Nặng tình với cột mốc quốc gia

04-01-2015 2:00 PM | Thời sự

SKĐS - Tại vùng đất biên giới phía Tây của tỉnh Thanh Hóa, hơn 35 năm qua, có một cựu chiến binh trở về từ chiến trường xưa đã không quản ngại mưa nắng...

Tại vùng đất biên giới phía Tây của tỉnh Thanh Hóa, hơn 35 năm qua, có một cựu chiến binh trở về từ chiến trường xưa đã không quản ngại mưa nắng, khó khăn tình nguyện trông giữ cột mốc quốc gia. Người đàn ông ấy được nhân dân trong làng, ngoài bản gọi là “bố Hợi”. Chẳng những tình nguyện giữ cột mốc biên giới, cũng từng ấy năm, bố Hợi còn làm công tác dân vận, đơn giản vì ông nghĩ “đó là trách nhiệm của một công dân đối với đất nước”.

Một phần tất yếu của cuộc sống...

“Bố Hợi” có tên đầy đủ là Vi Văn Hợi (bản Cha Khót, xã Na Mèo, Quan Sơn, Thanh Hóa). Sinh năm 1948, ông là người dân tộc Thái. Khi 19 tuổi, ông nhập ngũ phục vụ Quân đội nhân dân Việt Nam ở một đơn vị trinh sát ở mặt trận Quảng Bình, Thừa Thiên Huế. Khi cuộc chiến của nhân dân Việt Nam hoàn toàn thắng lợi, đất nước thu về một mối, ông Hợi may mắn còn nguyên vẹn trở về quê hương để làm ăn sinh sống, tạo lập gia đình.

“Bố Hợi” dọn dẹp vệ sinh cho cột mốc 331 sạch sẽ và thoáng đãng.

Huyện Quan Sơn nơi ông ở hiện nay là một trong những địa phương có đường biên giới với nước bạn Lào của tỉnh Thanh Hóa và đây cũng là huyện miền núi thuộc diện còn khó khăn. Hồi mới giải ngũ, ông Hợi còn ở cùng gia đình tại huyện Lang Chánh  - địa phận cận kề với Quan Sơn, sau đó ông đi khai hoang và tìm đến bản Cha Khót. Cuộc sống nơi vùng biên quanh năm chỉ có tiếng chim kêu vượn hú, tiếng suối chảy róc rách ngày đêm khiến một người năng động như ông Hợi không thể đứng im một chỗ. Ông lên rừng bẫy thú và phát cây làm rẫy để tạo lập kinh tế. Cho đến năm 1978, trong chuyến đi rừng, ông thấy cột mốc Việt - Lào có số hiệu H3 ở lưng chừng núi thuộc bản Cha Khót bị che khuất bởi cây cối rậm rịt xung quanh, ông lấy dao đi rừng phát quang, lấy lá cây lau chùi cột mốc sạch sẽ để ai có đến đây cũng biết đây là cột mốc quốc gia.

Như “trời se duyên” giữa ông Hợi và cột mốc biên giới H3, kể từ đó, ông thường xuyên lui tới trông coi và giữ cột mốc này. Đến nay cột mốc H3 đã được làm lại, vẫn đặt vị trí cũ, có điều mới chỉ là khác tên gọi từ H3 sang số 331. Tuy nhiên, ông Hợi vẫn không quên công việc “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng” của mình. Ông Hợi đến nay vẫn tình nguyện trông coi cột mốc, lãnh đạo Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Na Mèo tin tưởng nên cũng an tâm giao ông công việc này. Chiến sĩ Vi Văn Thuyền (Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Na Mèo) - người đưa tôi gặp “bố Hợi” suốt chặng đường đồi núi khó khăn, bộc bạch: “Bố Hợi tốt lắm! Bố xem việc trông coi cột mốc như một phần tất yếu của cuộc sống vậy!”. Từ trước đến nay, không quản ngại gian khó, trong những lần “tuần hành” và thăm cột mốc, nếu phát hiện có tình trạng hư hại, ông Hợi sẽ lập tức về trình báo với bộ đội biên phòng tại địa phương để có hướng giải quyết. Thường mỗi lần đến “thăm” cột mốc, ông Hợi đi bộ, cả đi lẫn về nếu nhanh thì hết nửa ngày. Ông ít đi xe máy vì nếu chẳng may gặp “sự cố” hết xăng hay hư hỏng xe giữa đường chỉ còn cách “bỏ xe đó mà đi bộ tiếp thôi vì nơi sửa xe cách đây mấy quả núi”.

Một tháng khoảng dăm bảy lần bất chấp thời tiết nắng mưa, ông Hợi lại “độc hành” băng qua đoạn đường rừng nhiều con suối vắt ngang đường, vách núi cheo leo với chiều dài gần 10km. Đường đi tới cột mốc có những đoạn hiểm trở, có đoạn lại lởm chởm đá ong sắc lẹm, có đoạn dốc cao thẳng đứng một bên vách đá, một bên vực sâu rất nguy hiểm nhưng ông chẳng nề hà. Hôm ông dẫn tôi tới thăm cột mốc, tôi cảm nhận được sự vững chí bền lòng của ông vì thật sự đường đi chẳng hề thuận tiện. Trời nắng có thể đi xe máy nhưng cũng rất khó khăn, trời mưa thì ngay cả đi bộ cũng khó vì đường lầy lội, trơn trượt. Nhưng có lẽ với tinh thần của một người lính năm xưa, khi đã bước chân khỏi nhà và xác định đến thăm cột mốc, dẫu thời tiết không ủng hộ thì ông vẫn “bám đường mà đi”. Cứ mỗi lần ghé thăm cột mốc, ông lại hăng say phát quang cỏ dại che khuất, kiểm tra cột mốc có còn nguyên vẹn không, sau đó đắp đất những chỗ bị nước xói mòn, lau chùi các con chữ ghi trên cột mốc để còn “thơm mùi mực”. Khi mọi việc hoàn tất, ông mới băng rừng trở về nhà. Theo chiến sĩ Vi Văn Thuyền, việc làm của “bố Hợi” đã góp phần cùng Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Na Mèo bảo vệ vững chắc cột mốc, cũng như đảm bảo an ninh vùng biên.

Làm dân vận...

Hôm tôi vượt hơn 250km từ thành phố Hà Nội về bản Cha Khót gặp “bố Hợi” thì “bố” không có nhà, đợi mãi tới khuya ông mới về vì hôm ấy ông đi ăn cưới dưới trung tâm huyện, cách nơi ông ở 50 cây số. Thấy có khách, ông niềm nở chào, cười xuề xòa rồi nói với tôi “Chú ở Hà Nội đến à, lên được tận bản Cha Khót, lại còn tìm được nhà tôi là giỏi hơn tôi rồi đấy”. Nói xong, ông đong đôi chén gạo bắc nồi cơm ở góc bếp nhà sàn, xuống vườn ngắt một rổ ngọn rau sắn và bắt con gà đãi khách - là tôi. Trong trí nhớ của tôi đến hôm nay, “bố Hợi” mà tôi gặp thật sự gần gũi, ông có dáng người mảnh khảnh, lại thật vui tính và hiền hậu.

“Bố Hợi” băng rừng lên “thăm” cột mốc.

Trong ánh điện như vài... con đom đóm bay quanh nhà, bên mâm cơm “cây nhà lá vườn”, nâng ly rượu, ông Hợi trò chuyện với tôi như con cháu trong nhà. Thì ra, bên cạnh việc trông coi cột mốc quốc gia, khi trở về bản, ông còn tiếp tục tuyên truyền để dân bản hiểu tầm quan trọng của cột mốc, nhằm tránh hành vi thiếu ý thức của người dân dẫn tới làm hại cột mốc, gây mất đoàn kết và an ninh quốc gia giữa Việt Nam và Lào. Theo lời “bố Hợi”, đã có một vài lần đồng bào dân tộc ở bên Lào giáp với cột mốc 331 sang đất ta đốt nương làm rẫy. Những lần ấy, với uy tín như một “già làng” nơi vùng biên, ông Hợi đã đứng ra thu xếp mọi chuyện, hay nói đúng hơn ông trổ tài ngoại giao. Với sự nhạy bén, ông nhận thấy hầu như đồng bào dân tộc thiểu số của cả hai nước giáp ranh ở đây có trình độ học vấn còn hạn chế nên quan trọng nhất “tôi phải hiểu phong tục tập quán của họ để nói cho họ hiểu. Mà không phải dễ vì họ (người Lào - PV) là người Mông, mình là người Thái, nhưng lâu dần rồi tôi cũng biết”.

Đã không ít lần, ông Hợi tự bỏ tiền túi để mua phích đựng nước, bộ ấm chén, cái nồi, cái chảo... để làm quà biếu các trưởng bản bên nước bạn Lào nhằm thắt chặt tình đoàn kết người dân vùng biên của hai nước. Khi đồng bào nước bạn Lào sang đi chợ ở cửa khẩu Na Mèo, ông Hợi gặp lại cho họ muối, mắm... bởi bên vùng giáp ranh thuộc đất Lào hiếm có những đồ này. Suốt bao năm, hầu hết những người dân Lào giáp với xã Na Mèo đều biết đến một “bố Hợi” người Việt cởi mở, tốt bụng. Thế nên nếu họ có “nhỡ không biết” đốt rẫy bên mình, khi ông Hợi giải thích là họ sẽ nói “xin lỗi, vì tôi không biết, xin chừa”.

Và còn sống còn bảo vệ cột mốc

Năm nay “bố Hợi” đã 67 tuổi, mái tóc của ông đã ngả bạc vì sương gió vùng biên, chân tay cũng nổi đầy gân cốt và sức yếu đi theo thời gian, tuổi tác. Làm công việc trông coi cột mốc, dân vận đã 36 năm nhưng hiện nay ông không có lương hay trợ cấp gì cho việc làm này. “Đó là trách nhiệm của công dân với Tổ quốc mà, có gì mà phải lương, trợ cấp hả anh!” - ông Hợi ngồi trên ngôi nhà sàn nhìn qua ô cửa sổ, nở nụ cười hiền từ nói tôi nghe. Đồng thời, cũng chừng ấy năm với công việc nhưng không có ai trang bị cho ông bộ quần áo, cái mũ, đôi giày... để ông đi “thăm” cột mốc. Ông Hợi cũng không đòi hỏi những thứ đó, không kêu khổ với bất cứ ai, cứ lặng lẽ âm thầm “đi và đến” với cột mốc. Người dân trong bản khuyên ông nên “bỏ nghề”, khi ấy ông lại mỉm cười và giải thích cho dân bản hiểu công việc “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng” của mình là thuộc về trách nhiệm.

Một phần ba thế kỷ qua, ông Hợi đã và đang “tình nguyện” trông coi cột mốc, tự bỏ thời gian và nhiều thứ khác để làm tròn “nghĩa vụ công dân”. Công việc như lời “bố Hợi” nói cũng “bình thường” nhưng tôi tin, những ai như tôi đã từng theo chân ông tới cột mốc 331 ở bản Cha Khót sẽ thấy được những vất vả trên hành trình đi tới cột mốc của ông. Vậy nhưng, trong ánh trăng tròn vành vạnh của ngày rằm, ông Hợi dù không say bởi chén rượu đãi khách vẫn bảo khi nào kiệt sức không đi được thì ông mới thôi công việc này. Chỉ cần trái tim ông còn đập, đôi chân ông đủ cứng cáp để băng rừng và lội suối thì ông vẫn bảo vệ, trông coi cột mốc. Và, tôi còn nhớ lắm ánh mắt trong buổi chiều ông tiễn tôi trở về Hà Nội có thoáng ưu tư, nhưng ông vẫn cất lời nhắn gửi: “Cứ yên tâm, tôi còn sống còn bảo vệ cột mốc... Có thời gian thì về đi với tôi”! 

Bài và ảnh: Hoa Quỳnh

 

 


Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn
BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ: HOẠT ĐỘNG CHỈ ĐẠO, ĐIỀU HÀNH THÔNG TIN Y TẾ 63 TỈNH, THÀNH