Nát rừng, có biết rưng rưng...

06-10-2018 09:04 | Xã hội
google news

SKĐS - Bất kể mưa nắng, những cánh rừng ở Đăk Lăk vẫn liên tục bị xâm hại bởi lòng tham vô đáy của các đối tượng muốn nhanh hốt bạc từ rừng, khiến nỗi lo âu lùa vào ánh mắt thẫn thờ, tiếc nuối của hàng triệu người.

Cùng với sự ngang ngược, manh động của lâm tặc, nhiều cái bắt tay ngầm đầy tinh vi của nhiều cán bộ trong việc chiếm dụng và san nhượng đất rừng đã khiến “lá phổi xanh” liên tục lâm “trọng bệnh”.

Teo tóp lá phổi xanh

Theo số liệu thống kê, chỉ 3 năm trở lại đây, Đăk Lăk đã có hơn 10.000 héc ta rừng bị chặt phá, lấn chiếm trái phép. Nhiều địa bàn đã thành điểm nóng như: Huyện Ea Súp, Ea H’Leo, Krông Bông, Cư M’gar, Buôn Đôn, Ma Đ’rắk... Hàng trăm héc ta đất rừng khó có khả năng thu hồi. Riêng năm 2017 đến nay đã có hơn 1.000 vụ vi phạm lâm luật. Nhiều vụ tàn phá rừng tàn khốc, nghiêm trọng như: Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Ea Kar để phá 1,6 héc ta rừng làm rẫy; UBND xã Ea Bung (huyện Ea Súp) để phá 20 hécta rừng tại tiểu khu 238; Vườn Quốc gia Yok Đôn luôn tục để xảy ra phá rừng quý hiếm...

Nhiều cánh rừng ở Ea Súp bị phá, chiếm luôn đất để sang nhượng.

Nhiều cánh rừng ở Ea Súp bị phá, chiếm luôn đất để sang nhượng.

Đứng bên UBND xã Cư M’lan (huyện Ea Súp), nhìn những cánh rừng xao xác len lỏi trên những thửa đất còn ẩn hiện nhiều dấu tích của những gốc cây cổ thụ, già làng Ka Minh cứ quặn lên những nghẹn ngào về điều thiêng liêng, đã mất đi mãi mãi. Lửa từ điếu thuốc tự quấn bén vào tay lúc nào không hay, ông giật mình, thảng thốt: Rừng tàn rồi, sông suối cũng cạn khô, sức khỏe con người không còn được như trước. Từ những cánh rừng trụi lá này, chúng tôi cảm nhận được tiếng trở mình của những mạch nguồn thiên nhiên. Đó là sự nóng lên của thời tiết, sự cuồng nộ của dông bão, sự khắc nghiệt của nắng hạn. Những bầy chim cũ, loài thú cũ muốn chúng quay về chỉ còn là ước vọng, bởi mỗi năm mất đi hàng ngàn héc-ta rừng từ nơi này đến nơi khác. Trong nỗi trầm sâu bất lực của bao người còn ẩn nỗi trăn trở.

Những ngày đắm mình trong rừng già Ea Súp để cảm nhận sự mát trong từ thiên nhiên “tẩm bổ” cho sức khỏe của mình giờ cũng chỉ còn trong dĩ vãng, nhà văn Nguyễn Hoàng Thu chua xót: Nơi đây vốn là vùng trọng điểm về rừng quý, rừng tự nhiên. Xưa đi vào là thấy sảng khoái giờ thì bức bối. Những đêm sáng bừng ngọn lửa củi, những nghệ nhân cồng chiêng gõ nhịp hòa cùng giai điệu bài “Mừng khách đến” với niềm vui hân hoan đón chào du khách giờ cũng im vắng dần vì còn đâu không gian rừng cây nữa mà diễn. Biết bao bản nhạc, bài cồng chiêng nói lên tình ý chân thật của người với người, người với thiên nhiên chẳng thể nào lọt vào tai những kẻ mang tâm địa phá rừng. Người bản địa các dân tộc Tây Nguyên nói chung, Đăk Lăk nói riêng bao đời sống vui thanh thản, có bến nước sông đầy kề cạnh buôn làng, có rừng cây xanh vây quanh nương rẫy, giờ đây cả không gian sinh tồn rộng lớn thiếu vắng bóng cây chim thú và dòng sông đó đây vơi cạn theo tháng ngày, thì đời sống tương lai sẽ ra sao. Rừng tan nát, mật ong, dược liệu cũng mất, cả con cá sông cá suối cũng hiếm hoi, cạn kiệt.

