Đã nói đến dân kinh doanh, chuyện lời lãi luôn đặt lên hàng đầu, nhưng ông Lại Bá Ất lại ném qua cửa sổ hàng tỉ đồng vì mê sáng chế. Ông là tác giả của nhiều sáng chế như hệ thống cứu hộ, cứu hỏa, đập thông minh chống hạn...
Sẵn sàng bán nhà vì... sáng chế
Hệ thống cứu hộ cứu hỏa. |
"18 tháng thiết kế, thi công, hơn 1 tỉ đồng đấy", ông Ất chặc lưỡi chỉ vào đống thép đồ sộ của mình.
"Đống thép" đó là một chiếc cabin, bình thường, trông nó giống một khoang của chiếc thang máy dùng trong xây dựng, nhưng như một thứ trò chơi xếp hình, khi kéo ra, nó là một cái cabin 4 tầng cao non chục mét.
"Tôi thiết kế thiết bị cứu hộ cứu hỏa như một cabin thang máy chạy ngoài tòa nhà. Các anh còn nhớ vụ 11/9 ở Mỹ chứ? Nhà cháy mà lính cứu hỏa phải chạy cầu thang bộ trong tòa nhà thì vừa chậm, vừa nguy hiểm chứ còn gì nữa. Xe thang thì chỉ vươn không quá 12 tầng, mà tòa nhà thì hàng trăm tầng, nước ta nhà vài chục tầng bây giờ cũng đâu có ít. 300 lính cứu hỏa chết trong vụ ấy đấy.
Với thiết bị này, nhân viên cứu hộ không phải chạy trong tòa nhà, người bị nạn cũng giải thoát bằng đường ấy, giảm nguy hiểm, hiệu quả cứu hộ rất cao. Hơn thế, tòa nhà cao bao nhiêu thì thiết bị này cũng đến được nhờ hệ thống cáp được lắp trên nóc tòa nhà. Cabin lên được kéo lên bằng động cơ, mỗi giây chạy được từ 3 - 4m, nhanh gấp mấy lần anh lính cứu hỏa chạy trong cầu thang bộ. Đề phòng bất trắc như hỏa hoạn làm hỏng động cơ, tôi cho động cơ được lắp ngay trong cabin. Cabin cao 4 tầng để cùng một lúc, lính cứu hỏa có thể tiếp cận nhiều tầng của một tòa nhà", ông Lại Bá Ất cho biết thêm.
Công trình này được ông Ất làm đi làm lại đến mấy lần. Lần đầu, ông thử nghiệm một mô hình nhỏ, sử dụng động cơ của một chiếc xe máy. "Chiếc thang máy" chạy tốt, ông Ất "liều" mua hẳn một chiếc động cơ Toyota 1.800 phân khối giá hơn 100 triệu đồng, đóng cabin bằng một hệ thống cấu kiện sắt thép bền vững, có thể chịu nhiệt cao. Ông tiếp tục cải tiến mô hình ban đầu bằng việc lắp thêm bồn nước, với sức chứa từ 1-4m khối, lượng nước này có nhiệm vụ làm mát toàn bộ cabin, lắp thêm máy bơm để có thể hút nước từ mặt đất. 4 tầng của cabin có thể vận chuyển 12 nhân viên cứu hộ và 80 người bị nạn. Sau rất nhiều cải tiến, ông Ất đã đăng ký bản quyền sáng chế tại Cục Sở hữu trí tuệ cuối năm 2005. Sau đó, ông mời đại diện Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy Việt Nam đến để ông "trình diễn" thử.
Trong thời gian nghiên cứu chế tạo thiết bị cứu hộ, cứu hỏa, ông Ất đọc thông tin thấy người Israel cũng chế tạo một thiết bị cứu hộ, cứu hỏa tương tự như công trình của ông. Nhưng mỗi cabin họ bán với giá 1 triệu đô-la và hệ thống cabin này lắp cố định luôn tại tòa nhà. Ông Ất cho rằng thiết bị của mình ưu việt hơn hẳn. "Hệ thống của tôi chỉ yêu cầu mỗi tòa nhà cao tầng lắp đặt hệ thống dây cáp tùy theo độ lớn nhỏ, khi có hỏa hoạn xảy ra, cáp được thả xuống và nối với cabin. Chỉ cần chế tạo một số cabin là có thể dùng cho hàng trăm tòa nhà, vì khi cần mới dùng xe chuyên dụng chuyển đến, như vậy tiết kiệm được kinh phí sản xuất, kinh phí bảo dưỡng", ông Ất khẳng định.
