Tiêu chảy là một hiện tượng phổ biến và rất nhiều người sẽ bị ít nhất một hoặc hai lần một năm. Trong hầu hết các trường hợp, các triệu chứng sẽ biến mất trong vài ngày. Tuy nhiên, có những trường hợp tiêu chảy nặng nếu không được điều trị sẽ gây nguy hiểm đến sức khỏe. Tình trạng tiêu chảy gây ra hiện tượng mất nước, nếu kéo dài cũng gây ảnh hưởng không tốt đối với sức khỏe. Vậy người bị tiêu chảy cần ăn gì để nhanh phục hồi?
1. Các dạng tiêu chảy
Khi bị tiêu chảy, người bệnh đi tiêu (hoặc phân) lỏng và có nước. Tình trạng đi ngoài phân lỏng là từ nhiều hơn 3 lần trong ngày, màu sắc và tính chất phân có sự thay đổi, thậm chí có lẫn máu, được gọi là tình trạng tiêu chảy. Bệnh tiêu chảy có thể được chia thành những dạng sau:
Tiêu chảy cấp tính: Thường gặp ở cả ở trẻ em và người lớn. Nguyên nhân chính là do nhiễm khuẩn, phổ biến là do virus Rota. Bệnh có thể nhanh chóng diễn tiến nặng và gây hậu quả nghiêm trọng nếu không điều trị kịp thời. Tiêu chảy cấp tính là bệnh thường gặp khi thời tiết nắng nóng, vi khuẩn dễ xâm nhập vào cơ thể gây bệnh.
Tiêu chảy mạn tính: Tình trạng tiêu chảy diễn ra trong thời gian dài, có thể trong 2-4 tuần mà chưa chấm dứt.
Tiêu chảy thẩm thấu: Là tình trạng tiêu chảy mà bệnh nhân không hấp thu được chất dinh dưỡng như lactose, dẫn tới đầy bụng, tiêu chảy. Khi bạn ngừng ăn những thực phẩm có chứa chất này thì sẽ cải thiện được tình trạng tiêu chảy.
Tiêu chảy xuất tiết: Do sự rối loạn về chuyển tải ion ở tại tế bào ruột khiến tăng bài tiết và giảm hấp thu.
2. Nguyên nhân gây bệnh tiêu chảy
Có nhiều nguyên nhân gây bệnh tiêu chảy, trong đó có 2 nhóm chính là nhiễm độc tố của vi khuẩn, virus và do lỵ trực khuẩn qua thức ăn hàng ngày.
2.1 Tiêu chảy cấp do độc tố của vi khuẩn trong thức ăn
Khi ăn phải thức ăn chứa vi khuẩn có khả năng xâm nhập vào niêm mạc ruột và gây bệnh như Salmonella, kể cả thực phẩm tươi như thịt lợn, thịt gia cầm, sữa, trứng, hải sản, rau quả đều có thể chứa vi khuẩn Salmonella.
Hoặc khi ăn phải thức ăn có chứa độc tố của vi khuẩn đã hình thành sẵn trong thức ăn. Chính độc tố này đã gây bệnh tiêu chảy như: độc tố của tụ cầu vàng, Clostridium Perfringens, Clostridium Botulinum...
2.2 Tiêu chảy do lỵ trực khuẩn
Tiêu chảy do vi khuẩn Shigella gây ra, các triệu chứng của bệnh là đau bụng quặn, mót rặn, đi ngoài lờ máu cá hay như nước rửa thịt, có thể sốt. Nguồn lây vi khuẩn này là thức ăn và nước.
Tiêu chảy do tả là do vi khuẩn Vibrio cholerae gây nên. Biểu hiện lâm sàng đi ngoài nhiều lần/ngày, phân lờ lờ như nước vo gạo, không đau bụng, không sốt. Nếu không được chẩn đoán và điều trị đúng có thể nguy hiểm đến tính mạng người bệnh.
3. Dấu hiệu khi bị tiêu chảy
Bệnh tiêu chảy cấp thường gây ra một số triệu chứng giống nhau ở cả người lớn và trẻ em:
Số lần đi tiêu tăng lên bất thường, có thể đến hàng chục lần trong một ngày. Phân lỏng, thậm chí có thể toàn nước. Nếu phân lỏng, không kèm theo sốt và đau bụng, có thể là do nhiễm phải khuẩn tả.
Nếu phân có máu, thường kèm theo sốt là biểu hiện của viêm đại tràng do vi khuẩn xâm nhập.
Mất nước: Đây là dấu hiệu đặc trưng, khiến người bệnh cảm thấy mệt mỏi, vật vã, khô môi, trũng mắt, thậm chí là tụt huyết áp. Tình trạng mất nước ở người lớn thường khó phát hiện hơn ở trẻ em.
Buồn nôn: Nếu người bệnh nhiễm độc tố hoặc vi khuẩn, thường có biểu hiện nôn nhiều và đôi khi không kèm đau bụng nhưng không sốt. Nếu người bệnh bị nhiễm virus, thường nôn kèm đau quặn bụng và sốt nhẹ.
