Được coi như là một lãnh đạo "cứng rắn" và "sẵn sàng gây chiến tranh với Pa-le-xtin bất kì lúc nào", Thủ tướng I-xra-en Ben-gia-min Nê-ta-ni-a-hu từng bị chính cựu Tổng thống I-xra-en Si-môn Pê-rét coi là người phá hỏng thỏa thuận hòa bình với Pa-le-xtin và đẩy tiến trình hòa bình Trung Đông rơi vào ngõ cụt.
![]()
|
Thủ tướng I-xra-en B. Nê-ta-ni-a-hu. Ảnh: AP |
Chính sách "ba không"
Ông Nê-ta-ni-a-hu, sinh năm 1949, tại Ten A-víp. Khi lên 14 tuổi, gia đình ông chuyển đến Mỹ và định cư tại bang Pen-xin-va-ni-a, nơi ông tốt nghiệp tại trường PTTH Chen-ten-ham. Trở về I-xra-en, sau một thời gian ngắn làm người phụ trách marketing trong một công ty nội thất, Nê-ta-ni-a-hu được chỉ định làm cấp phó cho ông Mô-sê A-ren tại Đại sứ quán I-xra-en ở Oa-sinh-tơn, năm 1982. Sau đó, ông Nê-ta-ni-a-hu trở thành Đại sứ I-xra-en tại Liên hợp quốc, giữ chức vụ này từ năm 1984 đến năm 1988. Năm 1988, Nê-ta-ni-a-hu được bầu vào Quốc hội I-xra-en và trở thành lãnh đạo đảng Li-cút trong một cuộc bầu cử sơ bộ năm 1993.
Năm 1996, người dân I-xra-en lần đầu tiên trực tiếp bầu ra Thủ tướng của mình. Và điều bất ngờ đã xuất hiện khi Nê-ta-ni-a-hu giành thắng lợi trước ứng cử viên nặng ký Si-môn Pê-rết, trở thành Thủ tướng đầu tiên của I-xra-en sinh ra sau khi Nhà nước I-xra-en được thành lập. Sau đó, Nê-ta-ni-a-hu còn hai lần giữ chức Thủ tướng trong các nhiệm kỳ 2009-2013 và từ 2013 đến nay.
Trong thời kì làm Thủ tướng I-xra-en từ năm 2009-2013, ông Nê-ta-ni-a-hu nhấn mạnh một chính sách "ba không" với Pa-le-xtin: Không rút quân khỏi cao nguyên Gô-lan, không đàm phán trường hợp Giê-ru-xa-lem, không đàm phán với bất kỳ điều kiện tiên quyết nào. Chính sách này của ông Nê-ta-ni-a-hu đã đẩy Nhà nước Do Thái này đến chỗ "gần như bị cô lập hoàn toàn". Không chỉ bị các nước A-rập trong khu vực nghi ngờ, Ten A-víp còn rơi vào căng thẳng với Mỹ. Thậm chí, Thủ tướng Nê-ta-ni-a-hu còn bị phe chính trị cánh tả tại I-xra-en phản đối và cũng mất sự ủng hộ của người dân I-xra-en.
Những cuộc gặp bí mật
Thực tế, trong ba nhiệm kỳ nắm giữ chức Thủ tướng I-xra-en, ông Nê-ta-ni-a-hu đã tiến hành nhiều cuộc đàm phán với phía Pa-le-xtin, song không có cuộc đàm phán nào thu được kết quả khả quan. Theo tiết lộ của tờ "Thời báo I-xra-en", Thủ tướng I-xra-en Ben-gia-min Nê-ta-ni-a-hu và phụ tá của ông với đại diện Pa-le-xtin đã có các cuộc gặp bí mật cách đây ba năm. Nguồn tin này cho biết, những cuộc gặp bí mật giữa I-xra-en và Pa-le-xtin bắt đầu từ tháng 9-2010, kết thúc vào khoảng tháng 2-2011, bao gồm các cuộc tiếp xúc giữa đặc phái viên của Thủ tướng Ben-gia-min Nê-ta-ni-a-hu là Y. Môn-chô và người đứng đầu Ủy ban điều hành Tổ chức Giải phóng Pa-le-xtin (PLO) Y-a-xơ A-bét Ra-bô.
Theo ông Ra-bô, từ tháng 9-2010 đến đầu năm 2011, ông đã tiếp xúc với ông Môn-chô, đặc phái viên của Thủ tướng Nê-ta-ni-a-hu, khoảng 10 lần. Tại các cuộc tiếp xúc này, Ra-bô và các đại diện I-xra-en thảo luận rất nhiều vấn đề khác nhau, trong đó có cả những vấn đề nổi cộm như việc xây dựng nhà ở trong các khu định cư, vấn đề đường biên giới trước năm 1967 và vấn đề người tị nạn, thung lũng Gioóc-đan… Nhưng do không tìm được tiếng nói chung nên các cuộc tiếp xúc dần dần đi vào lối mòn, không mang lại kết quả như mong muốn.