Theo ông Ất, nếu bố trí thiết bị cứu hộ, cứu hỏa này hợp lý ở các khu chung cư, mỗi hộ gia đình tại một tòa nhà chung cư chỉ cần đóng vài trăm nghìn đồng là có thể sử dụng thiết bị này bất cứ khi nào.
"Tôi đã mời Cục Cảnh sát phòng cháy chữa cháy đến xem thử nghiệm. Cục Cảnh sát phòng cháy chữa cháy rất ủng hộ sáng kiến này. Tất nhiên, để đưa vào sử dụng thực tế, hệ thống này còn phải được cải tiến thêm. Nếu bên phòng cháy chữa cháy muốn tôi chứng minh hơn nữa khả năng cứu hộ, cứu hỏa của thiết bị, thì có phải bán nhà đi để làm thực nghiệm tôi cũng sẵn sàng", ông Ất tâm sự.
Mười năm không ngủ trước 2 giờ sáng
Ông Ất nguyên là một giảng viên Trường cao đẳng sư phạm Cần Thơ. Những năm 1990, ông rời trường chuyển sang kinh doanh, hiện ông là Giám đốc Công ty xây dựng và chuyển giao công nghệ Toàn cầu, một công ty có trụ sở tại đường Láng - Hà Nội.
Ông Lại Bá Ất bảo hàng chục năm nay, không mấy khi ông ngủ trước hai giờ sáng cả. Tôi cũng không tin lắm, cho đến khi bà vợ cằn nhằn: "Giám đốc gì ông ấy, suốt ngày chỉ vẽ với vời, đêm nào cũng lục đục tới mấy giờ sáng". Ghé thăm phòng làm việc của ông Ất, cũng thấy hoảng thật, khi đống đầu lọc thuốc lá tràn ra cả ngoài cái gạt tàn, vương vãi khắp nơi. Hai ngón tay ông vàng khè vì ám khói thuốc. Đó, dĩ nhiên là hệ quả của những phút giây căng thẳng suy nghĩ.
Nhưng đúng như phu nhân của ông nói, làm ăn thì ít mà làm những việc... trời ơi nào thì nhiều. Dĩ nhiên, bà vợ trách thế cũng là vì lo lắng cho sức khỏe ông chồng. Ham mê vẽ vời sáng chế, nhưng nhờ nhạy cảm kinh doanh, công ty ông vẫn làm ăn phát đạt.
Chuyện sáng chế của ông, bắt đầu từ mấy chục năm về trước, ngay từ hồi còn nhỏ, ông Ất đã có năng khiếu đặc biệt. Sau đó, ông học khoa Vật lý - Trường đại học sư phạm Hà Nội. Người gốc Thái Bình, nhưng số phận đưa đẩy ông vào miền Nam. Làm ăn yên ổn rồi, nhưng thấy xa quê, xa vợ con lại khăn gói ra Bắc, làm lại quy trình lập nghiệp.
Khi gạch bông ở thời hoàng kim, ông Ất là chủ một xưởng sản xuất lớn. Máu sáng chế sẵn có trong con người khiến ông tạo ra được một hệ thống dây chuyền sản xuất gạch bông hiện đại. Cỗ máy này khiến cho một viên gạch bông được làm ra chỉ mất vài giây, từ lúc ép, đến lúc in màu. Xin lưu ý rằng, vào thời điểm ông phát minh ra dây chuyền này, hầu hết các cơ sở sản xuất gạch bông đều trộn xi măng, cát, sau đó pha màu và ép thủ công bằng tay.
Những tưởng sẽ phất vì cỗ máy hiện đại đó thì ông Ất đã gần như gục hoàn toàn: Đúng vào lúc ông cho cỗ máy hoạt động, thì tiếng chuông báo tử cho gạch bông đã điểm, khi gạch granít xuất hiện. Bao nhiêu tiền của đầu tư cho máy móc đổ xuống sông xuống biển! Nguyên nhân của thất bại là do quá mải nghiên cứu, ông "quên" không theo dõi thông tin thị trường, khi có loại gạch mới ra đời. Tất nhiên, ông không bao giờ lặp lại sai lầm này nữa.
