Chăm sóc trái tim trước hết cần quan tâm đến những yếu tố nguy cơ gây bệnh lý tim mạch. Tuy nhiên hầu hết các yếu tố này đều có thể chủ động phòng ngừa bằng cách thay đổi lối sống và thói quen sinh hoạt như: hút thuốc lá, lười vận động, mức độ cholesterol máu cao, thừa cân... Việc kiểm soát các yếu tố nguy cơ kể trên là cách tốt nhất để bảo vệ bản thân trước các bệnh lý tim mạch.
Ngoài ra, để tốt cho tim không chỉ là việc tránh các yếu tố nguy cơ mà còn cần cung cấp năng lượng tốt nhất để hoạt động hiệu quả. Do đó một chế độ ăn uống, tập luyện khoa học với những thực phẩm tốt là một yếu tố vô cùng quan trọng để có một trái tim khỏe mạnh.

Rau và trái cây không chỉ là nguồn cung cấp vitamin, khoáng chất và chất xơ mà còn chứa các chất chống oxy hóa tự nhiên - một trong những yếu tố góp phần giúp ngăn ngừa bệnh tim mạch.
Ăn gì tốt cho tim mạch?
Chế độ ăn phù hợp với sức khỏe tim mạch như sau:
- Giảm muối: chế độ ăn giảm muối giúp giảm và kiểm soát tăng huyết áp.
- Giàu kali: thiếu kali làm ảnh hưởng tới huyết áp, gây rối loạn nhịp tim. Chế độ ăn bổ sung kali giúp kiểm soát huyết áp hiệu quả hơn. Các thức ăn giàu kali bao gồm chuối, cam, lê, mận chín.
- Nhiều rau, trái cây, ngũ cốc. Rau củ và trái cây là nguồn cung cấp vitamin, khoáng chất và chất xơ rất dồi dào, nhưng lại chứa ít calo. Mỗi ngày, chúng ta cần bổ sung vào cơ thể khoảng 500 gam rau củ và trái cây. Rau và trái cây còn là nguồn cung cấp các chất chống oxy hóa tự nhiên - một trong những yếu tố góp phần giúp ngăn ngừa bệnh tim mạch.
Có thể bổ sung rau củ quả vào chế độ ăn uống hằng ngày bằng các món canh, salad, ăn trực tiếp, xay sinh tố, ép nước... Ngoài ra, bạn nên ưu tiên các loại rau và trái cây tươi, tránh sử dụng rau củ quả đông lạnh, đồ đóng hộp hoặc sấy khô.
- Tránh thức ăn chế biến sẵn.
- Dùng dầu ăn thay vì dùng mỡ động vật để tránh chất béo bão hòa.
- Mua thịt chưa chế biến, bạn chế biến bằng đồ không có chất béo bão hòa và transfat.
- Tránh thức ăn và đồ uống có nhiều đường.
- Đừng dùng bơ kèm mayonaise khi chế biến thức ăn, bạn chỉ nên dùng một trong hai thứ này mà thôi.
- Chế độ ăn vùng Địa Trung Hải giúp làm giảm yếu tố nguy cơ tim mạch. Nguyên lý của chế độ ăn này là: nhiều rau, nhiều quả, nhiều cá ăn kèm với bánh mì, ngũ cốc, khoai tây, đậu, củ, sữa chua… ngoài ra chế độ ăn này có rất ít thịt, ít chất béo (bơ, dầu dừa, dầu cọ, thịt) thay vào đó là nhiều chất béo không bão hòa (dầu ôliu); cuối cùng chế độ ăn này kèm theo một chút rượu đỏ.

Trong các hình thức tập thể dục thì đi bộ được chứng minh rất tốt cho sức khỏe tim mạch.
Tập gì tốt cho tim mạch?
Tập thể dục thường xuyên không những giúp bạn giảm nguy cơ mắc bệnh lý tim mạch mà còn làm cho bạn cảm thấy khỏe khoắn và thoải mái hơn trong cuộc sống.
Nếu bạn tập thể dục 30 đến 60 phút mỗi ngày và tập thể dục hầu hết các ngày trong tuần, bạn sẽ giảm được nguy cơ mắc bệnh lý tim mạch, kiểm soát được các yếu tố nguy cơ như tăng huyết áp, tăng cholesterol máu và béo phì.
Một số nhà nghiên cứu còn chứng minh rằng ngay cả khi bạn tập thể dục với cường độ nhẹ như đi bộ, chăm sóc cây cảnh, làm vườn… bạn cũng đã giảm nguy cơ mắc các bệnh lý tim mạch.
Tập thể dục mặt khác còn giúp bản giảm căng thẳng trong cuộc sống, khỏe hơn, ngủ ngon hơn và ăn ngon miệng hơn.
Trong các hình thức tập thể dục thì đi bộ được chứng minh rất tốt cho sức khỏe tim mạch, bạn có thể đi bộ mọi nơi, mọi lúc với các tốc độ khác nhau.
Các hình thức tập thể dục khác như đi xe đạp, tập yoga, bơi… cũng rất tốt cho tim mạch.
Bạn đừng để vấn đề tuổi tác làm nặng đôi vai mình, người cao tuổi vẫn rất cần tập thể dục, hãy trao đổi với bác sỹ của bạn về hình thức, thời gian tập thể dục.
Khi nào nên ngưng tập thể dục?
Bạn nên ngừng tập thể dục nếu bạn cảm thấy: đau ngực, đau lưng, đau vai, hoa mắt, chóng mặt, buồn nôn, khó thở, mệt, nhịp tim đập nhanh hoặc đập chậm… hoặc khi bạn thấy bạn bị nói ngắt quãng khi đang tập thể dục.