Chảy máu cam hay chảy máu mũi phổ biến nhất ở trẻ em thường xảy ra gần mũi trước, trên bức tường ngăn cách hai bên mũi (vách ngăn), và thường chỉ bắt đầu từ một lỗ mũi. Một số trẻ bị chảy máu cam thường xuyên và cũng có những trẻ ít bị chảy máu cam hơn. Hầu hết chảy máu cam xảy ra khi các mạch máu nhỏ bên trong mũi bị vỡ và chảy máu. Các mạch máu này rất mỏng manh và nằm rất gần bề mặt nên dễ trở thành mục tiêu gây tổn thương.
1. Nguyên nhân gây chảy máu cam ở trẻ
TS.BSNT Vũ Duy Dũng - chuyên gia Tai Mũi Họng và phẫu thuật đầu cổ cho biết, có 7 nguyên nhân chính gây chảy máu cam ở trẻ em, đó là:
- Chấn thương mũi: Là nguyên nhân thường gặp nhất gây chảy máu mũi, có thể do trẻ ngoáy mũi, móc vật cứng vào mũi, va đập, dị vật...
- Môi trường hanh khô: Do sử dụng điều hòa, lò sưởi... làm mất nước, vỡ thành mao mạch nông ở mũi.
- Viêm mũi xoang: Do vi khuẩn, virus, dị ứng...
- Dị dạng giải phẫu trong mũi hoặc sau phẫu thuật vùng mũi.
- Khối u vùng mũi: Có thể u lành tính hay ác tính, thường hiếm gặp.
- Rối loạn đông máu: Trong bệnh máu khó đông, ung thư máu, sốt xuất huyết, dùng thuốc chống đông...
- Các bệnh lý khác: Tăng huyết áp, bệnh lý gan - thận...
2. Cách xử trí khi trẻ bị chảy máu cam
Trấn tĩnh và giữ đầu trẻ thẳng, không ngả ra phía sau.
Khi trẻ bị chảy máu cam, điều đầu tiên mọi người thường làm là cho trẻ ngả đầu ra phía sau. Việc này không những không cầm máu được mà còn khiến máu chảy xuống cổ họng, có thể dẫn đến nghẹt thở hoặc buồn nôn nếu trẻ nuốt phải.
TS. Dũng cho biết, khi con bị chảy máu mũi thường gây ra tình trạng sợ hãi, hoảng loạn... Để cầm máu nhanh chóng bạn cần bình tĩnh và áp dụng một trong những biện pháp dưới đây tùy thuộc vào mức độ chảy máu:
- Đầu tiên, cần trấn an, động viên và an ủi để trẻ không bị hoảng sợ khi nhìn thấy máu.
- Đảm bảo trẻ ngồi thẳng lưng, đầu hướng về phía trước để máu không chảy xuống họng.
- Yêu cầu trẻ thở bằng miệng, sau đó nhẹ nhàng dùng ngón tay cái và ngón tay trỏ bóp chặt 2 cánh mũi của trẻ vào vách ngăn mũi để ngăn không cho máu tiếp tục chảy trong khoảng 5 - 10 phút và kiểm tra xem máu đã ngừng chảy hay chưa. Nếu máu vẫn chảy thì thực hiện lặp lại các bước trên một lần nữa. Nếu hết chảy máu, cho trẻ sinh hoạt bình thường (tránh các hoạt động mạnh, gắng sức).
- Chườm lạnh, đặt khăn mát lên vùng mũi, má của trẻ hoặc cho trẻ ngậm viên đá lạnh (chỉ áp dụng nếu trẻ phối hợp). Chườm lạnh trên mũi cũng có thể giúp làm chậm quá trình chảy máu vì nó làm cho các mạch máu co lại.
- Cho trẻ uống một chút nước mát để giảm căng thẳng và loại bỏ bớt máu trong miệng.
- Nếu chảy máu cam thường xuyên hoặc kéo dài hơn nửa giờ thì có thể phải đi khám bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng. Có thể sử dụng thuốc co mạch tại chỗ nhỏ mũi để làm ngưng chảy máu theo hướng dẫn của bác sĩ (chú ý không tự ý sử dụng khi chưa có chỉ định).