Muốn nghiên cứu, muốn sáng chế, phải có kinh tế. Và ông bắt tay vào làm kinh tế, để thực hiện mong muốn của mình. Bà vợ ông nói, những sáng chế của ông Ất mang tính... trời ơi, không hẳn không có lý, vì nó khiến của cải trong nhà thay nhau đội nón ra đi, mà không đem lại ích lợi gì cho gia đình.
Sau sáng chế hệ thống cứu hộ, cứu hỏa, ông Ất tiếp tục đến Cục Sở hữu trí tuệ đăng ký một phát minh... động trời khác: Xây dựng một con đập đặc biệt, có thể tự tháo lắp dễ dàng để ngăn sông! Ông gọi sáng chế của mình là "đập thông minh". Theo ông nếu đưa vào thực hiện, thì việc chống hạn ở đồng bằng sông Hồng chỉ còn là... chuyện nhỏ. Sau khi đăng ký, ông còn gửi một báo cáo lên Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ý tưởng của mình. Một chuyên gia ở Viện Khoa học thủy lợi cho rằng đó là một dự án có cơ sở khoa học.
Nguyên lý hoạt động của đập thông minh được ông mô tả rất đơn giản: Các thùng sắt được đặt song song ngang dòng sông và được chằng néo xuống sông có chiều cao lớn hơn khoảng cách từ đáy sông đến mặt nước cần nâng cao khoảng một mét trở lên. Các thùng này được chở nổi đến vị trí xây dựng đập và đánh chìm rồi cố định xuống lòng sông. Khe hở giữa các thùng được lấp đầy bằng các bao cát. Cát được lấy từ đáy sông bơm vào các bao này.
Khi dỡ đập, các bao này được xé ra cho cát chảy vào lòng sông. Với hệ thống đập mềm trên, mực nước lúc cần có thể dâng lên từ 2-3m. Khi đó, về cơ bản, có thể giải quyết vấn đề nước tưới cho vùng đồng bằng ven sông Hồng vào mùa khô hạn.
Ông Ất cho biết đã tính toán kỹ về khả năng chịu lực của kết cấu đập tràn cũng như những giải pháp bảo đảm cho giao thông thủy lợi. Đập thông minh khác đập thông thường ở chỗ, nó có thể được lắp đặt và tháo đi một cách dễ dàng, nhanh chóng và không gây cản trở dòng chảy. Theo ước tính của ông, lắp đặt hệ thống đập này cho cả sông Hồng tốn chưa đến 150-160 tỷ đồng.
Ông Lại Bá Ất còn nhiều sáng chế khác, đáng kể trong đó có sáng chế mà ông đặt tên là đê chắn sóng phao dù cánh cản. Đây là một loại đê "mềm", được đặt ở trên biển, nó có tác dụng giảm thiểu lực tác động của những con sóng lên đê biển, qua đó giúp đê biển không bị vỡ trước những con sóng lớn trong mùa mưa bão. Một ứng dụng khác của con đê này, là được thả ra và quây quanh những con tàu, khi có giông bão đột ngột xảy ra, làm giảm cao độ của sóng, giúp tàu không bị đánh chìm.
Những sáng chế của ông Ất, như lời ông tâm sự, nhằm giảm thương vong khi hỏa hoạn, giảm thiệt hại cho người dân mà không hề tính đến lợi nhuận. Hệ thống cứu hộ cứu hỏa là một ví dụ, ông không hề tiếc hơn 1 tỷ bỏ ra, mà chỉ lo công trình của mình không được ứng dụng. Ông rất mong được các cơ quan hữu trách quan tâm, để hợp tác nghiên cứu, phát triển thêm những sáng chế của mình. Hình như chờ đợi tín hiệu từ các cơ quan trong nước quá lâu, ông Ất dự định giới thiệu sản phẩm của mình lên một số kênh thông tin báo chí nước ngoài. Ông cho rằng, có thể khi một quốc gia nào đó ứng dụng hệ thống này của ông, người trong nước sẽ quan tâm hơn. Ông bảo, trong khi chờ đợi, cứ thấy hỏa hoạn, cứ nhìn thấy bà con oằn lưng chống hạn, ông lại đau lòng...
Lam Sơn