Não úng thủy: Nguyên nhân, triệu chứng, phòng ngừa và cách điều trị

27-08-2024 08:36 | Tra cứu bệnh

SKĐS - Não úng thủy là tình trạng các não thất to hơn bình thường do tăng tiết nhiều hay do hấp thụ ít hoặc tắc nghẽn lưu thông của chất dịch. Sự dư thừa này làm cho đầu của trẻ ngày càng to dần và khiến nhu mô não bị tổn thương.

1. Nguyên nhân gây bệnh não úng thủy

Căn nguyên gây bệnh não úng thủy rất đa dạng, thường xếp thành 2 nhóm căn nguyên chính là: bẩm sinh hoặc mắc phải. Tuy nhiên mỗi căn nguyên lại có các mức độ tổn thương não khác nhau, hình ảnh lâm sàng cũng khác nhau và chính những điều này gây ra rất nhiều khó khăn cho việc lựa chọn phương pháp can thiệp điều trị cũng như tiên lượng bệnh.

Não úng thủy: Nguyên nhân, triệu chứng, phòng ngừa và cách điều trị- Ảnh 1.

Hình ảnh não bình thường (trái) và não úng thủy (phải).

1.1. Não úng thủy bẩm sinh

Đây là những trường hợp não úng thủy có yếu tố di truyền hoặc xảy ra do gặp sự cố nào đó trong thai kỳ hoặc cũng có thể mắc phải trong những tháng đầu tiên của trẻ sau khi được sinh ra trong đó bao gồm: Hẹp cống não, thoát vị màng não-tủy, nang dịch bẩm sinh, xuất huyết não thất ở trẻ sinh non, nhiễm trùng bẩm sinh, dị tật Arnold-Chiari loại II.

Não úng thủy mắc phải: Là những trường hợp mắc não úng thủy thứ phát xảy ra sau khi mắc một số bệnh như viêm màng não do vi khuẩn, xuất huyết nội sọ, u não…

1.2. Não úng thủy ở người lớn

Ở người lớn khi bị chấn thương hoặc có thương tật có thể là thay đổi sự lưu thông của dịch não tủy, não thất bị phình to khi dịch não tủy tích tụ. Vì cấu trúc hộp sọ của người lớn rắn và không thể mở rộng vì vậy áp suất trong não có thể tăng lên nghiêm trọng, nếu không được điều trị sẽ gây tổn thương não hoặc tử vong.

2. Triệu chứng của bệnh não úng thủy

Triệu chứng của bệnh não úng thủy rất đa dạng. Một số triệu chứng phổ biến bao gồm:

2.1. Biểu hiện não úng thủy ở trẻ sơ sinh:

  • Vòng đầu lớn bất thường, có thể dễ dàng nhận thấy bằng mắt thường.
  • Thóp trước và thóp sau phồng, ấn vào cảm giác căng.
  • Da đầu mỏng do bị kéo căng theo kích thước vòng đầu.
  • Các xương hộp sọ tách nhau ra, đường gian khớp giãn rộng.
  • Mạch máu nổi rõ dưới da đầu.
  • Bỏ bú, nôn mửa.
  • Mắt nhìn lệch xuống dưới, ít chuyển động.
  • Co giật, dễ kích thích.
  • Tay chân kém linh hoạt.

2.2. Não úng thủy ở trẻ nhỏ có biểu hiện:

  • Vòng đầu lớn bất thường.
  • Đau đầu.
  • Chán ăn, buồn nôn, nôn mửa.
  • Sốt, có thể kèm co giật.
  • Mờ mắt hoặc nhìn đôi;
  • Dễ bị kích thích, tính cách thay đổi.
  • Buồn ngủ, khó tỉnh táo, khó tập trung.
  • Đi lại, nói chuyện và thực hiện các động tác chậm chạp.

2.3. Não úng thủy ở người trẻ và nhóm người ở độ tuổi trung niên có biểu hiện:

  • Nhức đầu.
  • Buồn nôn, nôn mửa.
  • Li bì, khó tỉnh táo.
  • Mất thăng bằng, khả năng phối hợp động tác kém.
  • Rối loạn đại tiểu tiện.

2.4. Não úng thủy ở người lớn tuổi có biểu hiện:

  • Đau đầu.
  • Giảm trí nhớ.
  • Mất thăng bằng, khả năng phối hợp động tác kém.
  • Xuất hiện các dáng đi bất thường như đi đứng loạng choạng.

Bệnh não úng thủy ở trẻ sơ sinh nếu không được phát hiện và điều trị sớm, dịch não tủy tích tụ sẽ tạo áp lực lên não, gây tổn thương trực tiếp đến hệ thần kinh trung ương. Những tổn thương này hiện vẫn chưa có cách khắc phục, ngay cả khi bệnh nhi đã được phẫu thuật điều trị não úng thủy.

