Bệnh gai đen (Acanthosis nigricans) là một tình trạng da đặc trưng bởi các mảng da sẫm màu, dày, nhung ở các nếp gấp và nếp nhăn trên cơ thể. Bệnh gai đen là một tổn thương lành tính, không đau, ngứa và không gây hại cho cơ thể nếu không được điều trị.
Theo BSNT. Nguyễn Mạnh Hùng, Bệnh viện Da liễu Trung ương, tình trạng tăng sắc tố này có ranh giới không rõ ràng và thường liên quan nhất đến bệnh đái tháo đường và hội chứng kháng insulin nhưng nó có thể là dấu hiệu của bệnh ác tính. Bệnh nhân mắc dạng lành tính của bệnh gai đen có ít hoặc không có biến chứng về da, tiên lượng tốt và có khả năng hồi phục sau điều trị. Biến chứng có thể xuất phát từ các bệnh lý tiềm ẩn như đái tháo đường và các tình trạng kháng insulin.
Cơ chế gây bệnh thực sự vẫn chưa rõ ràng nhưng hiện nay người ta cho rằng nó có liên quan đến sự gia tăng lâu dài nồng độ insulin trong máu. Việc điều trị tập trung vào giải quyết nguyên nhân gốc rễ và cải thiện triệu chứng ngoài da.
1. Tầm quan trọng của chế độ ăn khi mắc bệnh gai đen
Về cơ bản, bệnh gai đen biểu thị mức insulin quá mức một cách mạn tính. Để giảm mức insulin, kết hợp chế độ ăn ít carbohydrate, thân thiện với chất béo kết hợp với nhịn ăn gián đoạn sẽ nhanh chóng làm giảm mức insulin và cải thiện tình trạng bệnh.
Thay đổi chế độ ăn: Chế độ ăn lành mạnh ít chất béo bão hòa và carbohydrate có thể giúp làm giảm các triệu chứng của bệnh gai đen. Một chế độ ăn lành mạnh giúp cải thiện sức khỏe tổng thể, tăng cường hệ miễn dịch và hỗ trợ quá trình điều trị bệnh gai đen. Cân nhắc việc thay đổi chế độ ăn uống như hạn chế ăn thực phẩm có đường hoặc có hàm lượng natri cao. Tăng cường các loại thực phẩm giàu chất chống oxy hóa giúp bảo vệ tế bào da, giảm viêm và làm sáng da.
Giảm cân: Thừa cân hoặc béo phì là một yếu tố nguy cơ chính gây bệnh gai đen, do đó, các chuyên gia y tế thường khuyên người bệnh nên cố gắng giảm cân như một phần của quá trình điều trị.
Gai đen là một dấu hiệu lâm sàng của tình trạng kháng insulin do đó giảm cân là cách hiệu quả nhất để làm mất tình trạng này. Các loại thực phẩm có chỉ số đường huyết thấp giúp ổn định lượng đường trong máu, giảm thiểu sự hình thành insulin kháng thể và cải thiện tình trạng gai đen.
Một nghiên cứu cho thấy có mối liên hệ giữa những thay đổi trong chế độ ăn uống và bệnh gai đen. Sau khi điều chỉnh tình trạng béo phì, tình trạng kháng insulin có sự thay đổi đáng kể. Giảm cân bằng cách điều chỉnh chế độ ăn giúp cải thiện tình trạng kháng insulin và làm giảm các vùng da bị sẫm màu.
2. Các dưỡng chất cần thiết cho người bệnh gai đen
Chế độ ăn uống đóng vai trò quan trọng trong việc cải thiện tình trạng bệnh gai đen. Dưới đây là các dưỡng chất cơ bản mà người bệnh nên bổ sung:
Chất xơ: Giúp ổn định đường huyết, tăng cường cảm giác no, hỗ trợ giảm cân và cải thiện sức khỏe đường ruột. Nguồn cung cấp: Rau xanh lá đậm (cải xoăn, rau bina), trái cây (táo, lê, dâu tây), ngũ cốc nguyên hạt (gạo lứt, yến mạch).
Protein: Giúp xây dựng và sửa chữa các tế bào, tăng cường hệ miễn dịch. Nguồn cung cấp: Thịt nạc, cá, trứng, đậu, các loại hạt.
Chất béo lành mạnh: Cung cấp năng lượng, hỗ trợ hấp thụ các vitamin tan trong dầu. Nguồn cung cấp: Dầu ô liu, dầu cá, các loại hạt (hạnh nhân, óc chó).
