1. Một số lợi ích của sữa chua
Sữa chua là một thực phẩm lên men được làm từ sữa bò, sữa dê... Sữa chua được tạo ra bằng cách thêm các vi khuẩn có lợi vào sữa, giúp chuyển đổi đường lactose thành acid lactic. Ăn sữa chua mang lại một số lợi ích cho sức khỏe như:
Hỗ trợ hệ tiêu hóa
Sữa chua chứa nhiều lợi khuẩn, còn được gọi là probiotic, giúp cân bằng hệ vi sinh đường ruột. Lợi khuẩn giúp cải thiện tiêu hóa, giảm táo bón, tiêu chảy và các triệu chứng của hội chứng ruột kích thích (IBS).
Sữa chua cũng chứa men vi sinh Bifidobacterium và Lactobacillus, giúp tăng cường hệ miễn dịch, chống lại các vi khuẩn có hại trong đường ruột.
Tăng cường hệ miễn dịch
Sữa chua chứa nhiều vitamin, khoáng chất, bao gồm vitamin A, vitamin D, canxi, kẽm, giúp tăng cường hệ miễn dịch và chống lại bệnh tật.
Lợi khuẩn trong sữa chua cũng giúp tăng cường hệ miễn dịch bằng cách kích thích sản xuất các tế bào miễn dịch.
Tốt cho sức khỏe xương khớp
Sữa chua là một nguồn cung cấp canxi dồi dào, giúp tăng cường sức khỏe xương khớp và ngăn ngừa loãng xương. Sữa chua cũng chứa vitamin D, giúp cơ thể hấp thụ canxi tốt hơn.
Giúp kiểm soát cân nặng
Sữa chua là một thực phẩm ít calo, giàu protein, giúp bạn cảm thấy no lâu hơn và giảm lượng calo tiêu thụ trong ngày. Sữa chua cũng giúp tăng cường trao đổi chất và đốt cháy calo hiệu quả.
Tốt cho sức khỏe tim mạch
Sữa chua có thể giúp giảm cholesterol xấu (LDL) và tăng cholesterol tốt (HDL), giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch.
Sữa chua cũng giúp giảm huyết áp, một yếu tố nguy cơ khác của bệnh tim mạch.
Tốt cho da và tóc
Sữa chua chứa acid lactic, giúp tẩy tế bào chết, làm sáng da. Sữa chua cũng chứa vitamin A, giúp dưỡng da và tóc khỏe mạnh.
Giúp giảm căng thẳng
Sữa chua chứa tryptophan, một acid amin giúp sản xuất serotonin là chất dẫn truyền thần kinh giúp giảm căng thẳng và cải thiện tâm trạng.
Lý do ăn sữa chua có thể giúp giảm hôi miệng
- Sữa chua chứa lợi khuẩn: Lợi khuẩn trong sữa chua giúp cân bằng hệ vi sinh vật trong miệng, ức chế sự phát triển của vi khuẩn gây hại, từ đó giảm lượng hợp chất lưu huỳnh dễ bay hơi - nguyên nhân chính gây hôi miệng.
- Sữa chua kích thích tiết nước bọt: Nước bọt giúp trung hòa acid trong miệng, loại bỏ thức ăn thừa và vi khuẩn, giúp giảm nguy cơ hôi miệng.
- Sữa chua chứa canxi: Canxi giúp tăng cường men răng, bảo vệ răng khỏi sâu răng - một trong những nguyên nhân phổ biến gây hôi miệng.
Lưu ý, không nên ăn quá nhiều sữa chua có thể gây ra một số tác dụng phụ như đầy hơi, khó tiêu,... do vậy bạn nên tuân thủ lượng khuyến cáo.
2. Một số nghiên cứu cho thấy sữa chua khử mùi khó chịu
Sữa chua làm giảm vi khuẩn gây mùi bao phủ lưỡi
Sữa chua rất hiệu quả trong việc giảm mùi hôi miệng. Lý do là vì sữa chua được coi là khá hữu ích trong việc làm giảm lượng hydrogen sulfide (H2S, là một hợp chất hóa học được tạo thành từ hai nguyên tố hydro và lưu huỳnh) hay còn gọi là khí hydro sunfua. H2S được lưu trữ ở các bộ phận khác nhau trong miệng của chúng ta tạo ra mùi hôi. Trong miệng, H2S được tạo ra bởi vi khuẩn kỵ khí khi chúng phân hủy các protein có chứa lưu huỳnh trong thức ăn thừa, mảng bám và các tế bào chết.
Sữa chua, phô mai thường được nhiều nha sĩ khuyên dùng vì thực phẩm này rất giàu vitamin D có tác dụng giảm sự phát triển của vi khuẩn trong cơ thể. Hơn nữa, sữa chua còn giữ cho đường tiêu hóa của chúng ta hoạt động tốt, từ đó ngăn ngừa hôi miệng.