Một số di chứng nguy hiểm do bệnh não úng thủy ở trẻ gây ra bao gồm:

  • Viêm màng não mủ;
  • Mù;
  • Điếc;
  • Liệt;
  • Trẻ chậm phát triển;
  • Gặp một số vấn đề về thần kinh, động kinh;
  • Khả năng vận động kém…

Hiện nay, bệnh não úng thủy ở trẻ sơ sinh có thể được phát hiện ngay khi bé còn là thai nhi trong bụng mẹ thông qua phương pháp siêu âm. Hơn nữa, ngay khi bé vừa chào đời, mẹ có thể cho bé thực hiện siêu âm não khi nghi ngờ bệnh não úng thủy.

Não úng thủy nếu không được điều trị kịp thời sẽ gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm.

Não úng thủy: Nguyên nhân, triệu chứng, phòng ngừa và cách điều trị- Ảnh 2.

Khám thai định kỳ, tiến hành tầm soát đầy đủ theo sự hướng dẫn của bác sĩ giúp phát hiện sớm bệnh não úng thủy. (Ảnh minh họa)

3. Não úng thủy có lây không?

Bệnh não úng thủy không lây truyền từ người bệnh sang người lành khi tiếp xúc thông thường, nhưng cần lưu ý nếu bản thân người mẹ mắc bệnh cần chú ý áp dụng các biện pháp phòng tránh cho thai nhi tránh để bị di truyền sang đứa trẻ.

4. Phòng bệnh não úng thủy

Hiện nay chưa có một biện pháp rõ ràng nào được chứng minh là có khả năng phòng ngừa được bệnh lý não úng thủy. Một số điều cần lưu ý để giảm thiểu nguy cơ như sau:

Khám thai định kỳ theo đúng hạn, tiến hành tầm soát đầy đủ theo sự hướng dẫn của bác sĩ để phát hiện sớm tình trạng não úng thủy. Trẻ được chẩn đoán não úng thủy ngay từ khi còn trong bụng mẹ sẽ được theo dõi và can thiệp sớm, giảm thiểu tối đa các biến chứng của bệnh.

Đến gặp bác sĩ để được tư vấn các loại vaccine cần tiêm phòng trước khi mang thai, đặc biệt ở những người có suy giảm miễn dịch.

Chăm sóc bé cẩn thận, luôn quan sát bé, không lơ là để hạn chế chấn thương lên vùng đầu, tránh gây ra những thương tổn đáng tiếc.

Không chơi đùa với trẻ bằng cách tung trẻ lên cao trong không trung, đặc biệt với trẻ sơ sinh

Tiêm chủng đầy đủ cho trẻ.

Cần đưa trẻ đến cơ sở y tế ngay nếu phát hiện bất kỳ dấu hiệu bất thường nào như đầu to lên, mắt nhìn xuống dưới,...

Ở người lớn, nếu không may mắc phải các bệnh lý thần kinh cần đi khám sớm và điều trị triệt để.

5. Các phương pháp điều trị não úng thủy

Mặc dù các phương pháp điều trị hiện có không thể khôi phục lại các tổn thương do não úng thủy gây ra nhưng sẽ giúp bệnh được kiểm soát và bảo vệ sức khỏe và tính mạng cho bệnh nhân. Một số cách điều trị não úng thủy thường được các bác sĩ chỉ định bao gồm:

5.1. Phẫu thuật cấy ống Shunt

Hầu hết bệnh nhân bị não úng thủy đều được điều trị bằng phương pháp phẫu thuật cấy ống Shunt. Ở phương pháp này, bác sĩ sẽ đặt ống Shunt (ống được làm từ silicon, dài) ở dưới da. Một đầu được đặt vào bên trong não thất, khu vực tích tụ dịch não tủy nhằm dẫn dịch não tủy dư thừa ra khỏi não. Đầu còn lại của ống Shunt sẽ được đặt ở cơ quan có thể hấp thụ lượng dịch này một cách dễ dàng, thường là bụng, buồng trong tim. Bên trên ống Shunt sẽ được gắn một chiếc van ở gần não thất nhằm kiểm soát dòng chảy, ngăn chặn tình trạng chảy ngược dòng, dịch não tủy chảy ngược vào não thất khi bệnh nhân chuyển động, thay đổi vị trí.

Trẻ đã được điều trị bằng phương pháp này thường phải đặt ống Shunt suốt đời. Sau điều trị, bệnh nhân cần đi khám sức khỏe thường xuyên và thực hiện phẫu thuật thay thế ống Shunt theo định kỳ.

5.2. Phẫu thuật nội soi phá sàn não thất III

Phẫu thuật nội soi phá sàn não thất III (endoscopic third ventriculostomy) còn được gọi là phẫu thuật thông thiên nhất hay phẫu thuật cắt bỏ não thất. Phương pháp này ít gây đau đớn nhưng lại kém hiệu quả khi điều trị não úng thủy ở trẻ sơ sinh.

Khi thực hiện phẫu thuật, bác sĩ sẽ rạch một đường ở não thất để chèn máy dò vào bên trong não thất. Đồng thời, bác sĩ sẽ tạo một lỗ ở dưới đáy hoặc giữa các não thất để dịch não tủy thoát ra ngoài.


BS. Nguyên Văn Tứ
Ý kiến của bạn