Hà Nội

Nellie Bly: Nhà báo giả điên thâm nhập trại tâm thần để viết phóng sự điều tra

10-08-2021 08:02 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Lịch sử báo chí thế giới và Mỹ nói riêng đã ghi danh nữ nhà báo Nellie Bly, ngòi bút tiên phong trong lĩnh vực báo chí điều tra và nữ quyền những năm cuối của thế kỷ 19.

Bút danh "Cô gái mồ côi cô đơn" là ai?

Nellie Bly (1864 - 1922) được thế giới biết đến và nhớ ơn bởi những hoạt động không mệt mỏi cho nữ quyền, còn báo chí nói riêng có thêm bước nhảy vọt về thể loại báo chí điều tra

Bà là một phụ nữ can trường vì đã giả điên để nhốt mình trong trại tâm thần, điều tra, tố cáo sự ngược đãi đối với phụ nữ.

Nellie Bly: Nhà báo giả vờ điên thâm nhập nhà thương viết phóng sự - Ảnh 1.

Nữ nhà báo Nellie Bly

Nellie Bly tên đầy đủ là Elizabeth Cochrane Seaman, là nhà báo, nhà sáng chế và nhân viên từ thiện người Mỹ. Bà sinh ngày 5 tháng 5 năm 1864, ở Cochran's Mills, nay thuộc ngoại ô Pittsburgh, Pennsylvania. Cha bà, ông Michael Cochran là công nhân sau đó trở thành một doanh nhân, có nhà máy đặt tại Pennsylvania.

Sinh ra trong một gia đình công nhân bình thường nhưng Nellie tại ưa văn chương. Thời của bà, phụ nữ gần như không có cơ hội làm các công việc dành cho nam giới, nên việc theo đuổi sự nghiệp báo chí của bà cũng có khá thăng trầm, bi hài. 

Nghe nói, sau khi Cochrane và gia đình chuyển đến Pittsburgh tình cờ bà đọc một chuyên mục mang tính suy luận cao trên tờ Pittsburgh Dispatch, bài viết tựa đề "What Girls Are Good For" (Con gái thì giỏi cái gì). 

Bài báo mở màn cuộc chiến chống lại trào lưu phụ nữ đòi quyền bình đẳng giới. Tác giả khẳng định, phụ nữ nên tập trung vào vai trò làm vợ, làm mẹ, lính canh ngọn lửa gia đình thay vì những việc quan trọng của đàn ông.

Nellie Bly: Nhà báo giả vờ điên thâm nhập nhà thương viết phóng sự - Ảnh 2.

Trại thương điên Lunatic nơi bà Nellie giả điên sống 10 ngày để viết phóng sự điều tra

Với bút danh "Cô gái mồ côi cô đơn" (Lonely Orphan Girl) bà Nellie Bly đã viết bài báo đáp trả lại quan điểm này và gửi lại cho tờ báo nói trên. Sau khi đọc bài viết, tổng biên tập George Madden vô cùng ấn tượng, mời bà đến tòa soạn làm việc. Sau khi được nhận vào làm việc toàn thời gian cho Pittsburgh Dispatch, Nellie Bly đã lấy tên cố định là "Nellie Bly", bút danh này lấy cảm hứng từ bài hát nổi tiếng "Nelly Bly" của Stephen Foster.

Nellie Bly, tiên phong trong báo chí điều tra và nữ quyền

Nellie Bly bắt đầu viết những bài báo điều tra về công việc của phụ nữ làm trong các nhà máy. Tuy nhiên, ban biên tập Pittsburgh Dispatch lại phân bà đảm nhận trang dành cho phụ nữ, chuyên về thời trang, xã hội và làm vườn. Điều này không hợp với sở trường nên Nellie Bly đã bỏ tòa soạn đi du lịch với tư cách là một phóng viên nước ngoài. Sáu tháng ở Mexico, bà đã viết nhiều bài báo lên án chế độ độc tài, chính quyền Mexico đe dọa sẽ bắt giữ nên bà đã nhanh chóng trở về Pittsburgh.

