
Binh sĩ NATO tập trận tại khu vực biên giới giữa Na Uy và Phần Lan ngày 9/3/2024. Ảnh: AFP/TTXVN
Theo tờ Izvestia của Nga, NATO ngày 12/5 đã bắt đầu cuộc tập trận quân sự quy mô lớn tại Phần Lan, dự kiến kéo dài đến ngày 31 tháng này. Đáng chú ý, cuộc tập trận có sự tham gia của cả Thụy Điển và Anh, với tổng số binh sĩ lên tới khoảng 7.000 quân và nhân viên. Mục tiêu chính của cuộc tập trận là huấn luyện khả năng tác chiến hỏa lực gián tiếp, cũng như triển khai trực thăng tấn công và thiết bị bay không người lái (UAV) ở khu vực phía Bắc.
Đánh giá về cuộc tập trận trên, chuyên gia quân sự Nga Vadim Kozyulin cho rằng NATO đang nỗ lực hệ thống hóa các kỹ năng và kinh nghiệm thu được từ cuộc xung đột ở Ukraine. Ông nhận định: "Họ đã nhận ra rằng các UAV mà liên minh đang sử dụng đã trở nên lạc hậu. Công nghệ quân sự đang phát triển với tốc độ chóng mặt trong 'chiến dịch quân sự đặc biệt' của Nga. Có thể nói, Ukraine đã trở thành một 'bãi thử nghiệm' cho các thiết bị và vũ khí tiên tiến, đặc biệt là UAV. Giờ đây, NATO phải tính đến việc xây dựng lực lượng thiết bị bay không người lái, điều mà Kiev đang thực hiện".
Việc Phần Lan gia nhập NATO gần đây không phải là một sự thay đổi hoàn toàn bất ngờ, bởi trên thực tế, quốc gia này đã duy trì mối quan hệ đồng minh chặt chẽ với khối quân sự do Mỹ đứng đầu thông qua việc tổ chức các cuộc tập trận chung thường xuyên. Tuy nhiên, theo đánh giá của chuyên gia Kozyulin, quy mô lớn của cuộc tập trận hiện tại chính là yếu tố làm gia tăng căng thẳng và được xem là một mối đe dọa đối với Nga.
"Chúng ta cần thể hiện một phản ứng thích đáng. Hiện tại, chúng ta sẽ chỉ quan sát những gì họ làm và đưa điều đó vào tính toán. NATO liên tục tuyên bố rằng họ chỉ thực hiện các kịch bản phòng thủ, nhưng các cuộc tập trận mà họ tổ chức cũng bao gồm các hành động phù hợp với các hoạt động gây hấn", ông Kozyulin nhấn mạnh.
Trong nhiều năm, cả Thụy Điển và Phần Lan đều duy trì chính sách trung lập, xây dựng mối quan hệ láng giềng tốt đẹp với Liên Xô trước đây và sau này là với Nga. Chính sách này đã mang lại lợi ích kinh tế và chính trị đáng kể cho cả hai quốc gia. Tuy nhiên, ông Sergey Ordzhonikidze, cựu Thứ trưởng Ngoại giao Nga, chỉ ra rằng tình hình hiện tại đã thay đổi: "Hiện tại, họ đã công khai thể hiện lập trường chống Nga, chịu ảnh hưởng từ Anh và các cường quốc Tây Âu khác. Đặc biệt, việc gia nhập NATO là một bước ngoặt".
Ông Ordzhonikidze đặt câu hỏi về những lợi ích thực sự mà Thụy Điển và Phần Lan nhận được khi gia nhập NATO: "Họ nhận được gì để đổi lại? Không gì ngoài việc phải tuân thủ sự lãnh đạo quân sự và chính trị của khối. Điều này không củng cố an ninh của họ mà còn làm suy yếu nó. Nga chưa bao giờ gây ra mối đe dọa cho các quốc gia này. Ngược lại, chúng tôi luôn tôn trọng sự trung lập của họ". Ông Ordzhonikidze cảnh báo: "Cần phải nhớ rằng bất kỳ hành động thù địch nào chống lại một quốc gia như Nga chắc chắn sẽ dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng".
Cuộc tập trận quy mô lớn của NATO dọc biên giới Nga diễn ra trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị khu vực đang ở mức cao. Dù NATO khẳng định đây là hoạt động mang tính phòng thủ, quy mô và sự tham gia của các thành viên mới như Phần Lan rõ ràng làm dấy lên những lo ngại và nghi ngờ từ phía Moskva.