3. Trẻ hay bị chảy máu cam nên ăn những thực phẩm gì?
Trẻ bị chảy máu cam thường xuyên nếu đã loại trừ những nguyên nhân trực tiếp như yếu tố môi trường, bệnh lý, va chạm mạnh... có thể còn do chế độ dinh dưỡng thiếu khoa học.
Trẻ bị chảy máu cam nên được bổ sung vitamin C
Trẻ bị chảy máu cam thường được cho là thiếu vitamin C. Vitamin C là một chất có vai trò quan trọng trong việc làm bền vững thành mạch máu. Vitamin C được biết đến là nguồn cung cấp sức mạnh cho hệ thống miễn dịch, giúp mạch máu hạn chế bị vỡ khi có tác động bên ngoài.
Thiếu hụt vitamin C là nguyên nhân chủ yếu dẫn tới chảy máu cam. Vì vậy, trẻ được bổ sung vitamin C giúp giảm nguy cơ chảy máu cam.
Vitamin C có nhiều trong các loại trái cây nhiệt đới như cam, chanh, dâu tây, ớt chuông, ổi, nho, đu đủ... Mẹ có thể tăng cường cho bé ăn đa dạng các loại trái cây hằng ngày hoặc ép nước, xay sinh tố cho bé uống để bổ sung vitamin C.
Các thực phẩm giàu vitamin C có lợi cho người chảy máu cam.
Vitamin K cần cho trẻ bị chảy máu cam
Vitamin K là loại vitamin cần thiết để kích hoạt các enzym ở nhiều giai đoạn trong quá trình đông máu. Người bị thiếu vitamin K có nguy cơ bị các bệnh về gan, mật, thận, ợ nóng, máu khó đông...
Thêm vào đó, khi bổ sung vitamin K vào cơ thể sẽ thúc đẩy sự hình thành collagen. Lúc này collagen tạo một lớp lót ẩm bên trong mũi. Lớp lót này giữ ẩm cho mũi, bảo vệ các mạch máu trong mũi không bị tổn thương.
Vitamin K có nhiều trong các loại rau xanh như súp lơ xanh, súp lơ trắng, bắp cải, húng quế, rau bina và tất cả các loại rau lá xanh khác.
Vitamin K cũng giúp đông máu nhanh chóng hơn.
Bổ sung thực phẩm giàu sắt
Thiếu sắt là nguyên nhân chính dẫn tới thiếu máu cũng như các rối loạn về máu trong cơ thể. Do đó, người bị chảy máu cam nên bổ sung sắt vào chế độ ăn. Thực phẩm giàu sắt là các loại thịt đỏ như thịt bò, thịt nạc, hải sản như tôm, cua, sò... Các ngũ cốc nguyên hạt như các loại đậu cũng chứa sắt.
Đảm bảo uống đủ lượng nước mỗi ngày
Thiếu độ ẩm có thể gây khô rát ở mũi và gây chảy máu mũi. Hãy cho trẻ uống nước lọc, có thể thêm các loại nước ép hoa quả, nước các loại canh, súp... Đặc biệt trong mùa lạnh trẻ thường lười uống nước hơn nên cha mẹ cần chú ý nhắc nhở trẻ uống đủ lượng nước cần thiết.
4. Bị chảy máu cam nên kiêng gì?
Khi trẻ thường xuyên bị chảy máu cam, cha mẹ nên chú ý tới chế độ ăn hàng ngày của trẻ. Nên kiêng một số loại thực phẩm có thể khiến tình trạng chảy máu nghiêm trọng hơn.
- Đồ ăn cay nóng: Các món ăn cay nóng có thể làm tăng tình trạng nhiệt tà trong cơ thể, phá hỏng cấu trúc mạch máu gây chảy máu cam.
- Các chất kích thích như cà phê, nước ngọt, rượu bia... có ảnh hưởng xấu đến tim mạch, huyết áp cũng như mạch máu, có thể dẫn tới chảy máu cam.
- Các đồ ăn chứa nhiều dầu mỡ và nhiều đường khiến cơ thể suy giảm đề kháng, gây viêm, các mạch máu dễ bị tổn thương.
Xem thêm video đang được quan tâm
Món ăn, thực phẩm tốt cho người bệnh dạ dày.