Hà Nội

Nên ăn nhiều hay ít sản phẩm giàu iốt khi bị bệnh tuyến giáp?

17-07-2018 15:07 | Dinh dưỡng
google news

SKĐS - Chị Nguyễn Thị T. H. (30 tuổi, Vũng Tàu) đã nhập viện trong tình trạng sụt cân nhanh, mệt mỏi, nhịp tim nhanh, da ẩm ấm, bứt rứt, hay quạu, mất ngủ.

Theo chẩn đoán của các chuyên gia nội tiết, chị T. H. đã mắc phải bệnh Basedow (cường giáp, dư iốt). Điều đáng lo ngại nhất, do hiểu bệnh không thấu đáo, khi được chẩn đoán bị bệnh tuyến giáp, chị T. H. lại càng ăn nhiều đồ hải sản để bổ sung iốt. Chế độ dinh dưỡng sai này càng khiến bệnh trạng của chị trở nên nghiêm trọng hơn.

Tuyến giáp là một cỗ máy im lặng của cơ thể, hầu hết thời gian, nó hoạt động trơn tru đến mức chúng ta quên nó đang tồn tại ở đó. Nhưng cái cơ quan nhỏ hình con bướm này nằm ở đáy cổ giúp điều chỉnh sự trao đổi chất, nhiệt độ, nhịp tim và nhiều thứ khác, và nếu nó bắt đầu gặp rắc rối, cơ thể sẽ nhanh nhận lấy hậu quả. Tuyến giáp hoạt động kém khi không sản xuất đủ hoóc-môn tuyến giáp - có thể làm tăng cân, chậm chạp, trầm cảm và tăng nhạy cảm với cảm lạnh. Một tuyến giáp hoạt động quá mức, mặt khác, xảy ra khi cơ thể sản xuất quá nhiều hoóc-môn, và có thể dẫn đến sụt cân đột ngột, nhịp tim không đều, đổ mồ hôi, căng thẳng và khó chịu.

Di truyền học, tình trạng tự miễn dịch, căng thẳng và độc tố môi trường có thể làm rối loạn tuyến giáp của bạn và do đó chế độ ăn sẽ giúp người bệnh hoàn toàn có thể kiểm soát, giảm thiểu các vấn đề của tuyến giáp.

Nên ăn nhiều hay ít  sản phẩm giàu iốt khi bị bệnh tuyến giáp?

Bệnh nhân bướu giáp đơn thuần: đừng quên vitamin A, magie

Bướu giáp đơn thuần khiến cho tuyến giáp to lên nhưng là bướu lành tính, không gây ra cường giáp hay suy giáp, không u hay viêm. Khoảng 75% bệnh nhân bị bệnh tuyến giáp thường bị bướu giáp đơn thuần. Người ta còn gọi đây là bướu giáp địa phương. Phần lớn, nguyên nhân đứng đầu là do chế độ ănthiếu iốt, đặc biệt là ở những vùng núi cao, xa biển.

Dinh dưỡng dành cho bệnh nhân bị bướu giáp đơn thuần là bổ sung iốt từ  muối iốt, thực phẩm như hải sản (tôm, cua, rong biển…).

Bên cạnh đó, người bệnh đừng quên bổ sung vitamin A, vô cùng cần thiết cho quá trình sản xuất hoóc-môn tuyến giáp, nên cần ăn nhiều trái cây như đu đủ, xoài - những trái cây có màu vàng, trái cây họ cam quýt. Đồng thời, bữa ăn cũng cần nhiều thực phẩm chứa magie như rau có lá màu xanh đậm như mồng tơi, diếp cá…

Lưu ý, các thức ăn có nguồn gốc từ “cải” như bắp cải, cải xanh, củ cải, bông cải cần phải hạn chế vì trong những thực phẩm này chứa nhiều hợp chất ngăn cản quá trình tổng hợp và sản xuất hoóc-môn tuyến giáp. Những chất này “bắt chết” iốt, tuyến giáp không thể tạo ra hoóc-môn tuyến giáp, nên bắt buộc phải phình to thêm để tăng hoạt động. Rau củ họ “cải” nên luộc trước khi ăn chứ không nên ăn sống.

