Hà Nội

Nên ăn gì khi mang thai và cho con bú?

01-09-2016 07:23 | Đời sống
google news

SKĐS - Khi mang thai, hầu hết các bà mẹ đều băn khoăn: ăn uống như thế nào để thai nhi phát triển tốt? Câu hỏi đó vẫn chưa khó bằng không nên ăn gì...

Khi mang thai, hầu hết các bà mẹ đều băn khoăn: ăn uống như thế nào để thai nhi phát triển tốt? Câu hỏi đó vẫn chưa khó bằng không nên ăn gì, uống gì vì nguy cơ gây hại cho thai. Vậy cụ thể ra sao? Bạn có thể tham khảo bài viết dưới đây:

Thật ra, mang thai là giai đoạn rất đặc biệt trong cuộc đời mỗi phụ nữ. Trong giai đoạn này, chỉ có vài nguyên tắc cần nhớ và tìm hiểu vai trò của một số dưỡng chất cần thiết cho hai mẹ con.

Năng lượng cần cho cả hai mẹ con chỉ tăng khoảng 10% so với nhu cầu hàng ngày (tức nhiều hơn khoảng 200 kcal/ngày). Bạn cần một chế độ ăn đa dạng chứ không phải nhiều là tốt.

Không có chế độ ăn riêng biệt nào cho phụ nữ mang thai, thay vào đó, bạn cần ăn nhiều rau, củ, ngũ cốc, sữa tách béo và các chế phẩm từ sữa, cá, thịt. Vì trẻ cần DHA, acid béo cho sự phát triển não bộ nên có thể ăn các loại cá như cá thu, cá hồi... để bổ sung các dưỡng chất này. Nếu không ăn được cá, bạn có thể sử dụng viên uống bổ sung omega-3, DHA (ít nhất 200-300mg/ngày).

Những thực phẩm nên tránh: thịt sống hay thậm chí thịt tái (có thể bị nhiễm giun, sán...), cá sống (shusi), các món có trứng sống (tiramisu); sữa tươi chưa được thanh trùng hay tiệt trùng. Bạn cần ăn rau, củ sau khi rửa thật sạch để loại bỏ các chất bảo vệ thực vật. Những thực phẩm “ăn vặt” như bánh ngọt, snack, nước ngọt... cần hạn chế. Nếu uống cà phê thì không nên quá 3 tách/ngày. Những thức uống có cồn, bia, rượu không nên sử dụng.

Nên ăn đầy đủ dinh dưỡng, đa dạng chứ không phải là tăng gấp đôi số lượng dẫn tới tăng cân quá mức.

Một số chất dinh dưỡng thiết yếu

Acid folic: Khi chuẩn bị mang thai hoặc vừa có thai, bạn cần bổ sung acid folic ít nhất 400μg mỗi ngày để phòng tránh các dị tật ống thần kinh cho trẻ. Việc bổ sung acid folic có thể kéo dài đến hết 3 tháng đầu thai kỳ. Ngoài viên uống bổ sung, bạn có thể ăn những thực phẩm chứa nhiều acid folic như bông cải xanh, rau chân vịt, sữa và các chế phẩm từ sữa, ngũ cốc thô, quả bơ...

Sắt: Bổ sung sắt giúp ngăn ngừa thiếu máu thiếu sắt trong thai kỳ. Sắt có nhiều trong thịt đỏ, một số loại rau, củ như rau muống, củ dền... Ngoài ra, bạn cần uống thêm nước trái cây chứa nhiều vitamin C để giúp tăng cường hấp thu chất sắt. Bạn cần tham khảo ý kiến bác sĩ theo dõi thai về việc bổ sung chất sắt nếu kết quả xét nghiệm máu đầu thai kỳ cho thấy bạn có dấu hiệu thiếu máu do thiếu sắt.

Iod: Khi mang thai và cho con bú, nếu thiếu iod có thể làm trẻ chậm phát triển thể chất và não bộ. Hàm lượng iod cần mỗi ngày trong giai đoạn mang thai và cho con bú là 100-150μg mỗi ngày. Iod có nhiều trong các loại cá biển, muối bổ sung iod. Nếu có bệnh lý chức năng tuyến giáp, bạn cần tham khảo ý kiến bác sĩ của mình.

Vitamin D: Vitamin D được hấp thu trực tiếp khi da tiếp xúc với ánh nắng, vì vậy cần cho trẻ phơi nắng sớm khoảng 10 phút mỗi ngày. Ngoài ra, bạn cần uống bổ sung vitamin D khoảng 800 đơn vị mỗi ngày.

Dinh dưỡng cho trẻ sau sinh

Nuôi con bằng sữa mẹ là giải pháp dinh dưỡng an toàn và tốt nhất cho trẻ. Sữa mẹ có đầy đủ các dưỡng chất thiết yếu giúp trẻ phát triển, có kháng thể giúp trẻ không hay giảm nguy cơ nhiễm khuẩn, có vitamin K giúp trẻ không bị xuất huyết não...

Trong trường hợp trẻ không bú mẹ mà sử dụng sữa công thức, bạn phải chọn loại sữa thích hợp với độ tuổi của trẻ. Sữa cho trẻ bú cần pha trong nước nấu sôi để ấm (không quá 40 độ C), pha ngay trước khi trẻ bú, không pha trữ sẵn vì nguy cơ sữa bị nhiễm khuẩn. Sữa mẹ trữ ngăn đông khi rã đông cần ngâm ấm trước khi cho trẻ sử dụng. Nếu ba mẹ hay anh chị của bé có tiền sử dị ứng, bạn nên hỏi bác sĩ nhi khoa những loại sữa công thức đặc biệt cho trẻ sử dụng trong 4 tháng đầu đời.

Trẻ có thể bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu. Chỉ cho ăn dặm khi trẻ được 6 tháng tuổi (nếu tập) cho ăn dặm cũng chỉ nên cho sớm nhất khi 17 tuần tuổi và muộn nhất là 26 tuần tuổi.


BS. Lê Tiểu My
Ý kiến của bạn