Nghiên cứu năm 2005 của Nhật Bản cho thấy vi khuẩn sống trong sữa chua có thể ngăn chặn mức độ vi khuẩn gây hôi miệng. Trong 6 tuần, 24 tình nguyện viên tham gia nghiên cứu ăn nhẹ hàng ngày khoảng 170 g sữa chua không đường chứa hai loại vi khuẩn phổ biến: streptococcus thermophilus và lactobacillus bulgaricus. Các nhà vi trùng học tại Đại học Tsurumi đã kiểm tra mẫu hơi thở trước và sau. Trong số những tình nguyện viên được xác nhận mắc chứng hôi miệng, mức độ vi khuẩn "xấu" và hydrogen sulfide đã giảm hơn một nửa trong hầu hết các trường hợp.
Trưởng nhóm nghiên cứu Kenichi Hojo cho biết sữa chua làm giảm vi khuẩn gây mùi bao phủ lưỡi, mặc dù các nhà nghiên cứu chưa biết chính xác bằng cách nào. Một giả thuyết được nêu ra là trong lớp vi khuẩn dày đặc trên lưỡi con người, vi khuẩn tốt trong sữa chua loại bỏ vi khuẩn gây mùi hôi hoặc chúng tạo ra môi trường không thuận lợi cho vi khuẩn gây hôi miệng.
Sữa chua khử mùi hôi từ tỏi
Một nghiên cứu được thực hiện trong phòng thí nghiệm cho thấy sữa chua nguyên chất làm từ sữa nguyên chất đã ngăn chặn hầu hết các hợp chất dễ bay hơi tạo ra mùi hăng của tỏi thoát ra ngoài không khí. Nghiên cứu này đã được công bố năm 2023 trên tạp chí Phân tử, sữa chua có thể giúp khử mùi tỏi.
Các nhà nghiên cứu đã thử nghiệm khả năng khử mùi tỏi của sữa chua và các thành phần riêng lẻ gồm nước, chất béo, protein để xem mỗi loại có khả năng chống lại mùi hôi như thế nào. Cả chất béo và protein đều có hiệu quả trong việc khử mùi tỏi, khiến các nhà khoa học đề xuất rằng một ngày nào đó thực phẩm giàu protein có thể được chế tạo đặc biệt để chống lại hơi thở có mùi tỏi.
Tác giả nghiên cứu cấp cao Sheryl Barringer, giáo sư khoa học và công nghệ thực phẩm tại Đại học bang Ohio cùng Manpreet Kaur, một nghiên cứu sinh tiến sĩ trong phòng thí nghiệm đã thực hiện thử nghiệm. Kết quả cho thấy chỉ riêng sữa chua đã làm giảm 99% các chất bay hơi gây mùi chính trong tỏi sống. Khi dùng riêng lẻ, các thành phần chất béo, nước và protein trong sữa chua có tác dụng khử mùi tỏi sống. Tuy nhiên, chất béo và protein lại có tác dụng khử mùi tốt hơn nước.
3. Nên chọn sữa chua nào để giảm hôi miệng?
Tiến sĩ Mariliza LaCap, Hiệp hội Nha khoa Washington cho biết nên ăn sữa chua nguyên chất không đường hoặc ít đường để hạn chế lượng đường dư thừa trong miệng, tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển.
Nên ăn sữa chua sau bữa ăn để giúp trung hòa acid trong miệng và loại bỏ thức ăn thừa. Có thể kết hợp ăn sữa chua với các loại trái cây tươi như dâu tây, việt quất, dứa,... để tăng hiệu quả giảm hôi miệng.
Mặc dù ăn sữa chua có thể giúp giảm hôi miệng nhưng thực tế hiệu quả này chỉ là tạm thời, không thể thay thế cho các biện pháp vệ sinh răng miệng và điều trị y tế nếu hôi miệng do nguyên nhân bệnh lý. Để tìm nguyên nhân hôi miệng như sâu răng, viêm lợi, viêm họng,... cần đi khám nha khoa hoặc bác sĩ để được điều trị phù hợp.
Nên vệ sinh răng miệng kỹ lưỡng mỗi ngày, bao gồm đánh răng ít nhất 2 lần/ngày, dùng chỉ nha khoa và nước súc miệng.
Ngoài ra, bạn có thể tham khảo một số biện pháp khác để giảm mùi hôi miệng:
- Uống nhiều nước để giữ cho miệng luôn ẩm ướt.
- Hạn chế ăn các thực phẩm gây hôi miệng như tỏi, hành, thuốc lá,...
- Sử dụng các sản phẩm khử mùi hôi miệng như kẹo cao su, viên ngậm,...
Xem thêm video đang được quan tâm:
Uống sữa chua cà phê có tốt cho sức khỏe hay không?