Hà Nội

NATO thu hút thành viên mới và lo ngại của nước Nga

26-07-2018 07:24 | Quốc tế
google news

SKĐS - Tổ chức hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) có mối quan hệ ngày càng gần gũi với Thụy Điển, Phần Lan , có ý định mở rộng sang phía Đông với kế hoạch kết nạp 2 nước láng giềng với Nga là Georgia và Ukraine khiến cho nước Nga đang “đứng ngồi không yên”.

Lực lượng quân sự NATO ở châu Âu tăng chóng mặt

Chưa bao giờ số quân của lực lượng NATO ở châu Âu liên tục tăng và tăng rất nhanh như hiện nay. Trong các cuộc tập trận ở Đông Âu gần đây, số máy bay đã tăng gấp 10 lần trong 5 năm qua, từ chỗ chỉ có khoảng 11 máy bay, giờ đây các cuộc tập trận NATO có tới 101 máy bay chiến đấu tham gia. Nếu năm 2014, quy mô quân đội NATO chỉ có vỏn vẹn 2000 người thì nay đã tăng lên 15.000 binh sĩ.  Từ đầu năm tới nay, với hơn 100 cuộc tập trận đã có sự tham gia của 80.000 binh sĩ, đây  là một con số  làm đau đầu  nước Nga.

Các cuộc tập trận quân sự của NATO ngay sát biên giới khiến Nga lo ngại

Điều gây lo ngại  hơn cả là NATO đang bắt tay với những quốc gia kề cận với Nga về địa lý như Ukraine và Georgia. Mới đây nhất, thông tin  Thụy Điển và Phần Lan  ký một hiệp ước với NATO, theo đó, Thụy Điển và Phần Lan sẽ tham gia các cuộc tập trận của NATO và sử dụng hệ thống kiểm soát vũ khí của NATO, đổi lại NATO sẽ có quyền tiếp cận không phận và lãnh hải 2 nước này. Động thái này  khiến Nga cảm thấy bất ổn về an ninh, nhất là trước  khả năng 2 quốc gia châu Âu này cũng muốn gia nhập liên minh  . Nga cho biết, một khi Moscow bị đe dọa,  nước này  sẽ có những hành động đáp trả tương xứng.

Bên cạnh đó, NATO đã thành lập 5 trung tâm điều hành không gian mạng ở châu Âu bao gồm Phần Lan, Estonia, Ba Lan, Đức, Pháp khiến cho mối hoài nghi an ninh của Nga thêm chồng chất.  Về phần mình, Nga cũng triển khai hàng loạt binh sĩ và lực lượng tới biên giới phía Tây, nơi mà Mỹ và các đồng minh NATO đang tăng cường sức mạnh quân sự.

Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergeu Shoigu cho biết, từ năm 2016, Nga đã thành lập hơn 70 đơn vị quân đội và đội hình gồm 2 sư đoàn, 3 lữ đoàn , khoảng 5000 vũ khí và trang thiết bị quân sự hiện đại nhất đã được vận chuyển tới khu vực đó. Bộ tư lệnh quân đội ở phía Tây tiếp giáp với các nước Ba Lan, các nước Baltic, Phần Lan, Na uy.

Nguy cơ xung đột ở châu Âu

Mặc dù ít có khả năng, nhưng nhiều nhà phân tích dự đoán, nguy cơ  xung đột không được loại trừ.  Bởi sau vụ Nga sáp nhập Crimea, nhiều nước châu Âu như Thụy Điển, Ba Lan, Na uy, Latvia, Estonia, Lithuania đều bày tỏ lo ngại rằng Nga có thể có những động thái tương tự ảnh hưởng tới chủ quyền quốc gia của họ. Nên việc tìm kiếm một “cái phao” bảo vệ lúc  này là điều dễ lý giải, hơn hết NATO   lại  xuất hiện đúng nơi và đúng thời điểm.  Thậm chí một số quốc gia châu Âu đã sẵn sàng bỏ tiền hoặc tăng cường hợp tác quân sự với Mỹ và NATO. Đơn cử như Ba Lan đã đề nghị chi 2,7 tỷ USD cho Mỹ  để quân đội Mỹ hiện diện quân sự trên lãnh thổ của mình hay Nauy cho biết, sẽ tăng gấp đôi sự hiện diện quân sự của nước ngoài ở biên giới vào đầu năm tới.

Nga tuyên bố sẵn sàng đáp trả nếu bị đe dọa an ninh

Trong khi NATO cáo buộc, Nga đang triển khai tên lửa có khả năng mang đầu đạn hạt nhân tới khu vực Kaliningrad, sát biên giới với thành viên NATO, khiến tổ chức này lo ngại Nga sẽ tăng cường quân sự hóa ở khu vực Baltic, thì ở phía bên kia biên giới, các cuộc tập trận quân sự của NATO tại châu Âu  liên tiếp diễn ra, cộng thêm những cuộc chạy đua vũ trang,  khiến căng thẳng giữa Nga và NATO ngày càng gia tăng, làm dư luận liên tưởng tới nguy cơ sắp xảy ra xung đột ở khu vực.

Bộ trưởng Quốc phòng Nga Shoigu đã chỉ rõ chiêu bài của NATO, rằng tổ chức này đang thúc đẩy sự hiện diện quân sự của mình ở Đông Âu, nhằm ngăn chặn Nga trở thành một đối thủ cạnh tranh địa chính trị . Các bước đi hiện nay của phương Tây  dẫn tới phá hủy hệ thống an ninh của thế giới, xói mòn lòng tin giữa các quốc gia. Theo Tổng thống Nga V. Putin, chìa khóa để bảo đảm an ninh và sự ổn định tại châu Âu nằm ở việc tăng cường hợp tác và khôi phục lòng tin, thay vì thành lập thêm các căn cứ quân sự mới và xây dựng cơ sở hạ tầng quân sự của NATO ở gần biên giới Nga như đang diễn ra hiện nay.


Hải Yến
Ý kiến của bạn