4. Nguyên tắc ăn uống cho người bị tiêu chảy cấp
Người mắc bệnh tiêu chảy thường phải đối mặt với tình trạng mệt mỏi, mất nước và chất điện giải. Chính vì vậy khi bị tiêu chảy, người bệnh cần có một chế độ dinh dưỡng tốt, hợp lý. Để đảm bảo dinh dưỡng, người thân cần chú ý những nguyên tắc khi lên thực đơn cho người bị tiêu chảy như sau:
Ăn thức ăn lỏng, dễ tiêu: Cho người bệnh ăn thức ăn lỏng, dễ tiêu để bù nước cho người bệnh. Sau khi tình trạng mất nước được cải thiện có thể chuyển ăn dần đặc hơn.
Ăn tăng dần: Người chăm sóc cần nâng dần khối lượng thức ăn nhằm đảm bảo cung cấp đủ nước, chất điện giải, vitamin và năng lượng cho người bệnh.
Tránh các loại thức ăn dễ lên men: Các loại thức ăn lên men như dua chua, cà muối… vô cùng có hại cho người bệnh mắc tiêu chảy chính.
Giờ ăn cũng rất quan trọng trong chế độ ăn uống: Cần ăn uống đúng bữa, khoa học. Có thể chia thành nhiều bữa nhỏ để người bệnh dễ hấp thu và tiêu hóa thức ăn tốt hơn.
5. Người bị tiêu chảy nên ăn gì và không nên ăn gì?
Người bệnh nên chú ý bù nước và điện giải bằng cách tăng cường uống nước lọc, oresol, nước rau quả; tránh sử dụng đồ uống có ga, chất kích thích hoặc các loại nước trái cây công nghiệp.
5.1 Những thức ăn tốt cho người bị tiêu chảy
Trứng: Đây là thực phẩm mềm và rất dễ ăn, lại chứa nhiều dưỡng chất. Trứng khi được nấu chín rất dễ tiêu hóa, giúp nhuận tràng và làm dịu các vấn đề ở đường ruột và tham gia vào chu trình sản xuất năng lượng của cơ thể.
Gạo: Khi bị tiêu chảy nên ăn những món ăn làm từ gạo như cơm trắng, cháo xay để giúp cung cấp năng lượng cho cơ thể, giúp hệ tiêu hóa làm việc nhẹ nhàng hơn.
Bánh mì: Tương tự như gạo, bánh mì cũng là nguồn cung cấp tinh bột tốt cho cơ thể, làm chậm quá trình tiêu hóa của dạ dày và làm giảm những triệu chứng của bệnh tiêu chảy.
Khoai tây nghiền: Là thực phẩm chứa nhiều nước và các chất điện giải, đặc biệt là hàm lượng vitamin C phong phú giúp tăng cường sức đề kháng, kháng viêm và làm giảm những cơn đau quặn thắt khi bị tiêu chảy.
Canh rau củ, canh súp hầm xương: Đây là những món ăn chứa nhiều chất dinh dưỡng, dễ ăn và giúp người bệnh được bổ sung một lượng nước thông qua việc uống canh.
Người bị tiêu chảy nên ăn hồng xiêm, măng cụt, chuối, táo, lựu, ổi, vải… giúp bổ sung vitamin C và khoáng chất cho cơ thể.
Bổ sung nước cũng rất quan trọng khi kiểm soát tiêu chảy, vì vậy mọi người nên uống nhiều nước trong suốt cả ngày.
5.2 Người bị tiêu chảy nên kiêng gì?
Những loại rau khó tiêu như súp lơ xanh, đậu, bắp cải và hành tây tạo cảm giác thấy đầy hơi và khó chịu.
Những thức ăn có nhiều chất béo hoặc thực phẩm chiên xào nhiều dầu mỡ sẽ gây tích trữ khí thừa trong đường ruột, khiến bạn đầy hơi, khó chịu và chướng bụng.
Đồ uống có cồn, có gas và thuốc lá, nước uống không đường không thích hợp với người bị tiêu chảy.
Sữa: Tránh các sản phẩm từ sữa cho đến khi tình trạng tiêu chảy được cải thiện. Ngay cả khi là người bình thường dung nạp lactose (loại đường có trong sữa), bạn có thể khó tiêu hóa hơn khi bị tiêu chảy.
Thức ăn cay: Các thành phần cay có thể hoạt động như chất kích thích trong hệ tiêu hóa. Những người đang bị tiêu chảy nên ăn những thức ăn nhạt, vì chúng có nguy cơ thấp nhất làm kích động hệ tiêu hóa.
Đồ chiên: Không nên ăn thức ăn có nhiều dầu mỡ khi đang khỏi bệnh tiêu chảy. Chất béo và dầu được bổ sung từ quá trình chiên rán có thể khó xử lý đối với hệ tiêu hóa nhạy cảm và có thể làm cho các triệu chứng tồi tệ hơn. Có thể thử ăn rau luộc hoặc hấp và protein nạc để thay thế.
Thực phẩm giàu chất xơ: Chất xơ giúp duy trì hoạt động của hệ tiêu hóa, nhưng khi cơ thể đang cố gắng phục hồi sau tiêu chảy, chất xơ có thể làm cho các triệu chứng tồi tệ hơn.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Hiểu đúng về sức đề kháng và cách tăng sức đề kháng