Ném đá lên tàu hỏa sẽ bị xử lý như thế nào?

13-07-2024 12:38 | Pháp luật
google news

SKĐS – Ném đá lên tàu là hành vi đặc biệt nguy hiểm, không chỉ gây thiệt hại, hư hỏng tàu mà còn có thể gây thương tích, đe dọa tính mạng của những người có mặt trên tàu.

Ngày 12/7, thông tin từ Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) cho hay, một lái tàu trên tuyến đường sắt Hà Nội - Lào Cai bị người dân ném đá gây chấn thương nặng khi đang điều khiển đầu máy.

Cụ thể, lúc 23h55 ngày 10/7, tàu hỏa H2705 đi trên tuyến đường sắt Hà Nội - Lào Cai, khi qua xã Mậu Đông (Văn Yên, Yên Bái) bất ngờ phụ lái Nguyễn Văn Quân (53 tuổi) bị người dân ném đá trúng vào đầu, chảy nhiều máu.

Lái tàu còn lại cố gắng đưa tàu về đến ga Mậu Đông lúc 0h04 ngày 11/7 để đưa nạn nhân đi Bệnh viện Mậu A cấp cứu. Tàu H2705 đỗ ga Mậu Đông gần 2 giờ để chờ phụ lái tàu khác đến thay thế.

Theo cập nhật của VNR, sáng 12/7, Công an Yên Bái đã bắt được đối tượng ném đá vào lái tàu.

Ném đá lên tàu hỏa sẽ bị xử lý như thế nào?- Ảnh 1.

Lái tàu bị chấn thương đầu sau cú ném đá. Ảnh: VNR

Liên quan đến sự việc nêu trên, thạc sĩ, luật sư Hoàng Thị Hương Giang – Đoàn luật sư TP. Hà Nội nhận định, có thể thấy hành vi ném đá lên tàu, gây thương tích cho lái tàu là hành vi đặc biệt nguy hiểm, xâm phạm nghiêm trọng đến sức khỏe, tính mạng của lái tàu.

Không chỉ vậy, hành vi này còn đe dọa an toàn đường sắt, có nguy cơ xảy ra tai nạn đường sắt, đe dọa tính mạng, sức khỏe của hành khách và những người có mặt trên tàu, có thể gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản của nhà nước. Bởi vậy, cơ quan chức năng sẽ khẩn trương vào cuộc, xác minh, điều tra làm rõ hành vi để có căn cứ xử lý theo đúng quy định pháp luật.

Theo đó, cơ quan điều tra chức năng điều tra, làm rõ các đối tượng thực hiện hành vi, làm rõ nguyên nhân, động cơ, mục đích thực hiện hành vi. Đồng thời, giám định thương tích của người bị hại để xử lý theo quy định.

Nếu kết quả xác minh cho thấy các đối tượng này có hành vi ném đá nhằm mục đích gây thương tích cho lái tàu, thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Cố ý gây thương tích, theo quy định tại Điều 134 Bộ luật hình sự.

"Theo quy định tại Điều này thì người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, d, đ, e, g, h, i, k, l, m, n và o khoản 1 Điều này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm, hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

Trong trường hợp phạm tội gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, d, đ, e, g, h, i, k, l, m, n và o khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ 2 năm đến 5 năm.

Phạm tội gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%, thì bị phạt tù từ 4 năm đến 7 năm,....", luật sư Hoàng Thị Hương Giang cho hay.

Luật sư Hoàng Thị Hương Giang cũng cho biết thêm, ngoài ra, đối tượng còn phải bồi thường thiệt hại cho người bị hại bao gồm chi phí hợp lý cho việc khám chữa bệnh, thu nhập thực tế bị mất, bồi thường tổn thất tinh thần, chi phí cho người chăm sóc,... theo quy định Bộ luật dân sự.

Ném đá lên tàu hỏa sẽ bị xử lý như thế nào?- Ảnh 2.

Thạc sĩ, luật sư Hoàng Thị Hương Giang. Ảnh: NVCC.

Ném đá vào tàu hỏa có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản

Cũng theo luật sư Hoàng Thị Hương Giang, nếu người ném đá lên tàu gây thiệt hại, hư hỏng tàu thì cần xác định giá trị tài sản bị thiết hại. Nếu có hành vi hủy hoại tài sản hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản giá trị từ 2.000.000 đồng, thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản theo quy định tại Điều 178 Bộ luật hình sự.

"Người nào hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định khoản 1 Điều này, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng. Đồng thời, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

Theo khoản 2,3,4 Điều 178 Bộ luật hình sự, trong trường hợp gây thiệt hại tài sản giá trị từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng thì bị phạt tù từ 2-7 năm; gây thiệt hại cho tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng, thì bị phạt tù từ 5-10 năm; gây thiệt hại cho tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 10-20 năm", luật sư Hoàng Thị Hương Giang thông tin.

Xem thêm bài viết:

Lao ra đường ray chụp ảnh khi tàu hỏa đang chạy: Phản văn hóa cần "cấm không lý do"Lao ra đường ray chụp ảnh khi tàu hỏa đang chạy: Phản văn hóa cần 'cấm không lý do'

SKĐS - Ngày 18/6, mạng xã hội chia sẻ đoạn video một cô gái liều lĩnh lao ra giữa đường ray tại phố cà phê đường tàu đoạn qua Phùng Hưng (phường Hàng Bông, quận Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội), tạo dáng khi tàu hỏa đang lao tới khiến người xem thót tim.


Quỳnh Mai
Ý kiến của bạn