NASA tắt thiết bị trên tàu vũ trụ Voyager 2 để tiết kiệm năng lượng

03-10-2024 15:58 | Quốc tế
google news

SKĐS - NASA đã quyết định tắt một trong năm thiết bị khoa học còn hoạt động trên tàu vũ trụ Voyager 2, dấu hiệu cho thấy sứ mệnh lịch sử của con tàu có thể sắp kết thúc.

Theo thông báo ngày 1/10, các kỹ sư NASA đã nỗ lực tối đa để kéo dài thời gian thu thập dữ liệu quý giá, nhưng cuối cùng vẫn phải đưa ra quyết định tắt thiết bị đo plasma nhằm bảo toàn năng lượng cho Voyager 2.

NASA tắt thiết bị trên tàu vũ trụ Voyager 2 để tiết kiệm năng lượng- Ảnh 1.

Hình minh họa này về tàu vũ trụ Voyager 2 của NASA cho thấy vị trí của các thiết bị khoa học trên tàu vẫn đang hoạt động: máy đo từ trường, hệ thống tia vũ trụ, thí nghiệm khoa học plasma, thiết bị hạt tích điện năng lượng thấp và ăng-ten được hệ thống sóng plasma sử dụng. (Nguồn: NASA)

Voyager 1 và Voyager 2 được thiết kế để khám phá không gian sâu hơn bất kỳ vật thể nào do con người chế tạo. Để duy trì hoạt động, cả hai tàu phụ thuộc vào 3 máy phát nhiệt điện đồng vị phóng xạ (RTG), sử dụng năng lượng từ quá trình phân rã của plutonium-238.

Khi được phóng vào năm 1977, hai tàu vũ trụ có công suất ban đầu khoảng 470 watt. Tuy nhiên, sau hơn 47 năm, do mất năng lượng ở tốc độ khoảng 0,79% mỗi năm, hiện nay chúng chỉ còn khoảng 2/3 công suất ban đầu.

Thiết bị đo plasma của Voyager 2 có nhiệm vụ nghiên cứu gió Mặt Trời và các môi trường khác trong không gian. Nó bao gồm bốn bộ phận giống như những chiếc cốc, ba trong số đó hướng về phía Mặt Trời để đo gió Mặt Trời, còn một bộ phận đo từ trường của các hành tinh và không gian giữa các vì sao.

Thiết bị này rất hữu ích khi Voyager 2 vượt qua ranh giới nhật quyển (vùng không gian chịu ảnh hưởng của Mặt Trời) vào năm 2018. Tuy nhiên, kể từ đó, nó chỉ thu thập được dữ liệu đáng kể mỗi ba tháng, khi tàu quay mặt về phía Mặt Trời.

NASA nhận định đây là thời điểm thích hợp để tắt thiết bị đo plasma. Dù vậy, vì Voyager 2 hiện cách Trái Đất hơn 12,9 tỷ dặm, tín hiệu tắt thiết bị phải mất 19 giờ để đến được tàu và thêm 19 giờ nữa để tín hiệu phản hồi trở lại Trái Đất.

NASA tắt thiết bị trên tàu vũ trụ Voyager 2 để tiết kiệm năng lượng- Ảnh 2.

Các kỹ sư làm việc trên tàu Voyager 2 của NASA, tháng 3/1977, trước khi tàu vũ trụ được phóng vào tháng 8 cùng năm. Tàu thăm dò mang theo 10 thiết bị khoa học, một số trong số đó đã bị tắt trong nhiều năm để tiết kiệm điện. (Nguồn: NASA)

Việc tắt thiết bị trên Voyager không phải là lần đầu tiên. Sau khi hoàn thành sứ mệnh ban đầu khám phá các hành tinh khổng lồ trong hệ Mặt Trời vào thập niên 1980, nhiều thiết bị không cần thiết đã bị tắt. Các thiết bị sưởi ấm và một số máy móc khác cũng đã ngừng hoạt động. Đáng chú ý, thiết bị đo plasma của Voyager 1 đã ngừng hoạt động từ năm 1980 và hoàn toàn tắt vào năm 2007 để tiết kiệm năng lượng.

Mặc dù đối mặt với nhiều thử thách, cả hai tàu Voyager vẫn tiếp tục làm nên lịch sử khi tiến vào vùng không gian sâu thẳm chưa từng được khám phá. Theo dự kiến, chúng có thể tiếp tục gửi dữ liệu ít nhất đến thập niên 2030, các kỹ sư NASA vẫn nỗ lực hết sức để kéo dài tuổi thọ của hai tàu này.

Người dân kiện NASA đòi bồi thường vì bị rác vũ trụ đâm thủng mái nhàNgười dân kiện NASA đòi bồi thường vì bị rác vũ trụ đâm thủng mái nhà

SKĐS - Ngày 20/6, NASA đã phải đối mặt với yêu cầu bồi thường hơn 80.000 USD (khoảng 2 tỷ đồng) khi một mảnh rác vũ trụ rơi xuống nhà dân ở bang Florida, Mỹ.


Xuân Minh
(Theo NASA, Popular Science)
Ý kiến của bạn