1.Khi bị cảm lạnh và cúm
Tắc mũi, ho và đau họng là những triệu chứng phổ biến của cảm lạnh và cúm. Các loại thực phẩm sau đây có thể giúp làm dịu tình trạng tắc nghẽn, viêm nhiễm và tăng cường hệ miễn dịch.
1.1 Các loại trà thảo mộc
Khi gặp các triệu chứng cảm lạnh và cúm, điều quan trọng là phải uống đủ nước. Trà thảo mộc có tác dụng giải khát và hít thở hơi nước của chúng có thể giúp làm sạch chất nhầy trong xoang.
Thêm nghệ xay vào cốc nước nóng có thể giúp giảm đau họng. Nghiên cứu cho thấy rằng nghệ có cả hai đặc tính chống viêm và sát khuẩn.
Lá trà có nhiều hợp chất thực vật tự nhiên, chẳng hạn như polyphenol, flavonoid và catechin. Chúng kích thích hệ thống miễn dịch. Đặc biệt, catechin có thể bảo vệ chống lại một số loại virus cúm.
Trà thảo mộc cung cấp nước và hít thở bằng hơi nước có thể giúp làm sạch chất nhầy trong xoang.
1.2 Mật ong
Đau họng là một triệu chứng phổ biến khi bị cảm cúm. Mật ong rất giàu chất kháng khuẩn giúp loại bỏ các loại nhiễm trùng.
Mật ong cũng có thể hiệu quả trong việc điều trị ho cho trẻ em, tuy nhiên không nên dùng cho trẻ sơ sinh dưới 12 tháng tuổi.
Một đánh giá được công bố vào năm 2018 đã so sánh mật ong với các loại thuốc trị ho thông thường không kê đơn cho trẻ em, giả dược và không điều trị… cho thấy, mật ong dường như có hiệu quả hơn diphenhydramine và salbutamol, là những loại thuốc thường được sử dụng trị ho. Mật ong cũng cho kết quả tương tự như dextromethorphan, một thành phần phổ biến trị ho khác.
Tuy nhiên, kết quả còn hạn chế vì hầu hết các nghiên cứu trong tổng quan chỉ xem xét các cơn ho cấp tính kéo dài 1 đêm.
1.3 Trái cây và quả mọng có múi
Trái cây họ cam quýt, chẳng hạn như cam, chanh và bưởi, chứa nhiều flavonoid và vitamin C. Những loại trái cây này làm giảm viêm và tăng cường miễn dịch, có thể giúp chống lại cơn sốt.
Một số nghiên cứu cho thấy rằng quercetin - một flavonoid - cũng được tìm thấy trong quả mọng, có thể giúp điều trị nhiễm trùng do virus rhinovirus. Loại virus này là nguyên nhân gây ra phần lớn các bệnh cảm cúm thông thường.
Nước trái cây đông lạnh thường có thể giúp làm dịu cơn đau họng.
1.4 Các thực phẩm cần tránh khi bị cảm lạnh và cúm
Nhiều người tin rằng sữa giúp tăng sản xuất chất nhầy, mặc dù có rất ít bằng chứng khoa học chứng minh điều này. Tuy nhiên, sữa có thể làm cho chất nhầy đặc hơn, có thể làm trầm trọng thêm tình trạng tắc nghẽn xoang.
Caffeine có thể gây mất nước, khiến tình trạng tắc nghẽn trở nên trầm trọng hơn. Tuy nhiên, một số đồ uống có chứa caffein, chẳng hạn như trà và cà phê, có chứa chất chống oxy hóa tăng cường miễn dịch và chúng có thể hữu ích ở mức độ vừa phải.
Rượu có thể làm mất nước và kích hoạt phản ứng viêm, có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng cảm lạnh và cúm.
2. Khi bị buồn nôn, nôn và tiêu chảy
Khi xuất hiện các triệu buồn nôn, nôn và tiêu chảy nên dùng các thực phẩm có tác dụng làm dịu dạ dày dưới đây sẽ giúp người bệnh lấy lại cảm giác thèm ăn.
2.1. Gừng
Nghiên cứu cho thấy gừng có thể giúp giảm tác động của buồn nôn và nôn, mặc dù cần có thêm nhiều nghiên cứu để xác nhận những phát hiện này.
Có thể pha trà gừng bằng cách thêm 1–2 thìa cà phê gừng tươi vào một cốc nước nóng. Đun trong 5 phút trước khi lọc hỗn hợp và làm ngọt với một ít mật ong.
Tránh uống rượu bia có ga vì có thể gây khó chịu thêm cho dạ dày.
Gừng có thể giúp giảm tác động của buồn nôn và nôn
2.2 Chế độ ăn BRAT giúp giảm rối loạn dạ dày
BRAT là viết tắt của: Chuối (Banana), gạo (Rice) nước sốt táo (Apple sauce) và bánh mì nướng (Toasted bread). Những thức ăn này nhẹ nhàng cho dạ dày.
Chế độ ăn giàu tinh bột và ít chất xơ, có thể có tác dụng tăng tốc độ phục hồi sau tiêu chảy.
Các loại thực phẩm khác có thể được thêm vào chế độ ăn kiêng BRAT như: Bánh quy giòn; cháo bột yến mạch; dưa hấu; khoai tây luộc... Nên bắt đầu từ từ, uống nước thường xuyên trong vài giờ đầu tiên, trước khi đưa vào các chất lỏng khác, chẳng hạn như nước táo. Nếu dạ dày vẫn ổn định, có thể an toàn để thử thức ăn BRAT rắn hơn.
Những người nhạy cảm với gluten nên đảm bảo chọn các loại không chứa gluten.