Trong những lúc hoang mang vì sự đảo điên của mưa nắng, đã có thời điểm, hàng trăm người dân miền biên giới Ea Súp cứ khản đặc giọng quê triền miên đêm này qua đêm khác cầu mong mưa gió thuận hòa. Nhưng sự cuồng nộ vẫn không chịu nhượng bộ, mưa vẫn xối theo đất đá từ những quả đồi trọc vào nhà.

Rồi, ít ngày trước, buôn làng nhận tin UBND tỉnh Đăk Lăk sẽ chuyển tài liệu về hơn 130 mét khối gỗ quý không có hồ sơ hợp pháp của ông Trần Ngọc Quang (nguyên Chủ tịch UBND huyện Ea Súp) dùng để xây “biệt phủ” nguy nga giữa huyện nghèo càng khiến cho nhiều người ngậm ngùi. Nhiều bàn tay quanh năm cần cù nương rẫy, giơ lên bấm đốt, nhẩm đếm, bao nhiêu cây rừng quý mới ra được “biệt phủ” ấy, bao năm đứng đầu huyện mà còn có khối lượng gỗ khủng không hợp pháp, vậy gỗ đó ở đâu ra...

Cận kề Ea Súp, rừng xanh ở huyện Cư M’gar cũng liên tục thành “miếng mồi” ngon cho các đối tượng xâu xé. Cầm bản báo cáo còn nóng hổi trên tay, ông Nguyễn Văn Sỹ, Trưởng ban Bảo vệ và Phát triển rừng xã Ea Kiết (huyện Cư M’gar) trầm ngâm: Rừng mất đúng là ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và đời sống của nhân dân, mất cả cân bằng và đa dạng sinh thái. Nhưng bảo vệ được thì nan giải lắm. Chỉ riêng trong 8 tháng của năm 2018 ở xã đã phát hiện 19 vụ vi phạm lâm luật. Trong đó xã phối hợp với kiểm lâm, công an bắt giữ và xử lí 16 vụ vi phạm (08 vụ vận chuyển, 05 vụ cất giấu, tàng trữ, 3 vụ chiếm đất rừng). Mất vậy cũng xót nên ráo riết theo dõi.

Ông Kiều Thanh Hà (bên phải): Sẽ phân cấp để lãnh đạo xã, huyện phải chịu trách nhiệm nếu mất rừng.

Ông Kiều Thanh Hà (bên phải): Sẽ phân cấp để lãnh đạo xã, huyện phải chịu trách nhiệm nếu mất rừng.

Những bàn tay “dính chàm”

Sau những trận mưa trắng trời, ngày 22/8 neo vào tâm trạng nhiều cán bộ lâm nghiệp ở Đăk Lăk sự ngỡ ngàng, tiếc nuối khi chứng kiến chiếc xe đặc chủng của lực lượng chức năng đến bắt ông Bùi Văn Khang (Hạt trưởng Hạt kiểm lâm huyện Cư M’gar). Theo kết quả điều tra, khi còn làm Hạt trưởng Hạt kiểm lâm huyện Buôn Đôn (giai đoạn 2008 đến 2017), ông Khang đắc lực tiếp tay cho trùm gỗ lậu Phan Hữu Phượng (có biệt danh Phượng “râu”) hoạt động phá rừng, tiêu thụ gỗ gian. Ông Khang đã trực tiếp ký xác nhận nhiều bảng kê lâm sản trái phép cho công ty của Phượng sau đó để “bồi dưỡng” cho ông Khang, Phượng “râu” đã dâng lên cho ông nhiều lóng gỗ quý hiếm kèm theo những đồng tiền phi pháp mà Phượng có được từ việc xâu xé rừng.

Xếp thứ 2 sau những cây gỗ quý, những khoảng rừng tạp, rừng nhóm IV, nhóm V có mặt đất thổ nhưỡng phì nhiêu cũng thành chiếc bánh béo ngậy cho nhiều kẻ xấu và cán bộ biến chất nhăm nhe.