Những năm cuối thế kỷ XIX, quan niệm xã hội phổ biến cho rằng phụ nữ chỉ thích hợp với công việc bếp núc và sinh con. Nellie Bly đã quyết tâm làm những "công việc đàn ông" để chứng minh cho mọi người thấy, phụ nữ không chân yếu tay mềm như nhiều người nghĩ. Muốn viết những tác phẩm đề cập đến phụ nữ, Nellie Bly bắt đầu tìm kiếm giấy phép để giúp bà viết những tác phẩm nghiêm túc hơn.

Năm 1896, bà chuyển đến New York. Là một phụ nữ, Nellie Bly cảm thấy vô cùng khó khăn khi tìm việc. Sau khi giả vờ bị tâm thần trong 10 ngày, bà đã cho ra đời một phóng sự điều tra có tên "10 ngày trong nhà thương điên", khiến tờ New York World (NYW) chú ý, đăng tải liên tục 6 phần, được độc giả đánh giá cao.

Nellie Bly: Nhà báo giả vờ điên thâm nhập nhà thương viết phóng sự - Ảnh 3.

Hình ảnh mô tả cuộc sống trong trại thương điên Lunatic

"10 ngày trong nhà thương điên" (Ten Days in a Mad-House) nhanh chóng đưa Nellie Bly trở thành một "hiện tượng" báo chí nổi tiếng nước Mỹ. Phương pháp tiếp cận thực tế của Nellie Bly đã phát triển thành một phương thức hiện được gọi là báo chí điều tra. Một loạt bài viết của Nellie Bly liên quan đến việc điều tra những tin đồn xoay quanh trại thương điên Lunatic (Lunatic Asylum).

Để có được ấn phẩm mang hơi thở cuộc sống, Nellie Bly chấp nhận thử thách giả điên để được đưa vào trại 10 ngày. Một phóng viên trẻ 23 tuổi đã hoàn thành tốt nhiệm vụ, làm cho thế giới biết những điều mà trước đây bị bưng bít, không ai dám lên tiếng. 

Trước khi vào trung tâm, Nellie Bly đã đến gõ cửa ông John Cockerill, giám đốc tờ NYW để báo cáo. Khi nghe trình bày xong, ông TBT chết lặng vì thực tế chưa bao giờ một nữ phóng viên lại dám làm một công việc mà đàn ông cũng không dám làm.

Theo đánh giá của NYW, Nellie không chỉ là nhà báo tuyệt vời, mà còn là một nữ diễn viên cừ khôi, can đảm. Bởi vì để vào bệnh viện tâm thần bà phải giả vờ, nhưng sự giả vờ này thật đến mức mọi người đều tin bà là một người bị rối loạn tâm thần nghiêm trọng. 

Sau khi được sự đồng ý của John Cockerill, Nellie Bly đã dành 3 ngày liên tục tập trước gương những hành vi của kẻ tâm thần, sau đó thuê nhà tại khu ổ chuột. 

Tại đó, nữ phóng viên tự hành xác bằng chiêu trò la hét và huyên thuyên kể những câu chuyện cực kỳ phi lý và ngớ ngẩn. Cuối cùng, những người hàng xóm buộc phải gọi cảnh sát và họ tống Nellie Bly "điên rồ" vào trại thương điên đặt trên đảo Blackwell.

Vào trại, Nellie Bly tận mắt chứng kiến cảnh những người tâm thần, đặc biệt là phụ nữ phải sống trong điều kiện cực kỳ khủng khiếp. 

Người bệnh tranh nhau chỗ ở với chuột, gián, kiến... Mùa đông lạnh giá, mùa hè nóng bức, thức ăn ôi thiu, nước uống ô nhiễm bẩn. Các nữ y tá áp dụng phương pháp chữa trị từ thời trung cổ. 

"Nhân viên y tế đánh đập tôi bằng cán chổi và thường xuyên giẫm đạp lên thân thể người bệnh. Có lần họ làm gãy xương sườn của tôi. Họ trói tay, trói chân tôi, dùng ga trải giường trùm kín đầu và buộc thắt nút ở cổ để tôi không thể kêu to...", Nellie Bly nhớ lại.