Thường người bệnh sẽ an toàn nếu trở lại chế độ ăn uống bình thường hơn sau khoảng 48 giờ.
2.3 Nước dừa
Đau bụng xảy ra khi niêm mạc dạ dày bị viêm. Nước dừa tốt cho bệnh dạ dày bởi nó có chứa hàm lượng tannin dồi dào, giúp làm giảm viêm, làm dịu niêm mạc dạ dày và làm giảm các cơn đau dạ dày hiệu quả.
Nước dừa cũng chứa nhiều khoáng chất như natri và kali, có thể giúp cơ thể bù nước nhanh chóng sau khi tiêu chảy hoặc nôn.
Một nghiên cứu phát hiện ra rằng, nước dừa có thể cung cấp mức độ hydrat hóa tương tự như một thức uống thể thao. Nó cũng tốt cho sức khỏe hơn, không chứa thêm đường…
2.4 Các thực phẩm cần tránh
Thức ăn nhiều dầu mỡ chứa nhiều chất béo, rất khó tiêu hóa và có thể gây kích ứng dạ dày, làm tình trạng buồn nôn trở nên trầm trọng hơn.
Ớt có chứa capsaicin, một chất hóa học có thể gây kích ứng niêm mạc dạ dày, gây đau và khó chịu.
Caffeine hoạt động như một chất kích thích cơ có thể gây co thắt dạ dày và tăng nhu động ruột.
Các sản phẩm từ sữa có chứa đường lactose có thể khó tiêu hóa sau khi tiêu chảy, gây đầy hơi và buồn nôn.
Chất làm ngọt nhân tạo có thể có tác dụng nhuận tràng.
3. Khi bị táo bón
Chìa khóa để giảm táo bón là tăng lượng chất xơ. Chất xơ có thể hòa tan hoặc không hòa tan.
- Chất xơ hòa tan giữ nước trong phân, làm cho phân mềm hơn và dễ đi ra ngoài. Nó cũng giúp nuôi dưỡng vi khuẩn đường ruột.
-Chất xơ không hòa tan bổ sung số lượng lớn vào phân, giúp làm sạch ruột.
Tuy nhiên, ăn nhiều chất xơ có thể gây dư thừa khí (đầy hơi). Do đó, nên tăng lượng chất xơ từ từ để tránh đầy hơi.
Chất xơ hòa tan cũng hấp thụ nhiều nước, vì vậy hãy nhớ uống nhiều.
3.1 Bột yến mạch và cám yến mạch
Một cốc bột yến mạch pha với nước chứa khoảng 4g chất xơ, cung cấp khoảng 16% lượng khuyến nghị hằng ngày của một người trưởng thành.
Bột yến mạch là một nguồn chất xơ tuyệt vời, có thể giúp giảm táo bón.
Trong khi bột yến mạch chỉ chứa mầm yến mạch thì cám yến mạch cũng chứa cả vỏ xơ. Do đó, nó cung cấp tới 5,7 gam chất xơ trên mỗi cốc, vì vậy cám yến mạch thậm chí còn tốt hơn cho tiêu hóa.
Yến mạch thô chứa nhiều chất xơ trong mỗi khẩu phần hơn yến mạch nấu chín và là một chất bổ sung tuyệt vời.
Điều quan trọng là phải giữ đủ nước khi ăn yến mạch khô. Chất xơ bổ sung từ trái cây trộn cũng sẽ giúp giảm táo bón.
3.2 Trái cây sấy khô
Tất cả các loại trái cây đều là nguồn cung cấp chất xơ dồi dào, nhưng trái cây khô, chẳng hạn như mơ, sung và mận khô, thường chứa hàm lượng chất xơ cao nhất.
Những loại trái cây này cũng chứa một chất nhuận tràng tự nhiên được gọi là sorbitol, giúp thúc đẩy nhu động ruột bằng cách thúc đẩy quá trình hydrat hóa các chất trong đường ruột, từ đó dễ dàng chuyển hóa thức ăn.
Mận khô và mơ cũng chứa polyphenol, có thể có lợi cho tiêu hóa bằng cách thúc đẩy sự phát triển của vi khuẩn đường ruột có lợi như Lactobacillus và Bifidobacterium… chống lại vi khuẩn có hại.
3.3 Hạt lanh
Do hàm lượng chất xơ hòa tan cao, hạt lanh đặc biệt tốt trong việc hỗ trợ nhu động ruột thường xuyên.
Đây cũng là một nguồn tuyệt vời của axit béo thiết yếu omega-3. Có một số bằng chứng cho thấy, axit omega-3 làm giảm tình trạng viêm ruột, có thể xảy ra sau khi bị táo bón kéo dài.
Lớp vỏ bên ngoài của hạt không thể tiêu hóa được, vì vậy nên ăn hạt lanh đã xay sẵn. Điều này sẽ cho phép cơ thể hấp thụ các chất dinh dưỡng có lợi.
Hạt lanh xay có thể được thêm vào cháo và sinh tố hoặc sử dụng trong làm bánh.
3.4 Các thực phẩm cần tránh
-Thực phẩm chế biến có xu hướng chứa nhiều chất béo, muối và ít chất xơ. Chất béo khó tiêu hóa, trong khi muối làm giảm độ ẩm trong phân.
-Các loại ngũ cốc đã qua chế biến, chẳng hạn như bánh mì trắng và gạo trắng, đã được loại bỏ cám và mầm… đây là những bộ phận cung cấp hàm lượng chất xơ cao nhất.
-Caffeine và rượu đều có thể gây mất nước, làm cạn kiệt lượng nước cần thiết để làm mềm phân.
Mời bạn xem thêm video:
Cảnh báo nguy cơ nhiễm độc thuốc giảm cân khi tự ý sử dụng