Cũng bị hạn chế đối với các bệnh nhân bị bướu giáp đơn thuần do thiếu hụt iốt là dung nạp những sản phẩm từ đậu nành như đậu hũ, sữa đậu nành… hàng ngày. Khoai mì cũng không nên ăn hàng ngày khi đã bị bướu giáp do thiếu hụt iốt.

Bệnh nhân bị suy giáp có một chế độ ăn tương tự với bệnh nhân bị bướu giáp đơn thuần, và phải bổ sung hoóc-môn tuyến giáp mỗi ngày bằng cách uống thuốc tuyến giáp vào buổi sáng, trước bữa sáng 1g. Thuốc không được uống chung với sữa hoặc sản phẩm giàu canxi do làm mất đi tác dụng của thuốc.

Hạn chế iốt khi bị cường giáp

“Tôi nên ăn gì, bác sĩ?” là câu hỏi thường gặp từ bất kể bệnh nhân bị bướu giáp đơn thuần hay cường giáp. Nhiều bệnh nhân đã áp dụng chế độ ăn sai cho bệnh của mình dẫn đến tình trạng bệnh ngày càng nghiêm trọng hơn như trường hợp chị T. H. nói trên. Nhiều bệnh nhân cường giáp lại đi kiêng cữ thức ăn của bệnh nhân bị bướu giáp đơn thuần, trong khi ăn những loại thực phẩm đó lại có lợi cho bệnh của mình. Cường giáp, trong đó basedow chiếm 90%, là tình trạng bệnh dẫn đến tuyến giáp to, lan tỏa, cộng thêm những triệu chứng tăng chuyển hóa. Run tay, mắt lồi là những triệu chứng của giai đoạn trễ của cường giáp.

Bệnh nhân tăng chuyển hóa nên cần bổ sung calorie, rau củ cải, hạn chế các thực phẩm bổ sung iốt như hải sản; hoàn toàn trái ngược với chế độ ăn với bệnh nhân bị bướu giáp đơn thuần. Bên cạnh đó, bệnh nhân cần bổ sung các khoáng chất và vitamin như kẽm, magie, B6, A, E, C… Hạn chế các chất kích thích như rượu bia, cà phê, thuốc lá vì càng làm tăng quá trình chuyển hóa, gây mất nước.

Nếu bệnh nhân có một tình trạng tuyến giáp, tập thể dục và chế độ ăn uống lành mạnh có thể giúp kiểm soát các triệu chứng và cải thiện sức khỏe tổng thể. Nhưng nếu bệnh nhân có một tình trạng tuyến giáp không được chẩn đoán kịp thời hay không được kiểm soát đúng cách, sẽ có những rủi ro - thậm chí từ chế độ ăn uống không đúng cách và tập các bộ môn không thích hợp. Đó là lý do tại sao bệnh nhân bị tuyến giáp phải đến gặp bác sĩ khi có các triệu chứng như mệt mỏi, tăng cân hoặc giảm cân, và khó ngủ. Những triệu chứng phổ biến này có thể có nhiều nguyên nhân, bao gồm cả rối loạn tuyến giáp.

Tập thể dục với cường giáp hoặc không kiểm soát được (tuyến giáp hoạt động quá mức) hoặc suy giáp (tuyến giáp hoạt động kém) có thể gây nguy hiểm cho sức khỏe của bạn vì những điều kiện này làm tăng hoặc giảm sự trao đổi chất của con người, tăng tốc hoặc làm chậm nhịp tim. Đối với những người bị cường giáp, tập thể dục cường độ cao có thể “làm nóng” cơ thể một cách nguy hiểm.


BS. HUỲNH THỊ THÚY ÁI
Ý kiến của bạn