Loạt phóng sự của Nellie Bly đăng tải, không chỉ bệnh viện tâm thần trên đảo Blackwell bị đóng cửa và toàn bộ ban giám đốc, nhân viên y tế tại cơ sở bị kỷ luật. 

Cuốn sách của Nellie Bly đã gây ra nhiều tranh cãi, đồng thời gióng lên hồi chuông về vấn đề an toàn cho bệnh nhân trong bệnh viện. 

Chính phủ Mỹ đã vào cuộc điều tra, "...nhiều bệnh nhân trông bề ngoài dường như hoàn toàn khỏe mạnh nhưng tình trạng bệnh thì thật khủng khiếp", Nellie Bly khẳng định. 

Nhờ điều tra của bà, chính quyền TP New York phải thành lập quỹ 1 triệu USD để chăm sóc những người mất trí và kể từ đó chất lượng trong trại thương điên Lunatic đã được cải thiện đáng kể.

Nellie Bly: Nhà báo giả vờ điên thâm nhập nhà thương viết phóng sự - Ảnh 4.

Nellie Bly với tư cách bệnh nhân của trại thương điên Lunatic

Chưa hài lòng với "10 ngày trong nhà thương điên", Nellie Bly lại tiếp tục ý tưởng phá kỷ lục "80 ngày vòng quanh thế giới" của nhà thám hiểm do Julius Verne hư cấu. Đây là cuộc đua do tạp chí Cosmopolitan tổ chức. 

Cuối năm 1888, với số tiền 1.000 USD tạm ứng của tòa soạn này, nữ phóng viên 24 tuổi một mình lên đường. Nellie Bly thực hiện chuyến đi bằng xe lửa, xích lô, tàu thủy. Bà lần lượt ghé qua Anh, Pháp, Sri Lanka, Trung Quốc, Nhật Bản và Singapore...

 Cứ 2 ngày, bà lại đều đặn gửi bài viết về những gì được chứng kiến trên chặng đường đã qua. Ngày 25 tháng Giêng 1889, sau 72 ngày, 6 giờ, 11 phút và 14 giây, Niellie Bly đã cập bến New York, về trước cả đồng nghiệp nữ, nhà báo Elizabeth Bisland tới 4 ngày.

Danh tiếng của Niellie Bly lan ra toàn cầu. Bà trở thành hình mẫu cho nữ quyền, một nhà hoạt động tích cực vì quyền của phụ nữ. Với báo chí, Nellie được cho là một trong những người đi tiên phong về thể loại báo chí điều tra. Nielle Bly viết báo liên tục đến ngày 27 tháng Giêng 1922 và qua đời ở tuổi 57 vì bệnh viêm phổi.

Nellie Bly: Nhà báo giả vờ điên thâm nhập nhà thương viết phóng sự - Ảnh 5.

Trang nhất của tờ New York World (Thế giới New York) số ra 26 tháng Giêng 1890, đăng phóng sự điều tra của Nellie Bly

Vài nét về nữ nhà báo Nellie Bly

- Nghề nghiệp: nhà báo, nhà văn. Chuyên viết phóng sự điều tra, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em

- Xuất bản nhiều ấn phẩm phi hư cấu (tổng hợp các phóng sự trên báo): Tiêu biểu như Ten Days in a Mad-House (1887); Six Months in Mexico (1888), The Mystery of Central Park (1889)... Nhiều tác phẩm của bà đã được dựng thành phim.

- Năm 1998, Nellie Bly được lưu danh trên Đại sảnh Danh vọng Phụ nữ Quốc gia. Nellie Bly là một trong bốn nhà báo được in hình trên con tem bưu chính Mỹ.

- Được dựng tượng nghệ thuật tại đảo Roosevelt năm 2019.

- Câu nói nổi tiếng của Nellie Bly "Tôi chưa bao giờ viết một từ mà không xuất phát từ trái tim mình".

- Nellie Bly qua đời vì bệnh viêm phổi ngày 27/1/1922 tại New York



Khắc Nam
Ý kiến của bạn