Học viện Tài chính, trong lúc chờ sửa luật, để giữ chân người lao động ở lại trong hệ thống BHXH, ngăn dần tình trạng rút "một cục", cơ quan BHXH phải minh bạch nguồn tiền người lao động đóng, đảm bảo đầu tư sinh lời, đảm bảo mức lương được điều chỉnh tăng dần. Đặc biệt, với những người lao động gặp khó khăn, không có tích cóp thì cần có chính sách hỗ trợ, vay tín dụng ưu đãi, thậm chí trợ cấp để họ có điều kiện tìm cơ hội việc làm, tiếp tục tham gia BHXH.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Cứu sống trẻ sơ sinh bị dị tật lỗ mũi sau hai bên hiếm gặp | SKĐS