Điển hình như, đầu năm 2018,  Công an huyện Ea Súp đã điều tra ra ông Hồ Sỹ Tuấn (55 tuổi, Công an thường trực xã Cư M’lan) đã bán 10 héc-ta đất rừng tại tiểu khu 280 thuộc lâm phần quản lý của xã Cư M’lan cho các đối tượng khác sử dụng để thu lợi bất chính. Cũng tại huyện này đã phát hiện ra hàng chục vụ mua bán, sang nhượng đất rừng trái phép với diện tích lên đến hàng trăm héc ta. Càng nghiêm trọng hơn khi theo báo cáo của UBND huyện Ea Súp có đến 50% cán bộ, nhân viên trong các cơ quan huyện đang sử dụng, quản lý hơn 2.000 héc ta đất có nguồn gốc lâm nghiệp, hầu hết đều chưa có giấy tờ hợp pháp.

Nhìn những khoảnh rừng nối tiếp nhau đã bị cạo trắng ở Ea Súp, già làng A Đinh thổn thức, đau tiếc. Ông bảo, gần trọn thế kỷ mê rừng, chuyên đi cúng thần rừng, bến nước, có những hôm cứ như chết lặng trước những cánh rừng bị phá nát và quan sát thấy giữa chiều tà, những người đàn bà hõm mắt ngồi xoa vai vì gùi nước vét được từ những thung lung chứ suối còn đâu nước nữa mà múc. Ánh nhìn của họ cứ như thắc thỏm trong mênh mông khô hạn và tràn ngập âu lo.

Ngoài một số người bị bắt thì hàng trăm cán bộ quản lý lâm nghiệp ở Đăk Lăk liên tục bị kỷ luật nhưng nhiều hoạt động ngầm vẫn đang tiếp tục diễn ra, ngày càng tinh vi hơn. Ông Trần Anh Sơn, Giám đốc  Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Buôn Wing (huyện Cư M’gar) nhận định: Công ty chúng tôi cũng bị chiếm hàng trăm héc ta đất rừng rồi, cũng đang phải làm kiểm điểm vì bị thanh tra. Các đối tượng hoạt động tinh vi lắm, chúng luôn rình rập và ngấm ngầm nên khó phát hiện. Sau khi phá rừng, chiếm đất rừng thì chúng sang nhượng cho người này, người nọ, khó đòi lại. Giữa năm 2018 này cũng vừa phát hiện và ngăn chặn được một vụ.

Văn bản nhiều lắm…rừng cứ mất

Sinh ra từ buôn làng, quen với rừng cây, bến nước từ nhỏ, ông Y Thức - Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Bông chia sẻ: Mất rừng nhiều quá sẽ khiến sức khỏe và đời sống con người ảnh hưởng nghiêm trọng đấy. Ngoài nguyên nhân khách quan thì một số cán bộ lâm nghiệp vẫn chưa quyết liệt hết mình trong việc thực thi nhiệm vụ bảo vệ rừng, đất rừng nên mới mất rừng, đất rừng nhiều thế.

Theo kết luận của Thanh tra tỉnh Đăk Lăk vừa ban hành: Kiểm kê năm 1999, 2014 và biến động trong các năm 2015-2017, tổng diện tích đất rừng thuộc quản lý của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp KRông Bông (huyện Krông Bông) bị lấn chiếm, chặt phá rừng là 3.012, 60 héc ta. Trong cuộc làm việc với PV Báo Sức khỏe và Đời sống, ông Kiều Thanh Hà, Phó Chi cục trưởng, Chi cục kiểm lâm Đăk Lăk đánh giá: Giữ rừng quả là khó bởi các đối tượng cứ nhằm lúc mưa gió, đêm tối để hoạt động, công cụ ngăn chặn thì không đảm bảo. Riêng tại huyện Krông Bông về mức độ chiếm đất rừng và năng lực cán bộ bảo vệ rừng chưa thể gọi là bất lực được vì vẫn đang triển khai nhiều kế hoạch. Chúng tôi cũng đã ban hành rất nhiều văn bản để theo dõi rừng. Bên cạnh đó, còn ra nhiều văn bản để phân cấp mạnh, rất mạnh để nếu mất rừng huyện nào thì chủ tịch huyện đó cũng phải chịu trách nhiệm, xã nào mất rừng thì chủ tịch xã đó cũng phải chịu trách nhiệm.

Không riêng gì Đăk Lăk, nhiều vùng đất Tây Nguyên đời sống đang từng ngày bị đảo lộn bởi nạn xâu xé rừng, ước vọng “máu” rừng thôi chảy với không gian xanh tươi luôn cháy bỏng.


Bài và ảnh: HÀ VĂN ĐẠO
Ý kiến của bạn