NATO tập trận “khủng “ để bảo vệ đồng minh?
Lấy danh nghĩa là huấn luyện để bảo vệ đồng minh trong trường hợp bất cứ một thành viên NATO nào bị tấn công từ bên ngoài, nhưng đằng sau cuộc tập trận này là ‘lời cảnh tỉnh” cho các quốc gia đang muốn đối đầu với Mỹ và NATO.
Cuộc tập trận có tên gọi Trident Juncture 18 (Liên kết đinh ba 18) với sự tham dự của 29 quốc gia thành viên, và cả những quốc gia không phải là thành viên NATO như Thụy Điển, Phần Lan. Sẽ có 45.000 binh sĩ , 150 máy bay, 60 tàu chiến và khoảng 10.000 phương tiện quân sự sẽ tham gia các bài diễn tập. Cuộc tập trận thu hút sự quan tâm, chú ý của dư luận không chỉ bởi quy mô của nó mà còn ở địa điểm sẽ diễn ra cuộc tập trận. Địa điểm được lựa chọn là tại miền Trung và Đông Nauy, ngay sát nước Nga. Tổng thông Nauy Rune Jakobsen trấn an Nga rằng các cuộc tập trận cách biên giới Nga tới 1000km, nên không có lý do gì khiến nước Nga cảm thấy lo lắng bởi đây chỉ là một cuộc diễn tập phòng thủ.
Cuộc tập trận lớn nhất của NATO trong 20 năm qua sẽ có sự tham gia của 31 quốc gia.
Thời gian diễn ra những trận đánh giả định sẽ bắt đầu từ ngày 25/10 đến 7/11, nhưng ngay từ khi thông tin cuộc tập trận được tiết lộ, Nga đã lên tiếng phản đối. Bên cạnh đó, cuộc tập trận quy mô lớn của NATO diễn ra sau cuộc tập trận lớn nhất trong lịch sử hiện đại của Nga với sự tham gia của 300.000 binh sĩ, tương đương với 1/3 quân số của quân đội Nga khiến người ta liên tưởng đến màn phô trương sức mạnh qua lại giữa hai “ kỳ phùng địch thủ”. Dù đã được mời tới quan sát cuộc tập trận nhưng Nga chưa chính thức nhận lời.
Cuộc tập trận có mục tiêu tăng cường khả năng phòng thủ, phối hợp giữa các nước, phản ứng trước các mối đe dọa từ “bất kỳ hướng nào”. Chỉ huy lực lượng Mỹ ở châu Âu, Đô đốc James Foggo cho biết, cuộc tập trận Liên kết đinh ba sẽ có tác dụng răn đe đối với bất kỳ lực lượng nào đang có ý muốn vượt qua những đường biên giới của NATO, nhưng không nhằm vào một quốc gia cụ thể nào.
Liên kết đinh ba có có “đổ thêm dầu vào lửa” giữa căng thẳng Nga - NATO?
Nga và NATO đang rơi vào một cuộc đối đầu căng thẳng nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh, nhất là thời gian gần đây, đôi bên đều “động binh” khiến cộng đồng quốc tế lo ngại bùng nổ một cuộc xung đột trong khu vực. Những mâu thuẫn trong vấn đề sáp nhập bán đảo Crimea, Ukraine, khiến NATO “quay lưng” với Nga. Hay việc điều hàng nghìn binh sĩ đến các khu vực sát biên giới nước Nga khiến Moscow cảm thấy bị uy hiếp. Và điều gì đến đã đến, Nga thực hiện cuộc tập trận chưa từng có, chứng tỏ tiềm lực quân sự vô cùng mạnh của mình trước các nước phương Tây.
Tàu sân bay của Mỹ sẽ tới Nauy tham gia cuộc tập trận Liên kết đinh ba 18.
Thêm vào đó, NATO còn tăng cường các hoạt động ở khu vực sườn phía Đông, triển khai lực lượng ở Đông Âu và các quốc gia Baltic. Về phần mình, Nga cũng tăng tần suất các cuộc tập trận ở khu vực biên giới phía Tây nhằm phản ứng trước các mối đe dọa từ láng giềng. Căng thẳng đôi bên lên đến đỉnh điểm khi mới đây, NATO cáo buộc Nga đang phát triển một hệ thống tên lửa tự hành cho phép tấn công hạt vào châu Âu. Thậm chí Mỹ đe dọa sẽ phá hủy hệ thống này. Đại sứ Mỹ tại NATO, bà Kay Bailey Hutchison cho biết, nếu một nước đồng minh trong NATO bị tấn công, Mỹ sẽ xem xét phá hủy tên lửa trước khi nó hoạt động. Và Nga đang vi phạm Hiệp ước lực lượng hạt nhân tầm trung ký năm 1987.
Phản ứng trước những tuyên bố của Mỹ, người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho biết, những lời lẽ của Mỹ mang tính hiếu chiến, và trong trường hợp bất khả kháng, Nga cũng không ngại đối đầu với NATO. Làm thế nào để gỡ mâu thuẫn ngày càng nhiều thêm giữa Nga và NATO? Một giải pháp ngoại giao đang được đôi bên tính đến, nhưng dường như giữa ” nói và làm” còn có một khoảng cách trong mối quan hệ giữa Nga và NATO, nguy cơ quay lại thời kỳ Chiến tranh Lạnh ngày một hiện hữu.