Chỉ có một kết quả duy nhất từ các cuộc tiếp xúc sơ khởi đó chính là việc ông Môn-chô sắp xếp cho ông Ra-bô tiếp xúc với Thủ tướng Nê-ta-ni-a-hu. Lần hội kiến duy nhất giữa ông Ra-bô với Thủ tướng Nê-ta-ni-a-hu diễn ra vào ngày 15-2-2011, tại nhà riêng của ông Môn-chô ở Ca-ê-xa-rê-a, miền Trung I-xra-en, kéo dài trong 2,5 giờ. Đây là cuộc tiếp xúc theo mục đích của ông Ra-bô là nhằm xác định với Thủ tướng Nê-ta-ni-a-hu về vấn đề đường biên giới và an ninh I-xra-en, trước khi hai bên có thể tiến xa hơn trong việc đàm phán toàn diện về hòa bình và giải pháp hai Nhà nước.
Vấn đề đầu tiên thảo luận là việc người Pa-le-xtin tị nạn được trở về nơi chôn nhau cắt rốn của mình ở Gia-pha. Lúc đầu, Thủ tướng Nê-ta-ni-a-hu phản đối quyết liệt, nhưng sau đó dịu giọng và "hứa" sẽ cho phép người Pa-le-xtin tị nạn hồi hương trên đất I-xra-en, sau khi tiến trình đàm phán hòa bình kết thúc. Theo lời ông Ra-bô, khi đó, Nê-ta-ni-a-hu có vẻ như muốn bắt đầu đàm phán trở lại với Pa-le-xtin để tiến tới một giải pháp hòa bình. Hai bên đã nhất trí sẽ cử đoàn đàm phán "trong vòng vài ngày nữa". Thế nhưng, Ra-bô đợi mãi vẫn không thấy hồi âm nào từ Nê-ta-ni-a-hu. Sau một năm chờ đợi mà vẫn không thấy phía I-xra-en có động tĩnh gì, ông Ra-bô đã nhắn tin thông qua trung gian là một bên thứ ba cho Thủ tướng Nê-ta-ni-a-hu nhắc lại lời hứa ông đã đưa ra một năm trước, nhưng ông Nê-ta-ni-a-hu tiếp tục không có phản hồi.
Ngoài ra, Thủ tướng Nê-ta-ni-a-hu cũng đã nói chuyện trực tiếp với các Tổng thống Pa-le-xtin Y-a-xơ A-ra-phát, Ma-mút Áp-bát vài lần nhằm xác định lập trường quan điểm, các điều kiện đàm phán giữa hai bên. Rốt cuộc các cuộc nói chuyện này cũng chẳng giúp ích gì cho việc thảo luận tiến xa hơn trong các vấn đề liên quan, do Thủ tướng Nê-ta-ni-a-hu vẫn một mực không chấp nhận đóng băng việc xây dựng nhà ở trong các khu định cư ở khu Bờ Tây và Đông Giê-ru-xa-lem.
Tháng 1-2013, sau khi ông Ben-gia-min Nê-ta-ni-a-hu tái cử chức Thủ tướng nhiệm kỳ ba, Tổng thống I-xra-en khi đó là ông Si-môn Pê-rết đã lên tiếng chỉ trích ông Nê-ta-ni-a-hu làm đổ vỡ một thỏa thuận hòa bình với Pa-le-xtin hồi năm 2011. Phát biểu trên truyền hình I-xra-en khi đó, ông Pê-rết tuyên bố, ông và Tổng thống Pa-le-xtin Ma-mút Áp-bát đã gặp nhau nhiều lần hồi năm 2011, trong nỗ lực mở một kênh đàm phán bí mật. Hai bên nhất trí được tất cả các điểm và một thỏa thuận gần như đã ở trong tầm tay. Tuy nhiên, Thủ tướng Nê-ta-ni-a-hu đã thuyết phục ông chờ đợi, bởi cho rằng, ông Tô-ni Ble, đặc phái viên của nhóm Bộ Tứ về hòa bình Trung Đông có thể đưa ra "một đề nghị tốt hơn". Tuy nhiên, nhiều ngày trôi qua mà không có bất kỳ đề xuất nào. Lý do dẫn tới sự trì trệ này là do Chính phủ của ông Nê-ta-ni-a-hu không chấp nhận những điều khoản mà lãnh đạo I-xra-en và Pa-le-xtin đã đàm phán.
Đó chính là một trong những nguyên nhân khiến hòa bình Trung Đông dậm chân tại chỗ từ nhiều năm nay.
Theo Biên Phòng