Nạo VA tuy là một phẫu thuật thường quy của chuyên khoa tai mũi họng, nhưng chỉ định nạo VA lại rất chặt chẽ. Các bác sĩ chuyên khoa sẽ thăm khám VA thông qua nội soi, kết hợp với thăm khám lâm sàng kĩ lưỡng để đưa ra lời khuyên có nên nạo VA hay không.
1- VA là gì?
VA viết đầy đủ theo tiếng Pháp là Végétations Adénoides, là tổ chức lympho nằm ở vòm họng. VA là một phần của vòng bạch huyết Waldeyer - có tác dụng như một hàng rào vệ sĩ để bảo vệ cơ thể bằng phương thức miễn dịch tế bào và dịch thể, tiêu diệt các tác nhân gây bệnh tấn công qua đường mũi họng. VA sẽ phân biệt và định dạng yếu tố gây bệnh xâm nhập, qua đó giúp cơ thể sinh ra kháng thể chống lại chúng.
2- Có nên nạo VA hay không, khi nào thì cần nạo VA?
Viêm VA không biến chứng ở trẻ em là quá trình giúp cơ thể hình thành miễn dịch. Chỉ định nạo VA chỉ được đưa ra khi:
- Tần suất viêm trên 07 lần/ năm hoặc 05 lần/ 2 năm liên tiếp.
- Viêm VA do liên cầu, do vi khuẩn gây mùi hôi.
- Viêm VA gây ảnh hưởng tới sinh lý, thể chất: Thở miệng, ngủ ngáy, ngưng thở khi ngủ…
- Viêm VA gây biến chứng kế cận: Viêm tai giữa tái diễn, viêm mũi xoang, viêm thanh khí phế quản, thấp tim, viêm cầu thận, thấp khớp cấp…
3- Vậy nạo V.A có nguy hiểm gì không?
- Việc nạo V.A sẽ nguy hiểm vì có thể xảy ra các tai biến về thuốc tiền mê, thuốc mê: Nếu người bệnh bị dị ứng hoặc sốc phản vệ do thuốc mê.
- Có thể chảy máu ngay trong phẫu thuật hoặc sau phẫu thuật:
- Đa phần là chảy máu nhẹ, phẫu thuật viên có thể chủ động cầm máu hoặc nhét chặt vùng vòm mũi họng trong 48 giờ.
- Sử dụng thuốc cầm máu dạng tiêm hoặc uống
- Một số trường hợp hy hữu do dị dạng mạch máu não: Chảy máu dữ dội, khó cầm. Cần chụp mạch kiểm tra và nút mạch. Trường hợp này có thể nguy hiểm tới tính mạng do mất máu cấp.
- Ngoài ra có thể có một số di chứng:
- Xơ dính lỗ vòi tai: Do tổn thương niêm mạc xung quanh lỗ vòi tai khi nạo V.A hoặc khi cầm máu.
- Doãng rộng cửa mũi sau: trẻ hay nhức đầu sau nạo, giọng mũi hở…
4- Nạo VA tổn thương như thế nào tới vòi tai?
Vòi tai nối tai giữa và họng mũi, có chức năng thông khí và cân bằng áp lực, đây cũng là chức năng quan trọng nhất. Vòi nhĩ có khả năng điều hòa và cân bằng áp lực của hòm nhĩ với môi trường bên ngoài thông qua chức năng đóng mở loa vòi.
Ngoài ra, vòi tai còn có chức năng bảo vệ - phản xạ đóng loa vòi ngăn không cho áp lực âm thanh và dịch từ vòm mũi họng xâm nhập tai giữa.
Chính vì thế, nạo VA có thể ảnh hưởng tới vòi tai. Nạo VA thường có tác động tốt tới trẻ (85%), tuy nhiên có 10% trường hợp các biểu hiện không thay đổi so với trước khi nạo và 5% có thể nặng hơn trước do những di chứng của phẫu thuật: có thể làm rộng khoang họng mũi, biểu mô vùng vòm thoái hoá sau tác động của các động tác cầm máu… xơ dính niêm mạc xung quanh lỗ vòi…
- Tổn thương có thể là tạm thời, chúng sẽ trở lại bình thường trong vòng 1- 2 tuần với biểu hiện:
- Cảm giác vướng, đầy tức tai (ở trẻ biết mô tả) do phù nề niêm mạc và tiết dịch rỉ viêm sau phẫu thuật.
- Phản ứng tiết dịch tai giữa do kích thích niêm mạc vung quanh tổ chức VA khi đốt, cầm máu…
- Tổn thương vĩnh viễn:
- Xơ dính lỗ vòi tai: Do tổn thương niêm mạc xung quanh lỗ vòi tai sau khi nạo VA hoặc cầm máu.
- Hội chứng doãng rộng cửa mũi sau: Với biểu hiện nhức đầu nhiều sau nạo VA, giọng mũi hở, đau đầu.
5- Sau phẫu thuật nạo VA cần chú ý gì?
Chăm sóc sau phẫu thuật, cha mẹ cần chú ý sử dụng đơn thuốc đúng và đủ liều theo chỉ định của bác sĩ. Ngoài ra, cần có chế độ sinh hoạt khoa học trong đó chú trọng cho trẻ uống đủ nước. Ăn lỏng và mềm sẽ giúp giảm tình trạng đau họng.
Trẻ sẽ trở lại bình thường sau một vài ngày. Có thể sử dụng thuốc giảm đau nếu cần thiết. Để trẻ nghỉ ngơi tại nhà cho đến khi trẻ có thể ăn uống bình thường trở lại.
Một điều cần lưu ý, sau khi nạo VA trẻ sẽ sốt nhẹ, đây là biểu hiện bình thường sau phẫu thuật nạo VA. Nhưng nếu có dấu hiệu sốt cao từ 38,5 độ C trở lên hoặc có các dấu hiệu bất thường cần liên hệ ngay bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng để nhận được sự tư vấn cần thiết. Người bệnh không di chuyển bằng máy bay ít nhất 2 tuần sau phẫu thuật.
Thăm khám lại tại chuyên khoa tai mũi họng trong 02 tuần sau phẫu thuật, để phát hiện sớm tình trạng bất thường còn xử trí kịp thời.
Mời độc giả xem thêm video đang được quan tâm:
Vận động để giữ sức khỏe trong mùa dịch COVID-19