Vitamin và khoáng chất:
- Vitamin C: Tăng cường hệ miễn dịch, giúp da sáng khỏe.
- Vitamin E: Chống oxy hóa, bảo vệ tế bào da.
- Kẽm: Hỗ trợ quá trình lành vết thương, tăng cường hệ miễn dịch.
- Magie: Giúp ổn định đường huyết, giảm viêm.
Chất chống oxy hóa: Bảo vệ tế bào da khỏi tổn thương, làm chậm quá trình lão hóa. Nguồn cung cấp: Trái cây có màu sẫm (như việt quất, dâu tây), rau xanh lá đậm, các loại hạt.
3. Những nguyên tắc cơ bản trong chế độ ăn cho người bệnh gai đen
Người bệnh gai đen nên tuân theo chế độ ăn uống lành mạnh bao gồm protein nạc, rau, nhiều nước và trái cây ít đường như quả mọng. Người bệnh cần tránh xa các loại đường đơn giản như bánh mì trắng, gạo trắng, bánh quy, bánh ngọt,... Kết hợp với việc tập thể dục đều đặn vì điều đó giúp tăng độ nhạy insulin. Điều quan trọng nữa là bạn phải kiên trì với lối sống lành mạnh mới này.
- Giảm lượng đường và tinh bột: Hạn chế các loại đường đơn, đồ ngọt, bánh kẹo, gạo trắng, mì tinh bột.
- Tăng cường chất xơ: Ăn nhiều rau xanh, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt để tăng cảm giác no, ổn định đường huyết.
- Chọn protein lành mạnh: Thịt nạc, cá, trứng, đậu là những nguồn protein tốt.
- Bổ sung chất béo tốt: Dầu ô liu, dầu cá, các loại hạt.
- Uống đủ nước: Giúp đào thải độc tố, duy trì độ ẩm cho da.
3.1. Nên ăn gì khi bị bệnh gai đen?
Người bệnh gai đen cần có chế độ ăn nhiều trái cây, rau, ngũ cốc nguyên hạt và thịt nạc, cân bằng và bổ dưỡng. Ăn nhiều thực phẩm giàu chất xơ như yến mạch, đậu, các loại hạt. Duy trì đủ nước cho cơ thể suốt cả ngày bằng cách uống đủ nước, điều này cũng giúp tiêu hóa và hấp thụ chất dinh dưỡng từ bữa ăn.
Thực phẩm nên ăn:
- Rau xanh: Cải xoăn, rau bina, bông cải xanh...
- Trái cây: Táo, lê, dâu tây, việt quất...
- Ngũ cốc nguyên hạt: Gạo lứt, yến mạch, bánh mì đen...
- Cá: Cá hồi, cá thu, cá ngừ...
- Đậu: Đậu đen, đậu xanh, đậu đỏ...
3.2. Không nên ăn gì khi bị bệnh gai đen?
Hạn chế thực phẩm chế biến sẵn và thực phẩm có thêm đường, chất béo và muối. Ngoài ra, nên tránh các thực phẩm có nhiều đường và chất béo bão hòa như đồ ăn nhanh, khoai tây chiên, gà rán, các món tráng miệng có nhiều đường hoặc bơ để giúp kiểm soát các triệu chứng. Thực phẩm giàu carbohydrate cũng nên hạn chế nhưng vẫn cần bổ sung một số carbohydrate phức hợp vào chế độ ăn từ các nguồn như hạt diêm mạch, gạo lứt, khoai lang và yến mạch.
Thực phẩm nên hạn chế:
- Đồ ăn nhanh: Hamburger, pizza, khoai tây chiên...
- Đồ ngọt: Kẹo, bánh ngọt, nước ngọt...
- Thực phẩm chế biến sẵn: Thực phẩm đóng hộp, đồ ăn vặt đóng gói...
- Thịt đỏ: Thịt bò, thịt lợn...
Người mắc bệnh gai đen cần tránh các chế độ ăn kiêng giảm cân theo trào lưu vì chúng có thể dẫn đến tình trạng thiếu hụt hoặc mất cân bằng chất dinh dưỡng, khiến tình trạng bệnh trở nên trầm trọng hơn. Nên tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng để xây dựng chế độ ăn phù hợp với tình trạng sức khỏe của bản thân.
Xem thêm: