Nhưng qua những sự việc liên quan đến ngành y như vậy, được truyền thông nhiệt tình đăng tải, xã hội được một phen "ném đá" ngành y thì thật là oan quá. Thật không oan khi bị ném đá dữ dội như vậy đối với những người bê bối, những sự việc đáng bị chê trách. Nhưng ngành y đâu phải hoàn toàn gồm những người như vậy.
Trong ngành y còn rất nhiều thầy thuốc hết lòng với nghề thương yêu bệnh nhân, làm việc vì nghiệp… Chê trách ngành y quá, "ném đá" tơi bời, chẳng khác nào thời trung cổ hay ở những nước hồi giáo có hình phạt "ném đá" cho đàn bà ngoại tình, "ném đá" vào phù thủy….Như vậy thì bất công cho những người thầy thuốc, nhân viên y tế đang thực hành ngành y một cách lương thiện quá. Nào là những tua trực thức trắng mà thù lao không bao nhiêu, nào là chăm sóc bệnh nhân HIV, nào là nguy cơ nhiễm bệnh từ bệnh nhân trong khi ngành y không đủ điều kiện bảo vệ che chắn tốt cho nhân viên y tế rồi về nhà lây cho gia đình chồng con. Nào là những nhân viên chăm sóc cho bệnh nhân tâm thần, trẻ sơ sinh, người già, bệnh nhân lao, bệnh nhân phong…họ âm thầm làm việc bất kể ngày đêm, nói chung ở những vị trí mà không có tình thương thì không thể nào làm việc được, đa số họ vì nghiệp vì lòng thương yêu bệnh nhân, thương đồng loại mà có thể trụ lại lâu dài trong cái nghề cao quí này. Thế mà họ lại bị vạ lây, thật không công bằng chút nào !
Không thể đánh đồng một số mặt tiêu cực của ngành y Việt Nam , với những mặt tích cực của nó, điều đó là chắc chắn. Nói gì thì nói, ngành y vẫn đang có những mặt tích cực mà rõ ràng nhất là giá chữa trị ở Việt Nam là rất rẻ. Có nơi nào trên thế giới giá một lần khám bệnh tại phòng khám là 0,5 USD, giá 1 lần siêu âm là 1 USD, chi phí cho một cuộc đại phẫu 1 tuần nằm viện 100-200 USD…
Mổ xẻ những tiêu cực trong ngành y thì nhiều nhiều lắm. Nhưng rõ ràng tất cả điều có tính tương đối hết. Tâm lý của người đi chợ thì lúc nào cũng muốn mua một món hàng “vừa ngon vừa rẻ”, nhưng có được đâu. Việc ném đá ngành y tới tấp, mà chủ yếu ném đá vào y đức của bác sĩ. Bác sĩ là những người cuối cùng trong hệ thống y tế tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân. Nhưng có ai nghĩ là bác sĩ cũng là một nghề như bao nghề khác, cũng nằm trong một hệ thống quản lý chung. “Y đức” đâu phải chỉ cần nhìn vào bác sĩ là đủ, phải nhìn rộng hơn. “Y đức” còn là chính sách của chính phủ đối với bệnh nhân, cách dùng tiền của chính phủ vào khoảng nào trong hệ thống y tế nữa, chi tiêu y tế, nó có hợp lý không? Nó là cái “y đức” vô cùng lớn, hay có người nói vui là “lãnh đạo đức” nó cũng góp phần không nhỏ vào cái “y đức” của bác sĩ như mọi người thường thấy.
Vấn đề là nằm ở chính sách, triết lý của ngành y nước ta hiện nay như thế nào. Cái đó thuộc vào tầm quản lý vĩ mô của nhà nước. Mong xã hội nhìn nhận việc nào ra việc đó, chứ đừng “quơ đũa cả nắm” như hiện nay. Cứ cái tình hình như hiện nay rất nguy hiểm cho công tác chữa trị bệnh nhân, dù muốn hay không, nó cũng đang diễn ra hằng ngày, đâu có thể nào dừng lại được. Lòng tin của bệnh nhân đã mất đối với ngành y, mà bệnh nhân vẫn phải bị bệnh hàng ngày thì thử hỏi làm sao có sự hợp tác giữa bệnh nhân - thầy thuốc để thầy thuốc có thể làm tốt nhiệm vụ của mình được.
BS.Phan Văn Hoàng
Mọi bài vở tham gia diễn đàn xin gửi về email: bandientuskds@gmail.com. Các bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, không phải quan điểm của tòa soạn. Trân trọng cảm ơn!