Trao đổi với PV Báo Sức khoẻ & Đời sống chiều 1/4, ông Lê Đăng Duy, Đội trưởng Đội TT-AT của Cục Quản lý đường bộ 1 (Tổng cục Đường bộ Việt Nam) cho biết: Để bảo vệ mặt cầu Thăng Long sau phản ánh của Báo Sức khoẻ & Đời sống về tình trạng xe quá tải hoạt động rầm rộ do trạm cân "tê liệt", từ đầu năm 2022 đến nay, lực lượng TTGT của Cục Quản lý đường bộ 1 đã tiếp tục phối hợp với Thanh tra Sở GTVT Hà Nội kiểm soát, xử lý các phương tiện quá tải trọng.
Tuy nhiên, do có Tổ công tác và Trạm cân tải trọng hoạt động 24/24 ở ngay đầu cầu Thăng Long nên lái xe thường đi đi đường vòng.
Đây là lý do trong thời gian vừa qua xe trọng tải lớn lưu thông qua cầu Thăng Long rất ít trong khi đó lại hoạt động như "trẩy hội" trên cầu Nhật Tân.
Cụ thể, theo ghi nhận của phóng viên lộ trình trục đường Vành đai 3 trên cao đi Quốc lộ 2, cầu Nhật Tân, đường Võ Nguyên Giáp, đường Võ Văn Kiệt và các huyện ngoại thành phía Bắc của Hà Nội luôn xuất hiện các phương tiện xe tải hạng nặng như: Howo, Dongfeng, xe đầu kéo, rơmoóc… chở vật liệu xây dựng hoạt động.
Đặc điểm chung của các phương tiện này đều có dấu hiệu cơi nới thành thùng, chở vật liệu phế thải có ngọn, không che bạt kín làm rơi vãi đất đá gây bụi bẩn, ô nhiễm môi trường, gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông.
Điều đáng nói, nhiều phương tiện như xe BKS: 29H-720.63; 29C-549.05; 29C-193.19; 29C-857.42, 29H-458.95; 29C-002.82... lưu thông trên đường có dấu hiệu vi phạm an toàn giao thông nhưng không bị kiểm tra, xử lý. Thậm chí những chiếc xe tải chở "cơi thùng, có ngọn" vật liệu xây dựng còn thoải mái hoạt động qua khu vực tổ TTKS của Đội CSGT số 15 (Phòng CSGT, Công an Hà Nội) đang làm nhiệm vụ.
Tiếp nhận phản ánh, Đội TTGT huyện Sóc Sơn (Thanh tra Sở GTVT Hà Nội) đã cử tổ công tác phối hợp cùng phóng viên ngăn chặn vi phạm. Tuy nhiên, nhiều lái xe không chấp hành, tìm mọi cách chống đối lực lượng chức năng.
Điển hình là xe tải BKS: 29H-002.67, rơ mooc: 22R- 004.22, khi tổ công tác yêu cầu cho xe lên cân tải lưu động để kiểm tra thì tài xế cố thủ trên xe khiến giao thông qua khu vực này bị ùn ứ.
Bằng nhiều biện pháp nghiệp vụ, sau gần 8 tiếng đồng hồ thuyết phục, lái xe mới chấp hành cân tải trọng với kết quả cân xe chở vượt quá 150%. Căn cứ kết quả cân tải trọng, lực lượng chức năng đã lập biên bản, hoàn thiện thủ tục xử lý vi phạm.
Theo quy định, Điều 24 Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định về mức xử phạt người điều khiển xe ô tô tải, máy kéo và các loại xe tương tự xe ô tô vận chuyển hàng hóa vượt trọng tải có tỉ lệ quá tải trên 150% sẽ bị xử phạt 8.000.000 đồng đến 12.000.000 đồng.
Ngoài ra, khi xe vượt quá tải trọng cho phép, không chỉ người điều khiển xe mà cả chủ xe cũng sẽ bị xử phạt. Cụ thể, xe có tỉ lệ quá tải trên 150%, đối với cá nhân sẽ bị xử phạt từ 18.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng; đối với tổ chức sẽ bị xử phạt từ 36.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng; kèm theo hình phạt bổ sung tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 3 đến 5 tháng.
Báo Sức khỏe & Đời sống sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc!