Ông Trần Đình Liệu, Trưởng Ban thu của Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết, đã có đề xuất nâng tuổi nghỉ hưu thêm 2 - 5 năm nhằm tránh nguy cơ vỡ quỹ BHXH trong tương lai không xa. Thông tin này được đưa ra tại buổi gặp gỡ báo chí chia sẻ về chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT) do BHXH Việt Nam tổ chức chiều 12/5.
Năm 2021, quỹ hưu trí thu không đủ chi!
Theo ông Liệu, tại dự thảo mới nhất của Luật BHXH sửa đổi, từ năm 2016 trở đi sẽ thực hiện tăng tuổi nghỉ hưu đối với cán bộ, công chức, viên chức. Từ năm 2020 trở đi sẽ thực hiện tăng tuổi nghỉ hưu với các đối tượng còn lại theo phương thức, cứ mỗi năm tăng thêm 4 tháng tuổi cho đến khi đạt 60 tuổi đối với nữ và 62 tuổi với nam. Riêng lực lượng vũ trang thực hiện theo quy định của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam hoặc Luật Công an nhân dân. Đối với người lao động làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và người lao động làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực từ 0,7 trở lên, tuổi nghỉ hưu vẫn được thực hiện như quy định hiện hành.
Theo cơ quan chức năng, với các chính sách hiện hành, quỹ hưu trí và tử tuất đến năm 2021 thu trong năm không đủ chi trong năm. Để bảo đảm khả năng chi trả, phải lấy từ nguồn kết dư của quỹ, tuy nhiên đến năm 2034, phần kết dư không còn, số chi lớn hơn rất nhiều so với số thu.
Cũng về vấn đề này, ông Liệu cho biết thêm, số lượng người hưởng lương hưu ngày càng tăng. Nếu như trong năm 1996 có 217 người đóng BHXH cho một người hưởng lương hưu thì năm 2007 chỉ còn 14 người và năm 2012 chỉ còn 9,3 người đóng BHXH cho một người hưởng lương hưu. Cùng đó, số tuổi nghỉ hưu sớm dẫn đến thời gian đóng BHXH ngắn, thời gian hưởng lương hưu lại dài. Hiện số năm đóng BHXH bình quân đối với nam là 28 năm và nữ là 23 năm.
Cân nhắc tăng tuổi nghỉ hưu theo từng đối tượng
Trước đó, tại Phiên họp toàn thể lần thứ 7, Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội đã thẩm tra Dự án Luật BHXH (sửa đổi) nhằm tiếp tục hoàn thiện Dự án Luật trước khi trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp Quốc hội tháng 5 này, vấn đề tăng tuổi nghỉ hưu của người lao động đã nhận được nhiều sự quan tâm của các đại biểu. Nhiều ý kiến thảo luận cho rằng việc quy định nâng tuổi nghỉ hưu lên 60 tuổi đối với nữ và 62 tuổi đối với nam cần phải căn cứ vào tình trạng sức khỏe, thể chất, điều kiện, môi trường làm việc của người lao động Việt Nam, nhất là lao động trực tiếp sản xuất, lao động làm trong các khu vực da giày, dệt may, cao su, họ không thể đủ sức làm việc đến độ tuổi này và quy định cứng cho toàn bộ đối tượng người lao động đều phải kéo dài tuổi hưu sẽ là mâu thuẫn với Bộ Luật lao động. Do đó, việc đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu của người lao động không nên quy định cứng nhắc.
Đưa ra quan điểm của mình về vấn đề này, bà Trương Thị Mai, Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng, để tạo sự đồng thuận về vấn đề nâng tuổi nghỉ hưu của người lao động là không dễ, tuy nhiên phải tính đến mục tiêu của Luật BHXH (sửa đổi) là mở rộng chính sách an sinh xã hội. Theo bà Mai, tăng tuổi nghỉ hưu là một trong những giải pháp tăng tiền cho quỹ nhưng nếu làm tốt công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm, tăng chế tài thì mỗi năm có vài chục ngàn tỷ đồng bổ sung cho quỹ. Do đó, việc tăng tuổi nghỉ hưu cũng cần phải cân nhắc, trước mắt, có thể tăng tuổi hưu nên đi theo từng đối tượng, chức vụ, có thể tăng một số nhóm trước.
Thất thu 80.000 tỷ đồng mỗi năm vì trốn đóng BHXH, BHYT
Theo bà Đỗ Thị Xuân Phương, Phó Tổng giám đốc BHXH Việt Nam, tình trạng vi phạm pháp luật trốn đóng BHXH, BHYT vẫn diễn ra phức tạp. Hiện có khoảng trên 500 nghìn đơn vị đăng ký thành lập doanh nghiệp, nhưng thực tế chỉ có trên 300 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động và chỉ có 150 nghìn doanh nghiệp tham gia BHXH. Theo thống kê của ngành LĐ-TB&XH, số đối tượng có quan hệ lao động thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc khoảng 16 triệu người, trong khi đó đối tượng đang tham gia BHXH là gần 11 triệu người, cả khối lực lượng vũ trang, chiếm 68,8% số người phải tham gia. Như vậy, vẫn còn trên 5 triệu người chưa tham gia BHXH, tương ứng số thu BHXH, BHYT khoảng 56 nghìn tỷ đồng/năm. Cùng với đó là khoản chênh lệch giữa mức lương thực tế và mức lương doanh nghiệp ký hợp đồng để đóng BHXH cho người lao động khoảng 1 triệu đồng, thì số thu BHXH, BHYT tương ứng khoảng 24 nghìn tỷ đồng/năm.