Nên bỏ thói quen xóc nước trong sơ cứu trẻ ngạt nước

04-12-2019 08:41 | Đời sống
google news

SKĐS - Trẻ khi bị đuối, ngạt nước rất dễ bị ngưng thở, ngưng tim. Trong vòng 5 phút (khoảng thời gian vàng) nếu trẻ được cấp cứu kịp thời, trẻ có thể sẽ qua khỏi và không để lại di chứng (tổn thương não).

Tại buổi sinh hoạt chủ đề:  “Dự phòng và xử trí sơ cứu các tai nạn thương tích thường gặp ở trẻ em” do Bệnh viện Nhi đồng 1 tổ chức, TS.BS. Phạm Văn Quang - Quyền Trưởng Khoa Hồi sức tích cực Bệnh viện Nhi đồng 1 chia sẻ: cách đây vài tuần tại Long An, bé 12 tháng tuổi đã bị ngạt nước khi rơi vào lu nước của gia đình, mặc dù đã được gia đình sơ cứu nhưng do không biết cách nên khi đưa bé đến bệnh viện, bé đã chết não và không có khả năng hồi phục.

Đó chỉ là một trong rất nhiều trường hợp trẻ tử vong do đuối, ngạt nước xảy ra trong thời gian gần đây. Để ngăn ngừa và hạn chế các tai nạn này, các bậc phụ huynh không những phải hết sức cẩn trọng trong quá trình chăm sóc trẻ mà còn phải biết sơ cấp cứu đúng cách khi trẻ bị ngạt nước, đuối nước.

Theo TS. BS. Phạm Văn Quang, đầu của trẻ thường nặng hơn phần thân, khi trẻ cúi đầu xuống lu, bồn nước… chân trẻ sẽ bị chổng ngược lên và không lật ngược lại được, lúc đó toàn thân trẻ sẽ bị rơi vào trong lu.

Trẻ khi bị đuối, ngạt nước rất dễ bị ngưng thở, ngưng tim. Trong vòng 5 phút (khoảng thời gian vàng) nếu trẻ được cấp cứu kịp thời, trẻ có thể sẽ qua khỏi và không để lại di chứng (tổn thương não). Nếu để quá 5 phút trẻ sẽ dễ bị tổn thương não, nếu quá 10 phút  thì thường trẻ sẽ bị di chứng rất nặng, cơ hội cứu sống là không còn.

Khi trẻ bị ngạt, đuối nước, chúng ta phải vớt trẻ lên ngay, nếu thấy trẻ còn tự thở được…, lập tức đặt trẻ nằm nghiêng trên mặt phẳng cứng, cởi đồ và lau khô cho trẻ, đồng thời nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất. Tất cả các trường hợp trẻ bị ngạt nước dù còn tỉnh táo vẫn phải đưa trẻ đến cơ sở y tế để được chăm sóc, vì rất có thể trẻ sẽ có nguy cơ bị suy hô hấp sau đó.

Nên bỏ thói quen xóc nước trong sơ cứu trẻ ngạt nướcThao tác sơ cứu hà hơi thổi ngạt

Trường hợp khi vớt trẻ lên và lay gọi mà trẻ vẫn mê man,  môi tím tái, lồng ngực không di động tức là trẻ đã bị ngưng thở, ngưng tim, chúng ta phải tiến hành sơ cấp cứu ngay cho trẻ bằng cách dùng 1 lòng bàn tay (với trẻ dưới 8 tuổi) hoặc 2 lòng bàn tay (với trẻ trên 8 tuổi) ấn tim 30 cái tại 1/2 dưới xương ức và thổi nghẹt 2 cái theo tỉ lệ 30:2, với trẻ nhỏ thì lấy miệng mình ôm kín mũi miệng trẻ và thổi chậm, với trẻ lớn lấy 2 ngón tay bóp mũi trẻ lại và thổi qua miệng, với cách này chúng ta sẽ cứu sống được trẻ. Trường hợp có 2 người sẽ làm theo tỉ lệ 15:2 tức ấn tim 15 cái, thổi nghẹt 2 cái, tất cả làm trong khoảng 2 phút (5 lần), nếu trẻ tỉnh và thở được đưa ngay trẻ đến bệnh viện, nếu trẻ chưa tỉnh thì tiếp tục làm đến khi trẻ tỉnh hoặc khi cấp cứu y tế đến. Nếu không thực hiện cấp cứu tại chỗ mà đưa trẻ đi thì rất có thể trẻ sẽ tử vong ngay trên đường.

Cũng theo TS. BS. Phạm Văn Quang, một số người dân thường có thói quen xóc nước khi trẻ bị ngạt nước, tức là vác trẻ lên vai và chạy để nước trong bụng trẻ chảy ra, có một vài ca khi làm như vậy vô tình kích thích làm cho trẻ thở lại được. Tuy nhiên, khi trẻ bị ngạt nước, nước ngấm vào phổi làm cho trẻ bị thiếu oxy dẫn đến trẻ bị ngưng tim, trong khi xóc nước ta chỉ lấy được nước trong bao tử trẻ ra, chưa kể việc xóc nước còn có thể: làm chậm thời gian vàng để cấp cứu bé; có nguy cơ trượt té làm rớt trẻ gây chấn thương sọ não; khi nước trong bụng ra có nguy cơ trào vào phổi làm cho trẻ suy hô hấp nhiều hơn. Vậy nên xóc nước có hại chứ không hề có lợi và phải bỏ ngay.

Ngoài ra, người dân miền Tây còn có thói quen lăn lu để cấp cứu trẻ ngạt nước. Họ để lu nằm ngang xuống và đặt trẻ lên lu, hơ lửa bên trong lu để sưởi ấm cho trẻ với hy vọng trẻ sẽ sống lại. Biện pháp này có nguy cơ làm cho bé bị phỏng chứ không cứu được trẻ.


Thủy Nguyễn
Ý kiến của bạn