Hà Nội

Não có thể cải thiện trí nhớ trong khi ngủ

30-09-2014 09:00 | Y học 360
google news

SKĐS - Rèn luyện, tăng cường trí nhớ trong khi ngủ đã từng được coi là điều không tưởng. Nhưng ngày nay các nhà thần kinh học đã tìm ra các phương pháp để cải thiện trí nhớ của bạn ngay cả khi bạn đang ngủ

Não bộ không hoàn toàn nghỉ ngơi trong khi ngủ

Các nhà khoa học đã từng tin rằng não bộ của chúng ta hoàn toàn nghỉ ngơi trong khi ngủ. Tuy nhiên các nghiên cứu mới trong những năm gần đây lại cho thấy điều ngược lại, bên cạnh những giấc mơ thì não bộ của chúng ta vẫn hoạt động ngay cả trong lúc cơ thể hoàn toàn nghỉ ngơi. Họ cho rằng giấc ngủ là một cách tuyệt vời để ghi nhớ những điều đã được tiếp thu trong ngày, thậm chí có thể đưa ra những quyết định mới mà đến sáng hôm sau sẽ giúp bạn hình thành nhiều ý tưởng.

Một nghiên cứu mới đây của Tiến sĩ Sid Kouider (Pháp) và các đồng nghiệp của ông được đăng tải trên tờ Current Biology cho biết: giấc ngủ là một hình thức tiếp thu thông tin mới. Theo đó, các nhà nghiên cứu đã tiến hành một thí nghiệm đặc biệt bằng cách cho những người tình nguyện được nằm trên giường trong một căn phòng tối. Sau đó họ được yêu cầu phân loại những câu nói được nghe bằng cách ấn một trong hai nút trái hoặc phải. Tiếp đó, khi những người tình nguyện đã đi vào giấc ngủ, đương nhiên họ không thể ấn được nút phân loại nhưng bộ não của họ có vẻ như vẫn tiếp tục công việc này.

Mô phỏng nghiên cứu khả năng hoạt động của não bộ khi thức và ngủ với các từ có sẵn.
Mô phỏng nghiên cứu khả năng hoạt động của não bộ khi thức và ngủ với các từ có sẵn.

Bằng cách sử dụng một điện não đồ (EEG), các nhà khoa học thấy rằng những phần riêng biệt của bộ não chịu trách nhiệm điều khiển ấn nút trái hoặc phải vẫn tiếp tục sáng lên khi nghe những câu nói trong cuộc thử nghiệm. Hơn thế nữa những câu trả lời trong lúc đang ngủ say vẫn hoàn toàn chính xác.

Kết quả của cuộc thử nghiệm này đã đem lại hy vọng cho các nhà khoa học trong việc nghiên cứu hoạt động của bộ não con người. Tiến sĩ Sid Kouider cho biết, rất có thể trong tương lai chúng ta sẽ có thể làm việc hay đưa ra quyết định ngay cả trong khi đang say giấc ngủ.

Não bộ có thể tăng cường lưu giữ thông tin trong lúc ngủ?

Trong suốt buổi đêm, não bộ của chúng ta bận rộn xử lí và hợp nhất các kí ức của chúng ta từ ngày hôm trước, và có thể có các cách nào đó để đẩy mạnh quá trình đó. Theo các nhà khoa học, trong thực tế, não bộ khi ngủ không thể tiếp nhận được thông tin mới, nhưng nó vẫn làm việc hay đưa ra quyết định: các hoạt động trong não bộ khi ngủ vẫn có các trải nghiệm trong ngày và chuyển kí ức từ vùng đồi thị - nơi được cho là hình thành trí nhớ - tới các vùng trên khắp vỏ não, nơi chúng được lưu trữ lâu dài. “Nó giúp làm ổn định kí ức và hợp chúng lại thành một mạng lưới kí ức lâu dài”, theo Susanne Diekelmann, Đại học Tubingen (Đức). Từ đó, giấc ngủ sẽ giúp chúng ta tổng quát hóa những gì đã học, cho ta sự linh hoạt trong việc sử dụng các kĩ năng khi đối mặt với các tình huống mới. Bởi vậy dù bạn không thể học các điều mới, thay vào đó bạn có thể củng cố các kĩ năng hoặc tăng cường thêm các kiến thức học được trong ngày.

Để có kết luận trên, Diekelmann đã yêu cầu các tình nguyện viên chơi một trò chơi, trong đó họ phải nhớ một loạt các vật trong một cột dọc trước khi đi ngủ trong phòng thí nghiệm của bà. Một số tình nguyện viên được tiếp xúc với một mùi hương nhân tạo nhẹ khi họ chơi, và sau đó Diekelmann cho họ ngửi mùi hương đó khi họ ngủ. Quét não cho thấy những người này có sự liên lạc giữa vùng đồi thị và một số vùng vỏ não nhiều hơn so với những người không có tín hiệu mùi hương – và đó chính là hoạt động dẫn đến sự củng cố trí nhớ. Thật vậy, những người này nhớ đến 84% vị trí các vật khi họ thức dậy, trong khi những người không được ngửi mùi hương chỉ nhớ khoảng 61%.

Thử nghiệm tín hiệu mùi trong giấc ngủ để đo khả năng tăng cường trí nhớ của não bộ
Thử nghiệm tín hiệu mùi trong giấc ngủ để đo khả năng tăng cường trí nhớ của não bộ

Tất nhiên, chúng ta cần phải tiến hành thêm các thử nghiệm lớn hơn với các đối tượng đa dạng hơn trước khi đưa kĩ thuật này vào sử dụng rộng rãi. Diekelmann cũng cho rằng chúng ta cần phải khẳng định rằng các nghiên cứu này không gây ra các hậu quả bất thường. Và mặc dù bà không nghĩ rằng thử nghiệm trên có thể bị lợi dụng để tẩy não con người ngoài ý muốn, bà cho biết chúng ta cần phải xem xét liệu đạo đức của chúng ta có cho phép chúng ta, ví dụ, điều khiển trí nhớ của con trẻ, theo cách này không vì “Ngủ là một trạng thái dễ bị tổn thương”. Song bà cũng nhấn mạnh rằng các nguy hại có thể xảy ra không nên là những vật cản đường trong nghiên cứu về hoạt động của nao bộ trong lúc ngủ, “Ý tưởng này rất đáng để quan tâm, và chúng ta cần sử dụng nó đúng cách”.

PH (BBC, Curent biology)

 


Ý kiến của bạn